Chủ động, bám sát định hướng để làm tốt công tác tuyên truyền

10:14, 01/08/2012

Kỷ niệm 82 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 - 01/8/2012) là dịp để cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, các ngành và cán bộ làm công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của công tác tuyên giáo. Đây cũng là dịp để cán bộ ngành tuyên giáo và đông đảo cán bộ, chiến sĩ hoạt động trên các lĩnh vực tuyên giáo ra sức phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất đạo đức, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”. Cũng chính Bác là người đã khởi xướng, rèn luyện và để lại nhiều bài học quý báu cho đội ngũ những người làm công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng của Đảng.

 

Thực hiện lời Bác dạy, trong những năm gần đây, đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo của tỉnh đã có nhiều đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, mà nổi bật là đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, nhờ đó giúp cho hoạt động tuyên giáo đạt được nhiều kết quả vượt bậc. Điểm mấu chốt tạo nên sức bật đó là do nhận thức của các cấp uỷ đảng, trực tiếp là các đồng chí lãnh đạo cấp uỷ đã đánh giá đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên giáo đối với công tác xây dựng đảng. So với trước, ngày nay các điều kiện phục vụ cho hoạt động tuyên giáo đã có sự thay đổi, nâng cao chất lượng một cách cơ bản, toàn diện. Từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành tuyên giáo đến cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt là những cơ chế, chính sách… đều đã được các cấp uỷ, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện ở mức tối đa. Đây là nguyên nhân chính giúp cho hoạt động tuyên giáo ở các cấp thu được những kết quả tốt đẹp.

 

Câu nói: “Tư tưởng không thông, mang bình tông cũng không nổi” đã chứa đựng đầy đủ hàm ý về sự cần thiết phải làm tốt công tác tuyên truyền trong cuộc chiến tranh chống kẻ thù xâm lược của nhân dân ta. Các nhà nghiên cứu phương Tây cũng đã từng khẳng định: “Chỉ một đài phát thanh cũng có thể bình định xong một đất nước” hay “1 đô la chi cho tuyên truyền có tác dụng bằng 5 đô la chi cho mua vũ khí”… Mới đây, làn sóng cách mạng “Mùa xuân Ả Rập” là minh chứng hùng hồn nhất cho thấy những tác động vô cùng to lớn của việc truyền bá thông tin, tư tưởng trong quần chúng nhân dân.

 

Binh chủng tuyên giáo của chúng ta ngày nay đang có một lực lượng to lớn, với những công cụ, vũ khí sắc bén. Không kể đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tuyên giáo chuyên trách được đào tạo bài bản, tổ chức chặt chẽ, chúng ta còn một lực lượng hùng hậu các báo cáo viên, tuyên truyền viên, các phóng viên, nhà báo, văn nghệ sỹ… có mặt ở khắp các địa phương, cấp, ngành đang chung sức làm nên sức mạnh tổng hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền của Đảng.

 

Trong giai đoạn hiện nay, thế và lực của đất nước đã khác và mạnh hơn bao giờ hết. Đây là thuận lợi rất cơ bản cho những người làm công tác tuyên giáo. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Cuộc khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế trên thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng rất chậm chạp và thiếu bền vững. Tình hình an ninh, chính trị trên thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường. Những khó khăn về phát triển kinh tế của đất nước; sự chống phá của các thế lực thù địch nhằm xoá bỏ Chủ nghĩa xã hội, xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; sự vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam của quốc gia láng giềng… đang nổi lên như những thách thức đòi hỏi đội ngũ tuyên giáo phải cố gắng hơn nữa, đáp ứng được yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

 

Để làm tốt công tác tuyên giáo trong tình hình hiện nay, yêu cầu số 1 đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành là phải ra sức trau dồi, vững vàng về bản lĩnh chính trị, kiên định lập trường tư tưởng, không mơ hồ, dao động trước những âm mưu phá hoại của kẻ thù. Bên cạnh đó, mỗi người phải tự rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống, nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, chủ động, sáng tạo trong công việc. Phải ra sức học tập và thực hành làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công việc và sinh hoạt hằng ngày. Khép mình vào kỷ luật, thật thà đấu tranh tự phê bình và phê bình là phương cách để giữ mình, sửa mình trước những sai lầm, khuyết điểm hay cám dỗ vật chất.

 

Việc nhận diện những âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù cần được lãnh đạo các đơn vị quan tâm bồi dưỡng, quán triệt cho mọi cán bộ, nhân viên. Âm mưu “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch không hề thay đổi về mục đích nhưng có nhiều thay đổi về hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi xảo quyệt hơn. Một trong những thủ đoạn được chúng sử dụng nhiều gần đây là lợi dụng dân chủ, lợi dụng diễn đàn chống tham nhũng, lợi dụng một số sai phạm về thu hồi đất đai ở các cấp, lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân… để kích động biểu tình hoặc nói xấu Đảng, Nhà nước và cá nhân các đồng chí lãnh đạo. Ngoài ra, những vi phạm về chủ quyền biển đảo Việt Nam của quốc gia láng giềng đang dấy lên những lo ngại trong nhân dân. Để xử lý có hiệu quả vấn đề này, chúng ta cần bình tĩnh, bám sát chỉ đạo của cấp trên, tích cực, chủ động nghiên cứu, tìm ra những nội dung, phương pháp tuyên truyền sao cho đạt hiệu quả nhất, đảm bảo định hướng tuyên truyền và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.