Sáng 30-6, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội (QH) TP Hà Nội đơn vị bầu cử số 1, đã tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ, để báo cáo kết quả kỳ họp thứ ba, QH khóa XIII và ý kiến trả lời của các cơ quan chức năng về những kiến nghị của cử tri tại buổi tiếp xúc lần trước. Cùng dự, có đại diện lãnh đạo TP Hà Nội và quận Tây Hồ.
Tại buổi tiếp xúc, hầu hết cử tri đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ ba vừa qua của QH, đã bàn nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước. Chất vấn và trả lời chất vấn tập trung vào những vấn đề mà cử tri quan tâm. Nhiều cử tri cho rằng, kỳ họp vừa qua của QH làm việc nghiêm túc, thông qua nhiều dự án luật quan trọng. Tuy nhiên, cử tri lại băn khoăn về việc thực thi pháp luật hiện nay. Các luật đất đai, phòng, chống tham nhũng đã có hiệu lực nhiều năm nay, nhưng tình trạng vi phạm trong sử dụng, quản lý đất đai, trong tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn, thậm chí có nơi, có lúc diễn biến phức tạp hơn. Còn nương nhẹ trong xử lý một số vụ tiêu cực tham nhũng. Cử tri đề nghị QH cần tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật, nhất là với những lĩnh vực "nóng". Cử tri mong muốn cần không ngừng nâng cao chất lượng, trình độ, năng lực của đại biểu QH, không nên vì cơ cấu mà ảnh hưởng đến chất lượng đại biểu QH.
Về các vấn đề kinh tế - xã hội, nhiều cử tri cho rằng, việc sử dụng, quản lý tài nguyên môi trường hiện nay vừa lãng phí, thất thoát, vừa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong xây dựng cơ bản còn lãng phí thất thoát lớn, nhiều công trình chưa bàn giao đã xuống cấp. Ðất nông nghiệp bị thu hồi với giá thấp, không tạo được sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình thu hồi đất nông nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng. Cử tri kiến nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý mạnh hơn đối với sai phạm trong xây dựng cơ bản, quản lý trật tự đô thị; không cho xây dựng nhà cao tầng trong các quận nội thành mà chuyển ra các khu đô thị mới.
Nhiều cử tri băn khoăn về tình trạng giáo dục - đào tạo hiện nay, còn nhiều bất cập trong đào tạo và dạy nghề; nhiều căn bệnh trong giáo dục chưa được khắc phục. Cần có chương trình cải cách triệt để cơ chế quản lý giáo dục, để khắc phục bằng được bệnh thành tích và các yếu kém, bất cập khác. Ðối với công tác cán bộ, nhiều cử tri băn khoăn, cho rằng còn yếu kém ở nhiều khâu. Việc bố trí sắp xếp cán bộ kể cả cán bộ cấp cao có trường hợp chưa hợp lý.
Vấn đề trên Biển Ðông cũng được cử tri rất quan tâm. Nhiều cử tri đề nghị cần tập trung đầu tư phát triển kinh tế biển, nhất là đầu tư phương tiện đánh bắt xa bờ; kết hợp phát triển kinh tế biển với bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng, đảo của Tổ quốc. Cử tri cũng đề nghị cần coi trọng việc quản lý lao động người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam. Tình trạng này đang rất đáng lo ngại không chỉ đối với kinh tế, tài nguyên môi trường mà ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn cử tri đã có nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, đề cập nhiều vấn đề quan trọng, phản ánh tâm tư của bà con cử tri nói chung. Tuy nhiên, Tổng Bí thư cho rằng, những ý kiến góp ý cho QH còn ít, mà chủ yếu tập trung vào những vụ việc cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nguyện vọng của người dân. Song qua đó, các đại biểu QH hiểu sâu sắc thêm tình hình thực tiễn, nhất là những vấn đề bức xúc từ cơ sở. Tổng Bí thư hoan nghênh các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội, quận Tây Hồ đã trả lời, giải trình cụ thể các vấn đề, vụ việc mà cử tri nêu. Ðồng tình với nhiều ý kiến của cử tri phản ánh về những bất cập trong giáo dục - đào tạo, xây dựng trường lớp cho cơ sở; quá tải trong các bệnh viện; về ô nhiễm môi trường; về các chính sách xã hội, như đối với gia đình có công, Tổng Bí thư cho biết, các đại biểu QH sẽ tiếp thu, tổng hợp để báo cáo các cơ quan chức năng nghiên cứu.
Trả lời ý kiến của cử tri về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Tổng Bí thư nêu rõ, QH đã ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng; T.Ư Ðảng cũng đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng và gần đây, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tuy đã có những kết quả nhất định nhưng chưa đạt mục tiêu yêu cầu đề ra. Tổng Bí thư cho rằng, cả hệ thống chính trị, toàn bộ cán bộ, đảng viên và nhân dân đều phải tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI: Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay đã nhìn thẳng vào sự thật, nêu rõ những yếu kém, khuyết điểm với bốn nhóm giải pháp đồng bộ. Vấn đề là quyết tâm của toàn Ðảng, toàn dân, trước hết là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành phải gương mẫu thực hiện, phải làm nghiêm, để xây dựng Ðảng thật sự trong sạch, vững mạnh.