“Bốn phương lồng lộng Thủ đô gió ngàn”

08:41, 19/08/2012

Là trung tâm của "Thủ đô kháng chiến", ATK Thái Nguyên không chỉ là nơi phát đi những mệnh lệnh chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ mà còn có đóng góp quan trọng cho sự thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

ATK Thái Nguyên và tầm nhìn chiến lược

 

Sau khi về nước trực tiếp chỉ  đạo phong trào cách mạng Việt Nam, Bác Hồ đã quyết định chọn Cao Bằng làm căn cứ địa cách mạng, điểm tựa ban đầu. Người nói: "Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng Cao Bằng còn phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc khi phát động đấu tranh vũ trang lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ". Như vậy, trong tư tưởng của Hồ Chí Minh trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Thái Nguyên đã được xem là một cửa ngõ cực kỳ quan trọng.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí vào năm 2006 cũng cho biết, từ rất sớm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chỉ thị xây dựng Thái Nguyên thành căn cứ địa. Bối cảnh lúc đó cần thiết phải chọn một nơi để xây dựng thành trung tâm căn cứ địa Việt Bắc. Nơi ấy phải có nhân dân tốt, có cơ sở cách mạng tốt, nơi đó "tiến có thể đánh, lui có thể giữ". Bác và TƯ đã quyết định lấy Thái Nguyên làm trung tâm của căn cứ địa Việt Bắc gồm 6 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn và Thái Nguyên.

 

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, cả dân tộc chưa kịp hưởng niềm vui độc lập thì đã phải bước vào một cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Nhà nước non trẻ. Ngay từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao nhiệm vụ cho đồng chí Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng bí mật trở lại Việt Bắc, chọn địa điểm xây dựng ATK của TƯ. Đến giữa năm 1947, ATK của TƯ được hình thành, phân bố chủ yếu trên địa bàn các huyện Định Hóa, Đại Từ (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn), Sơn Dương, Yên Sơn… (Tuyên Quang), trong đó Định Hóa là ATK tuyệt mật. Núi Hồng là trục nối các ATK nói trên của 3 tỉnh. Như TS Hoàng Ngọc La viết trong cuốn "Từ ATK Thái Nguyên đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ", việc chọn Định Hóa và những vùng tiếp giáp với Định Hóa thuộc các huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang) làm ATK không phải là một việc làm ngẫu nhiên, một giải pháp tình thế, tức thời, mà là một quyết định đúng đắn, sáng suốt, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Trong những năm tháng ở ATK (nhất là ở Định Hóa), Chủ tịch Hồ Chí Minh và TƯ Đảng đã quyết định những vấn đề hệ trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia như chiến dịch Biên giới Thu đông năm 1950, Đông xuân 1953-1954 và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ và nhiều vấn đề quan trọng khác như triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2 của Đảng, phát động phong trào thi đua "Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm", ban hành nhiều chính sách thuế nông nghiệp, triệu tập Đại hội thống nhất Mặt trận Liên Việt - Việt Minh, Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất… Cũng tại đây, Hồ Chủ tịch đã viết tác phẩm nổi tiếng "Sửa đổi lề lối làm việc", đến nay vẫn còn nguyên giá trị, soạn thảo tài liệu tổng kết chiến tranh du kích ở Trung Quốc, đồng thời viết thư cho nhân dân Pháp kêu gọi ủng hộ nhân dân Việt Nam.

 

“Địa chỉ đỏ”

 

Giữa những ngày Tháng Tám lịch sử, ATK Thái Nguyên như sống lại khí thế hào hùng đánh đuổi thực dân Pháp của cả dân tộc. Trưởng ban Quản lý Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa Đồng Khắc Thọ tự hào khoe, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đồi Tỉn Keo (xã Phú Đình), công trình của Đảng bộ, nhân dân Thủ đô Hà Nội xây tặng năm 2004, khánh thành đúng dịp kỷ niệm 115 năm Ngày sinh nhật Bác, đã được công nhận là di tích lịch sử cách mạng. Nơi đây đã trở thành "địa chỉ đỏ" trong những chuyến hành hương về nguồn của người dân mọi miền Tổ quốc. Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm giữa đồi cao thoáng đãng, cách chân đèo De 500m, hướng về phía đông bắc, xung quanh trồng 79 cây vạn tuế. Để lên tới Tam quan phải qua 115 bậc, tương ứng 115 năm Ngày sinh của Bác. Từ Tam quan lên tới Nhà tưởng niệm là 79 bậc, gắn với 79 mùa xuân của Người. Theo ông Thọ, nét độc đáo trong Nhà tưởng niệm là tượng Bác Hồ đúc bằng đồng do nghệ nhân đúc đồng làng Ngũ Xá (Hà Nội) chế tác.

 

Làm sao giúp người dân nhận thức sâu sắc ý nghĩa lịch sử và giá trị của ATK nói chung, ATK Định Hóa nói riêng, những đóng góp của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là điều Trưởng ban Quản lý khu di tích Đồng Khắc Thọ luôn đau đáu. Nhiều năm qua, ông và các đồng nghiệp nỗ lực không mệt mỏi tìm kiếm, sưu tầm tư liệu, hình ảnh, hiện vật, làm dày hơn truyền thống lịch sử, khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc của vùng căn cứ địa cách mạng này. Thế nên, cứ mỗi dịp tết đến xuân về, dưới chân đèo De, bên nhà thờ tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà con các dân tộc 24 xã của huyện Định Hóa lại tưng bừng tổ chức lễ hội Lồng tồng (xuống đồng); lễ cúng tạ ơn thần Nông, cầu mùa, cầu trời cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Người dân ATK lại đắm mình trong những điệu hát Then, những tiết mục văn nghệ ca ngợi công ơn của Đảng, Bác Hồ, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước.

 

Ông Đồng Khắc Thọ quả quyết, khoảng cách địa lý không ngăn được tình cảm và những trái tim hướng về cội nguồn. Đã 7 năm qua, kể từ ngày khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng triệu người Việt Nam đã đi theo con đường Đảng, Bác Hồ đã đi để đến với “Bốn phương lồng lộng Thủ đô gió ngàn”, để có cơ hội hiểu hơn về sức mạnh và ý chí của khối đại đoàn kết toàn dân; hiểu hơn về vùng đất lịch sử, nơi Đảng, Bác Hồ và toàn thể nhân dân Việt Nam đã viết lên những trang sử hào hùng của một dân tộc yêu chuộng hòa bình nhưng không bao giờ khuất phục trước kẻ thù.