Khởi nghĩa Thái Nguyên - sự kết hợp giữa thiên thời, địa lợi, nhân hòa

09:14, 28/08/2012

Khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 đã làm rung chuyển chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương, làm chấn động dư luận Pháp cả thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử cận đại Việt Nam, một cuộc khởi nghĩa diễn ra thành công tại một tỉnh, tuyên bố nền độc lập đặt ra quốc kỳ thành lập quân đội riêng. Cuộc khởi nghĩa bùng nổ là sự kết hợp giữa thiên thời địa lợi nhân hòa.

Năm 1917, chiến tranh thế giới thứ nhất bước sang năm thứ ba, giai đoạn quyết liệt nhất để phân chia thắng bại giữa hai phe. Thực dân Pháp tăng cường vơ vét bóc lột nhân lực, vật lực, tài lực của Việt Nam ném vào lò lửa chiến tranh. Mức độ vơ vét cùng cực nhân dân ta về kinh tế - chính trị suốt trong 4 năm chiến tranh đã làm cho đời sống các tầng lớp nhân dân ta chủ yếu là nông dân vô cùng khốn khó. Đó là nguyên nhân cơ bản thúc đẩy nhân dân ta vùng dậy khi thời cơ xuất hiện – thời cơ lúc này là sự suy yếu trông thấy của chính quyền thực dân ở Đông Dương và những năm cuối chiến tranh.

 

Trong bối cảnh chung ấy, Thái Nguyên lại hội tụ nhiều điều kiện đặc biệt  hơn so với các địa phương khác trong cả nước. Bước vào những năm đầu thế kỷ XX, khi Pháp tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ nhất, Thái Nguyên có địa hình hiểm trở, nguồn tài nguyên phong phú lại có vị trí chiến lược quan trọng  nên từ rất sớm thực dân Pháp đã đặt tại đây đồn lính kiên cố cả lính Pháp và lính Việt để trấn áp phản kháng của nhân dân ta. Đồng thời, đặt  tại đây nhà tù lớn để đầy ải những người yêu nước tập trung từ khắp nơi trong cả nước. Đây chính là điều kiện để mâu thuẫn giữa binh lính Việt và và chỉ huy Pháp nói riêng và bè lũ tay sai thực dân Pháp nói chung ngày càng sâu sắc.

 

Cùng với đó, làm việc  với Pháp, nằm trong tổ chức quân sự của Pháp nên binh lính người Việt có điều kiện nhận thức sớm những biến động các mặt về phía Pháp, đặc biệt trong thời chiến họ nhìn thấy rất rõ những khó khăn sự suy yếu của thực dân Pháp. Một điều đáng chú ý trong cuộc sống hàng ngày  binh lính người Việt bị xô đẩy vào các cuộc truy quét đàn áp các lực lượng yêu nước trong đại phương, họ được chứng kiến những tấm gương yêu nước của chính đồng bào mình, vì thế họ đã suy nghĩ lại, có thiện cảm với các tù nhân yêu nước, tình cảm đó lớn dần thành sự khâm phục và noi theo.

 

Tuy nhiên, để cuộc khởi nghĩa bùng nổ còn phải có yếu tố châm ngòi, và ngòi nổ ở đây chính là sự đàn áp man rợ của Công sứ Đác-lơ và giám binh Nô - en. Sự tàn bạo, man rợ mang tính chất thú tính của Đắc- lơ và đồng bọn đã như mồi lửa lớn đốt cháy bùng lòng căm thù của nhân dân Thái Nguyên, của binh lính người Việt và tù nhân nơi đây, thúc giục họ đứng lên hành động, và cuộc khởi nghĩa tất yếu đã xảy ra