Xúc động đón anh về

14:13, 27/07/2012

Cứ mỗi lần có tin liệt sĩ được đưa về an táng tại quê nhà là thêm một lần chúng tôi cảm nhận được niềm tự hào, xúc động của thân nhân, đồng đội. Bởi, sau bao năm mòn mỏi ngóng trông, tìm kiếm, mới đón được anh về. Trong những ngày tháng 7 này, niềm phấn khỏi, tự hào càng có ý nghĩa lớn lao hơn khi các anh được trở về đúng vào dịp trái tim cả nước hướng về, tri ân những Anh hùng liệt sĩ. Dẫu rằng, ngày các anh trở về với đất mẹ cũng gặp không ít gian nan, thử thách.

Đến ngôi nhà số 12, tổ 3, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên), chúng tôi cảm nhận được không khí ấm áp, tự hào của thân nhân liệt sĩ Lê Đình Nam, bởi sau 40 năm nằm lại chiến trường, gia đình mới tìm được phần mộ và cất bốc di chuyển với mảnh đất Thái Nguyên. Ông Lê Đình Bắc, anh trai của liệt sĩ Nam xúc động: Cuối năm 1971, khi tôi đang ở chiến trường Thừa Thiên thì nhận được thư của em báo tin đã nhập ngũ, được biên chế vào Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 và đang có mặt tại chiến trường Quảng Trị ác liệt. Nhận được thư, tôi luôn khắc khoải mong một ngày gặp em để hỏi chuyện gia đình, quê hương cho nguôi nỗi nhớ. Nhưng những ngày tháng đó chiến tranh quá khốc liệt, chúng tôi mỗi người một đơn vị hành quân, đánh trận triền miên. Tháng 5-1972, em tôi hy sinh trong một trận chống quân đổ bộ của hải quân Mỹ vào chiếm lại Quảng Trị. Sau hòa bình lập lại, gia đình luôn mong tìm được phần mộ của em nhưng không biết hài cốt của em được quy tập về đâu. Mãi đến năm 1998, qua các kênh thông tin, dò hỏi, gia đình mới biết, mộ em được đưa về nghĩa trang xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), nơi có gần 3.000 mộ liệt sĩ. Phải mất hàng giờ đồng hồ, vạch cỏ ở từng ngôi mộ, chúng tôi mới tìm được phần mộ của em. Tìm thấy, muốn đưa em về quê hương để tiện bề chăm sóc. Đến đầu tháng 7-2012 vừa qua, gia đình tôi  hoàn thành được tâm nguyện này. Lễ đón nhận, an táng, em tôi đã được tổ chức một cách long trọng, được chính quyền phường, hội cựu chiến binh, ban chỉ huy quân sự… đứng ra lo liệu theo đúng quy định của Chính phủ.

 

Câu chuyện về liệt sĩ Ngô Mạnh Cường (xóm Nhân Hòa, xã Thịnh Đức, T.P Thái Nguyên - sinh năm 1949, nhập ngũ tháng 7-1967), hy sinh ngày 15-7-1971 tại chiến trường xã Ân Phong, huyện Hoài Ân (Bình Định) cũng để lại cho chúng tôi rất nhiều cảm xúc. Anh được đồng đội an tang tại chiến địa nơi anh ngã xuống. 18 tuổi, chưa kịp lập gia đình, anh đã nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ, vào chiến trường miền Nam và ngã xuống ở tuổi đời đẹp nhất khi bao ước mơ, khát vọng còn ở phía trước. Chị Hoàng Thị An, cháu ruột của liệt sĩ Ngô Mạnh Cường bồi hồi kể lại: Theo giấy báo tử, gia đình tìm đến nghĩa trang Ân Phong để cất bốc, chuyển hài cốt của cậu về an tang tại nghĩa trang quê hương để cho các cháu chăm sóc, hương khói. Sau khi làm lễ cầu siêu cho cậu và các liệt sĩ tại nghĩa trang, trời bỗng đổ trận mưa to, nước ngập cả khu nghĩa trang. Gia đình đã tưởng không thể khai quật phần mộ mà cất bốc được, mọi người phải khơi rãnh thoát nước. Bù lại, trận mưa đã giúp cho việc đào mộ có phần dễ dàng hơn. Thế nhưng, chúng tôi đào sâu đến gần 2m đất mà vẫn không thấy hài cốt. Lúc này tôi cảm thấy trong người bứt rứt, khó chịu nên lại cùng mọi người thắp hương cầu siêu cho các anh. Các liệt sĩ như hiển linh, miếng đất cạnh chỗ mới đào bỗng nhiên lở xuống, dấu hiệu của mộ chí xuất hiện, tiếp đó là hài cốt của cậu…

 

Tìm về với đồng đội, thân nhân các gia đình liệt sĩ còn biết bao câu chuyện cảm động. Phần lớn các liệt sĩ ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Với các anh, cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng oanh liệt, bởi họ đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Sự trở về của các anh, ngoài tờ giấy báo tử, nỗ lực của thân nhân còn có tâm huyết của đồng đội năm xưa. Ông Nguyễn Duy Quyết, số nhà 246, tổ 8, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) là một người như vậy. Nhập ngũ năm 1966, ông là chiến sĩ Sư đoàn 1, hành quân và chiến đấu khắp các chiến trường Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, hải đảo phía Nam của tổ quốc và 2 lần sang Cămpuchia thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Trong chiến tranh, ông không chỉ trực tiếp chiến đấu mà còn làm nhiệm vụ an táng các liệt sĩ. Sau khi về nghỉ hưu ông đã tình nguyện làm công tác đi tìm mộ liệt sĩ. Và hơn 10 năm nay, ông đã miệt mài viết trên 2.000 bức thư, thông tin gửi thân nhân các gia đình liệt sĩ, đồng thời đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ông đã trở thành chiếc cầu nối từ các liệt sĩ với gia đình, tổ chức xã hội. Riêng bản thân ông đã giúp gần 500 gia đình (trong và ngoài tỉnh) tìm được phần mộ liệt sĩ có đầy đủ thông tin để cất bốc di chuyển về nghĩa trang quê nhà.

 

Biết rằng, những nỗ lực của gia đình, đồng đội, tấm lòng tri ân của đồng đội và sự quan tâm của Nhà nước trong việc đưa các anh về với đất mẹ đã phần nào xoa dịu nỗi đau mất mát cho thân nhân liệt sĩ. Tuy nhiên, thực tế còn rất nhiều điều phải trăn trở, băn khoăn. Bởi hiện nay, số lượng hài cốt liệt sĩ của tỉnh ta hy sinh trên các chiến trường chưa được cất bốc, chuyển về còn rất nhiều. Tuy Nhà nước đã có hỗ trợ, tạo mọi điều kiện giúp đỡ thân nhân các liệt sĩ nhưng việc tìm kiếm, cất bốc còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với những liệt sĩ không có đầy đủ thông tin. Điều này đồng nghĩa với số lượng và nhu cầu được tìm, cất bốc và di chuyển hài cốt liệt sĩ của thân nhân, đồng đội những anh hùng là rất lớn. Để tiếp tục làm tốt được việc này rất cần sự quyết tâm, nỗ lực hơn nữa của các gia đình, các cấp, ngành chức năng và cả xã hội. Chúng tôi cũng tin rằng, linh hồn của các liệt sĩ cũng đang mong chờ ngày được trở về với đất mẹ, được sự chăm sóc của những người thân.