Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý về nguyên tắc ban hành quyết định riêng về thực hiện thí điểm mức chi tiền lương, thu nhập đối với ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) với thời gian từ năm 2012 đến năm 2015.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính giải trình thêm một số nội dung của dự thảo Quyết định về mức chi tiền lương và chi bổ sung thu nhập đối ngành BHXH.
Cụ thể, Bộ Tài chính cần giải trình việc quy định mức chi tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành BHXH bằng 1,8 lần so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định.
Đồng thời, nêu rõ lý do và căn cứ để quy định mức chi bổ sung thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành BHXH so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định.
Bộ Tài chính phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung giải trình trên trước ngày 9/7/2012.
Như đã đưa tin trước đó, tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vào tháng 10/2011, UBTVQH đã quyết định cho phép ngành BHXH áp dụng mức chi tiền lương, tiền công đối với người lao động bình quân không vượt quá 1,8 lần so với chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.
Theo Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, BHXH là tổ chức sự nghiệp nhưng hiện chi phí hoạt động các quỹ bảo hiểm thì được áp dụng như chi phí quản lý của cơ quan hành chính, gây bất cập trong chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức trong ngành. Chi phí hoạt động được BHXH trích ra từ tiền sinh lời khi bảo toàn các quỹ bảo hiểm.
Hiện, khối lượng công việc mà ngành Bảo hiểm Xã hội phải thực hiện là rất lớn, nhất là khi Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực từ năm 2008 bổ sung thêm việc thu, chi, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội tự nguyện; Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp ra đời năm 2009; yêu cầu giám định chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế…
Bên cạnh đó, số đối tượng tham gia và hưởng chế độ từ các loại hình bảo hiểm ngày một tăng cũng khiến khối lượng công việc phải giải quyết của ngành ngày một lớn.
Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng tính chất công việc của ngành rất phức tạp trong khi lương thấp nên không thu hút được nhân tài. Từ 2007 đến nay, toàn ngành đã có 1.353 người xin thôi việc.
Khi Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực năm 2007 đến nay, Bảo hiểm xã hội đã tiết kiệm chi phí hoạt động để bổ sung vào tiền lương, giúp bình quân thu nhập của người lao động toàn ngành tăng thêm 0,7 lần. Tới năm 2011, tiền lương bình quân là 2,782 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân ước là 4,869 triệu đồng/tháng.