Minh bạch trong công tác bổ nhiệm cán bộ là một trong những biện pháp “cần”để làm trong sạch, nâng cao chất lượng cán bộ lãnh đạo…
Thực tế thời gian qua cho thấy, mặc dù về mặt luật pháp, quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan Nhà nước đã khá chặt chẽ nhưng vẫn có những “lỗ hổng” để nhiều người lợi dụng chạy chức, chạy quyền, ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Minh bạch trong công tác bổ nhiệm cán bộ là một trong những biện pháp “cần”để làm trong sạch, nâng cao chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý và góp phần đấu tranh có hiệu quả tội phạm, tệ nạn tham nhũng hiện nay.
Những sai phạm của một loạt cán bộ lãnh đạo như Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang; Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Lữ Ngọc Cư; Chủ tịch Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) Phạm Thanh Bình; Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) Dương Chí Dũng. Mới đây, các ông Phạm Trung Dũng, Ủy viên đảng đoàn, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Nguyễn Minh Chiến, Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định kỷ luật cảnh cáo… đã làm dư luận thêm bức xúc.
Bởi vậy, việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo về quy định tiêu chuẩn chức danh công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính Nhà nước đã thu hút được sự quan tâm của dư luận. Đây là việc làm hết sức cần thiết để tạo ra cơ chế minh bạch, khắc phục tình trạng tiêu cực trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; và cũng là một việc làm thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 về Một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng đảng hiện nay mà trọng tâm là công tác cán bộ.
Nói cần thiết là bởi một số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp bộ, ngành do nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân trình độ hạn chế, năng lực quản lý kém, để xảy ra nhiều sai phạm trong cơ quan, đơn vị.
Nói cần thiết cũng là bởi, thực tế đã xảy ra nhiều hiện tượng tiêu cực trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. Câu chuyện “chạy chức, chạy quyền” dường như đã trở thành “đương nhiên là thế” ở nhiều nơi. Năng lực thôi chưa đủ, có phẩm chất đạo đức tốt cũng chưa đủ, nếu không có những động thái “lobby” (vận động hành lang) thì mặc dù có đầy đủ điều kiện cũng khó có thể được xem xét, cất nhắc.
Nói càng cần thiết là bởi khi đã minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ thì nó sẽ minh bạch trong việc xác định trách nhiệm của người có quyền bổ nhiệm cán bộ. Có một thực tế lâu nay là, người giới thiệu hoặc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý sai phạm, không có đạo đức nghề nghiệp, tha hóa, biến chất hầu như không bị xử lý.
Không phải bây giờ chúng ta mới đề ra quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý, bởi công tác tổ chức cán bộ luôn là vấn đề phức tạp và có tầm quan trọng đặc biệt. Nhưng cùng với minh bạch trong kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên thì minh bạch trong bổ nhiệm cán bộ là yêu cầu cấp thiết trong tình hình hiện nay khi dư luận đánh giá tổ chức cán bộ là khâu yếu nhất, còn nhiều bất cập và cần phải thay đổi.
Qua những trường hợp cán bộ lãnh đạo, quản lý có sai phạm nghiêm trọng đã cho thấy, việc tuyển chọn, cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quả đúng là còn nhiều vấn đề, chưa công khai, minh bạch, chưa thực sự tôn trọng ý kiến của đảng viên và nhân dân. Nghi vấn về chạy chức chạy quyền không chỉ được đặt ra ở khâu tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ mà còn ở hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra của lãnh đạo cấp trên, các ngành chức năng.
Khi còn những khuất tất, khi các cơ quan không giải quyết minh bạch thì người dân có quyền nghi ngờ, có quyền thắc mắc. Bởi vậy, nghi vấn ấy, lỗ hổng ấy cần phải được khắc phục ngay để củng cố đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; củng cố lòng tin của nhân dân.
Vẫn còn nhiều vấn đề đáng lưu tâm khi xây dựng và thực hiện quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính Nhà nước. Nhưng nếu như làm tốt được các nội dung: định lượng cụ thể các tiêu chuẩn; tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh, xóa bỏ hoàn toàn một ứng cử viên cho một chức vụ; công khai, minh bạch tài sản và trình độ, năng lực của người được giới thiệu; xác định trách nhiệm của người giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý thì công tác cán bộ, quản lý cán bộ mới thực chất; đội ngũ cán bộ mới thực sự trong sạch, góp phần quan trọng vào việc đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng. Đó cũng là điều Đảng, Nhà nước và nhân dân kỳ vọng./.