Một số sự kiện lịch sử quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt- Lào 1964-1967

08:33, 13/08/2012

Để đáp ứng yêu cầu của Trung ương Đảng Nhân dân Lào, lực lượng chuyên gia Việt Nam thuộc các ngành được điều sang công tác ở Lào ngày càng tăng. Tính đến giữa năm 1965, tổng số chuyên gia Việt Nam ở Lào là 1.298 người.

 

Năm 1964

 

Sau Hội nghị lần thứ 12 của Trung ương Đảng Nhân dân Lào, Đảng bộ các cấp trong cả nước Lào đã chuyển hướng lãnh đạo phù hợp với tình hình mới. Từng bộ phận đã lãnh đạo theo định hướng kháng chiến trường kỳ, tự lực cánh sinh; ở vùng địch tạm chiếm, cơ sở chính trị đã có bước phát triển; lực lượng vũ trang và bán vũ trang đã được củng cố và phát triển.

 

Trước sự lớn mạnh của cách mạng Lào đế quốc Mỹ ồ ạt tăng viện trợ cho phái hữu nhằm tăng cường sức mạnh và thúc ép phái hữu đẩy mạnh hoạt động lấn chiếm vùng giải phóng. Ngày 19 tháng 4 năm 1964, đế quốc Mỹ đã sử dụng bọn cực hữu, hiếu chiến Kúpaxít Aphay và Xihổ Lamphatacun làm đảo chính quân sự, lật đổ Chính phủ liên hiệp ba phái. Chúng tổ chức chính phủ mới không có Neo Lào Hắc Xạt và vẫn để Phuma làm thủ tướng để sử dụng danh nghĩa ''trung lập'' và ''Chính phủ liên hiệp'' giả hiệu. Chúng còn sáp nhập quân của Koongle trung lập vào lực lượng phái hữu nhằm biến Chính phủ liên hiệp thành một chính quyền bù nhìn, là công cụ phục vụ cho âm mưu của đế quốc Mỹ. Tại khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, chúng đã triển khai một lực lượng lớn quân chủ lực (2) nhằm chiếm giữ lâu dài địa bàn chiến lược này, từng bước tiêu diệt lực lượng Pathết Lào và uy hiếp vùng biên giới miền Bắc Việt Nam.

 

Trước âm mưu thâm độc của địch, đồng thời tận dụng thời cơ sau đảo chính, nội bộ chính quyền Viêng Chăn vẫn lục đục, Trung ương Đảng Nhân đân Lào quyết định mở chiến địch 74A, tiến công quét bọn phái hữu ra khỏi Cánh đồng Chum. Đầu tháng 3 năm 1964, Bộ Tư lệnh chiến địch 74A (chiến dịch đường 7 và đường 4) được thành lập do Thiếu tướng Nguyễn Bằng Giang, Tư lệnh Quân khu Tây Bắc làm tư lệnh. Phía Lào có các đồng chí Xỉngcapô, phó tư lệnh và Xámản Vinhakệt, chính uỷ Quân khu Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (Pathết Lào), Đại tá Đươm Xúnnalạt ửtung lập) tham gia Bộ Chỉ huy chiến dịch (3).

 

Ngày 27 tháng 4 năm 1964, chiến dịch mở màn. Sau khi tiến công tiêu diệt các vị trí địch ở Phả Kha, Phu Noỏng, Noỏng Khạng, Mương Pơn..., ngày 15 tháng 5 năm 1964, bộ đội Việt - Lào tiến công vào khu vực Cánh đồng Chum. Đồng chí Khăm Tày Xiphănđon, Tổng Chi huy Quân đội Pathết Lào trực tiếp đến đài quan sát chiến dịch ở đồi Bạn Gion để chỉ đạo, chỉ huy. Sau gần hai tháng tiến công, ngày 8 tháng 6 năm 1964, chiến dịch kết thúc thắng lợi. Ta đã quét sạch địch ra khỏi Cánh đồng Chum, chiếm được Phu Cút - dãy điểm cao khống chế vô cùng quan trọng, bảo vệ cửa ngõ phía tây Cánh đồng Chum, giải phóng 28 tàxẻng với 30.000 dân; loại khỏi vòng chiến đấu 1.600 tên địch, thu hàng trăm súng, bắn cháy 19 xe tăng, xe bọc thép, bắn rơi 4 máy bay.

Đây là thắng lợi có ý nghĩa rất quan trọng cả về chính trị và quân sự. Từ đây, vùng giải phóng Lào đã nối liền từ Trung Lào đến Sầm Nưa, đường 7 nối với Việt Nam đã được mở thông, lực lượng vũ trang Lào có bước trưởng thành vượt bậc, càng tự tin vào khả năng chiến đấu của mình. Qua chiến dịch, một số sĩ quan trung lập đã nhận rõ âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, sự phản bội của Koongle và Phuma, đồng thời cũng thấy được đường lối đúng đắn của Mặt trận Lào yêu nước nên đã từ bỏ quân đội phái hữu trở về hợp tác với cách mạng. Sự phân hoá tất yếu trong lực lượng trung lập đã tạo nên một liên minh vững chắc hơn giữa lực lượng trung lập yêu nước và Pathết Lào, góp phần tạo thế và lực mới cho cách mạng Lào.

Ngày 25 tháng 6 năm 1966

Trước âm mưu lấn chiếm khu ngoại vi Cánh đồng Chum và đánh phá đường 7 của Mỹ và tay sai, ngày 25 tháng 6 năm 1966, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam lệnh cho Quân khu Tây Bắc, Đoàn 959 và Sư đoàn 316 khẩn trương chuẩn bị phối hợp với Lào đánh địch tại trung tâm Cánh đồng Chum. Cánh đồng Chum là địa bàn quan trọng đối với cách mạng Lào, một hướng chiến lược quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của cả ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, trung tâm chống Chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ và tay sai ở Lào. Việt Nam và Lào cần tăng cường lực lượng bảo vệ vững chắc khu vực này.

Ngày 1 tháng 7 năm 1966

Để giúp cách mạng Lào bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng ở Sầm Nưa, ngày 1 tháng 7 năm 1966, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam ra quyết định thành lập Đoàn 766. Ban Chỉ huy Đoàn gồm các đồng chí: Phạm Nghiên - đoàn trưởng kiêm chính uỷ; Hồng Tân - đoàn phó kiêm tham mưu trưởng; Song Toàn - chủ nhiệm chính trị; Trương Đức Cù - chủ nhiệm hậu cần. Đoàn có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng vũ trang Pathết Lào đánh địch lấn chiếm, bảo vệ Sầm Nưa, phá tan âm mưu lấn chiếm của Mỹ và tay sai.

Ngày 26 tháng 7 năm 1966

Ngày 26 tháng 7 năm 1966, Quân ủy Trung ương (Việt Nam) ra nghị quyết về chấn chỉnh và kiện toàn tổ chức giúp Lào. Nghị quyết nhấn mạnh: căn cứ vào đặc điểm cách mạng Lào và tình hình Việt Nam, cần tập trung các mặt công tác lớn vào một cơ quan để giúp Trung ương nắm chắc tình hình, đề xuất vấn đề giúp Lào, kiểm tra đôn đốc thực hiện kế hoạch, tổ chức phối hợp giữa bộ phận trong nước và ở nước Lào. Trong công tác giúp Lào, giữ vững nguyên tắc tôn trọng sự lãnh đạo và chủ quyền của Lào, ở các cấp cũng như ở Trung ương. Đề nghị với Lào phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương...

Về tổ chức, cần kiện toàn thích đáng nhưng phải gọn nhẹ và có hiệu quả. Phương hướng chung là tăng cường lực lượng sang giúp Lào, bộ phận ở trong nước gọn, nhẹ. Cần có chế độ luân phiên cán bộ để bảo đảm chính sách. Tập trung thống nhất quản lý cán bộ, nhân viên của Việt Nam trên đất Lào. Phải coi trọng cả hai mặt: giúp Lào tốt và quản lý nội bộ tốt.

Tháng 8 năm 1966

Để đáp ứng yêu cầu của Trung ương Đảng Nhân dân Lào, lực lượng chuyên gia Việt Nam thuộc các ngành được điều sang công tác ở Lào ngày càng tăng. Tính đến giữa năm 1965, tổng số chuyên gia Việt Nam ở Lào là 1.298 người. Trong đó: dân - chính - Đảng -463 người; quân sự và nhân viên kỹ thuật quân sự - 1.513 người; kinh tế, văn hoá - 466 người; phục vụ - 263 người...

Ngày 10 tháng 8 năm 1966

Cuối tháng 7 năm 1966, ở Bắc Lào, địch huy động một số tiểu đoàn thuộc Binh đoàn cơ động số 19 và bốn tiểu đoàn địa phương càn quét vùng đông bắc Luổng Phạbang và Nặm Bạc. Ngày 7 tháng 8, chúng dùng hai tiểu đoàn của Binh đoàn cơ động 11 lên tăng cường đánh chiếm Nặm Bạc để hậu thuẫn cho bọn phỉ và phản động địa phương phá vùng giải phóng, gỡ thế uy hiếp Luổng Phạbang và cắt đường hành lang vào Viêng Chăn, Luổng Phạbang. Trước tình hình đó, ngày 10 tháng 8 năm 1966, Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam điện chỉ đạo quân tình nguyện Việt Nam đối phó với cuộc càn quét của địch vào đông bắc Luổng Phạbang và Nặm Bạc. Bức điện chỉ rõ:

Địch đánh ra tuy có gây khó khăn cho quân tình nguyện Việt Nam và Lào, nhưng quân tình nguyện có cơ hội để diệt địch, đồng thời qua đó đánh giá kết quả xây dựng vùng giải phóng của Lào. Do vậy, Cục Tác chiến đề nghị: dùng các đại đội địa phương, dân quân du kích bám sát, tiêu hao, ngăn chặn, đánh mạnh phía sau địch (Mương Sung, Phu Sủng). Không nên quy định cụ thể cho các đại đội hoặc tuỳ tiện “dễ làm khó bỏ”; Tiểu đoàn 4 và 409 tập trung tổ chức trinh sát bắt tù binh, nắm tình hình địch, dùng phục kích, tập kích đánh chắc từng trận, đánh liên tục nhằm vào chủ lực địch. Các lực lượng khác tích cực lùng quét tàn quân phỉ, đề phòng chúng nổi loạn ở Giang Tơi, Mương La, Tông Xơ...

Ngày 16 tháng 8 năm 1966

Căn cứ vào nghị quyết của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương về nhiệm vụ giúp Lào, ngày 16 tháng 8 năm 1966, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ thị cho Quân khu 4, Quân khu Tây Bắc và Đoàn 959 có kế hoạch cụ thể giúp Lào trong mùa khô 1966-1967. Nhận định về tình hình Lào, Bộ Tổng Tham mưu cho rằng: ta và địch vẫn ở thế giằng co, hoặc chúng có thể mở rộng chiến tranh sang Trung, Hạ Lào.

Về nhiệm vụ giúp Lào, Bộ Tổng Tham mưu xác định: tập trung vào củng cố vùng giải phóng về mọi mặt; ngoài việc tiễu phỉ, cần có kế hoạch sẵn sàng đánh địch lấn chiếm (đường 8, đường 12, Xiêng Khoảng, Cánh đồng Chum); xây dựng lực lượng vũ trang cho Lào.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ giúp Lào cần nâng cao hơn nữa chất lượng chuyên gia và bộ đội tình nguyện, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu, an tâm phấn khởi phục vụ cách mạng lâu dài; chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ huy các cấp, nhất là cấp đại đội, tiểu đoàn; hết sức chăm lo sức khỏe bộ đội; làm tốt công tác vận chuyển giúp Lào.

Ngày 17 tháng 8 năm 1966

Ngày 17 tháng 8 năm 1966, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định thành lập Trung đoàn 866 quân tình nguyện Việt Nam. Đồng chí Thế Lương được cử làm trung đoàn trưởng; đồng chí Vũ Thái là chính uỷ. Lực lượng gồm hai tiểu đoàn bộ binh (924 và 7), một tiểu đoàn pháo cao xạ 37mm và hai đội công tác, đặt dưới sự chỉ huy của Đoàn 463, có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng vũ trang của Lào đánh địch, bảo vệ vùng giải phóng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng.

Ngày 24 tháng 8 năm 1966

Ngày 24 tháng 8 năm 1966, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam quy định về tổ chức, nhiệm vụ, mối quan hệ chỉ đạo, chỉ huy trong hệ thống chuyên gia quân sự và quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào. Về nguyên tắc, Bộ Tổng Tham mưu xác định: đoàn chuyên gia quân sự có hệ thống tổ chức thống nhất từ trên xuống dưới. Để đáp ứng yêu cầu hiện nay, Bộ quy định: bên cạnh Bộ Tổng Tư lệnh Lào có Đoàn chuyên gia quân sự (mật danh là Đoàn 959) để giúp các cơ quan, các ngành, các đơn vị cơ sở trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh của Lào một cách toàn diện, bao gồm tác chiến, xây dựng lực lượng và huấn luyện các thành phần lực lượng vũ trang như bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích. Đoàn chuyên gia quân sự là một bộ phận của tổng đoàn chuyên gia và là đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Bên cạnh Bộ Tư lệnh Quân khu Cánh đồng Chum của Lào, có tổ chuyên gia khu vực để giúp cơ quan, đơn vị và các cơ sở trực thuộc quân khu Lào. Tổ chuyên gia khu vực Cánh đồng Chum là đầu mối trực thuộc Đoàn chuyên gia 959...

Về quan hệ giữa Bộ với Đoàn 959, với hai quân khu, giữa chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam, Bộ Tổng Tham mưu xác định:

- Bộ thường xuyên chỉ đạo toàn diện công tác giúp Lào qua ba đầu mối: Đoàn 959, Quân khu Tây Bắc, Quân khu 4. Trong trường hợp khẩn cấp, Bộ mới chỉ đạo trực tiếp đến tổ chuyên gia và các đơn vị quân tình nguyện, sau đó thông báo cho Đoàn và Quân khu biết.

Hàng năm, Bộ có chỉ thị về nhiệm vụ giúp Lào cho các quân khu và đoàn. Đoàn 959 và hai quân khu làm kế hoạch cụ thể báo cáo về Bộ thông qua. Hàng tuần, hàng tháng, Bộ có thông báo tình hình chung ở Lào cho Đoàn 959 và hai quân khu biết.

Về quan hệ giữa hai quân khu với Đoàn 959, Bộ Tổng Tham mưu quy định: hai quân khu phải thông báo tình hình, kế hoạch, kết quả công tác từng thời kỳ của quân tình nguyện, chủ trương hoạt động từng đợt và ý kiến đề nghị giúp Lào của mình cho Đoàn 959. Riêng các tổ chuyên gia và quân tình nguyện ở bốn tỉnh tây bắc Thượng Lào báo cáo cho Quân khu Tây Bắc, đồng thời báo cáo về Đoàn 959 để theo dõi.

Tháng 9 năm 1966

Chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chỉ thị của Quân uỷ Trung ương và Nghị quyết của Thường vụ Quân khu, tháng 9 năm 1966, Quân khu 4 đề ra nhiệm vụ và kế hoạch giúp Lào trong mùa khô 1966-1967:

1 - Giúp Lào chủ động phá âm mưu của địch bằng cách đẩy mạnh chiến tranh du kích và các hoạt động trong vùng địch hậu. Kết hợp chặt chẽ ba nhiệm vụ chiến lược: đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị, địch vận vùng sau lưng địch. Từng bước phá âm mưu xây dựng làng chiến đấu, làng đoàn kết, khu chấn hưng của địch...

2 - Tham gia củng cố vùng giải phóng, phát động tuyên truyền cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, chú ý các vùng đông dân (trọng tâm là chống đói). Khu vực trọng điểm là Khăm Muộn, Mương Mày, nam Mahả Xây, Nhômmalạt, Mương Phin, Nặm Hôm, Mương Noòng, miền Đông Xiphănđon.

3 - Coi trọng đúng mức công tác thu phục phỉ, diệt phỉ và bảo vệ vùng giải phóng.

4 - Đẩy mạnh công tác phòng không nhân dân để giảm thiệt hại về người và của khi máy bay địch đánh phá.

5 - Giúp Lào củng cố lực lượng vũ trang, bán vũ trang về mọi mặt, trọng điểm là chính trị tư tưởng, đồng thời coi trọng cả huấn luyện quân sự. Tập trung xây dựng cho Lào một số đơn vị đạt tiêu chuẩn bốn tốt: đánh tốt, vận động quần chúng và xây dựng cơ sở tốt, sản xuất tốt, tiết kiệm tốt...

Ngày 1 tháng 9 năm 1966

Ngày 1 tháng 9 năm 1966, Ban Công tác Lào báo cáo về tình hình Lào từ tháng 7 năm 1965 đến tháng 8 năm 1966 và phương hướng giúp Lào từ tháng 9 đến hết mùa khô. Nội dung báo cáo nhấn mạnh: được sự giúp đỡ của Việt Nam, cách mạng Lào ngày càng phát triển vững chắc. Nổi bật là hoạt động quân sự được đẩy mạnh, đã bẻ gãy các cuộc tiến công của địch, bảo vệ vững chắc được vùng giải phóng. Qua thực tế chiến đấu, lực lượng vũ trang Lào có tiến bộ rõ rệt.

Về phương hướng hoạt động trong thời gian tới, báo cáo chỉ rõ: phải tăng cường củng cố lực lượng vũ trang, bán vũ trang và đẩy mạnh hoạt động quân sự; phát động quần chúng củng cố, xây dựng cơ sở chính trị; xây dựng kinh tế, văn hóa, cải thiện đời sống nhân dân, đẩy mạnh hoạt động ở vùng sau lưng địch; tích cực đấu tranh chính trị, ngoại giao; tăng cường đội ngũ cán bộ và sự lãnh đạo của Đảng.

Ngày 10 tháng 9 năm 1966

Ngày 10 tháng 9 năm 1966, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ thị cho Quân khu 4, Quân khu Tây Bắc và Đoàn 959 làm kế hoạch giúp Lào trong mùa khô 1967-1968. Chỉ thị nêu rõ: để củng cố vùng giải phóng, phải tiếp tục tuyên truyền giáo dục cho nhân dân nhận rõ bạn, thù; xây dựng củng cố chính quyền, tổ chức đảng, các tổ chức quần chúng và lực lượng vũ trang địa phương; có kế hoạch phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân... Trọng điểm là Trung, Hạ Lào, chú trọng đường hành lang A, B, khu vực Cánh đồng Chum - Sầm Nưa...

Về tác chiến, các đơn vị ở Lào phải chú trọng tổ chức những đợt tấn công tiêu diệt căn cứ phỉ uy hiếp đến khu vực trọng điểm của cách mạng, chủ yếu là ở Trung, Hạ Lào; tăng cường, đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng địch, trên đường 13, xung quanh các khu trung tâm kinh tế, chính trị... Đánh địch phải phù hợp với chủ trương, đường lối, sách lược của Lào và phải kết hợp tác chiến với địch vận, đấu tranh chính trị trên các chiến trường.

Năm 1967

Nhằm thắt chặt quan hệ giữa hai Đảng hơn nữa, tháng 8 năm 1967, Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Lào đo đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Cayxỏn Phômvihản dẫn đầu, đã tiến hành hội đàm tại Hà Nội. Trong cuộc hội đàm, Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân Lào khẳng định: từ sau cuộc hội đàm giữa hai Đảng (năm 1965), mặc dù Việt Nam có nhiều khó khăn do Mỹ tăng cường chiến tranh ở miền Nam, đánh phá ác liệt ở miền Bắc, nhưng Đảng và nhân đân Việt Nam đã cố gắng rất lớn để giúp Đảng và nhân dân Lào xây dựng, củng cố vùng giải phóng, chống các cuộc tấn công lấn chiếm của địch... Về phương pháp giúp trong hai năm cũng có nhlều tiến bộ.

Để thực hiện nhiệm vụ trong ba năm tới, hai Đảng thống nhất cần tiếp tục giúp đỡ Lào đẩy mạnh tiến công cả về quân sự, chính trị và xây dựng kinh tế, văn hoá. Trong quân sự, chú trọng giúp Lào xây dựng bộ đội đặc công, bộ đội địa phương, dân quân du kích, xây dựng tổ tình báo chiến lược. Trong kinh tế, giúp xây đựng thêm một số công trình thuỷ lợi, chăn nuôi, phát triển cây công nghiệp, một số cơ sở công nghiệp địa phương như dệt, rèn, cơ khí... Việt Nam sẽ nỗ lực tối đa để đáp ứng các yêu cầu của cách mạng Lào. Sau cuộc hội đàm, ngày 10 thảng 10 năm 1967, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam ra nghị quyết tăng cường giúp đỡ cách mạng Lào.

Sau khi phân tích vị trí chiến lược của Lào, mối quan hệ láng giềng gắn bó về nhiều mặt giữa hai dân tộc trong lịch sử, trong cuộc chiến đấu chống đế quốc xâm lược, Bộ Chính trị xác định: nhiệm vụ giúp cách mạng Lào là nhiệm vụ quốc tế quan trọng nhất của Đảng; cán bộ, chiến sĩ Việt Nam sang trực tiếp giúp cách mạng Lào đã được Đảng và nhân dân Lào đánh giá cao, đã góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa hai dân tộc; tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, cũng có một số nhược điểm như sự giúp đỡ chưa đầy đủ về các mặt, quân số lớn nhưng chất lượng không đều, giúp xây dựng kinh tế, văn hoá còn chậm.

Trước sự phát triển của tình hình, Bộ Chính trị chủ trương kiên quyết huy động thêm lực lượng để đẩy mạnh công tác giúp cách mạng Lào nhằm giúp Đảng Nhân dân Lào phát triển lực lượng, đấy mạnh phong trào đấu tranh về mọi mặt một cách mạnh mẽ và đều khắp. Bộ Chính trị đã xác định một số việc trước mắt cần giải quyết là: phát huy đến mức cao nhất khả năng của đội ngũ chuyên gia; tích cực giúp Lào phát triển kinh tế, văn hoá, coi đó là khâu đòn bẩy quan trọng nhất trong việc xây dựng vùng giải phóng, củng cố, tăng cường lực lượng cách mạng Lào về mọi mặt; cải tiến hơn nữa các tổ chức giúp Lào nhằm giúp Trung ương và Quân uỷ Trung ương chỉ đạo công tác, phát huy được hiệu lực của các lực lượng sang giúp Lào.

Tại Lào, trong năm 1967, Đoàn chuyên gia quân sự 959 đã giúp Tổng Quân uỷ và Bộ Chỉ huy tối cao Lào triệu tập Hội nghị cán bộ quân chính trong toàn quân tại Na Kay - Sầm Nưa (từ ngày 20 đến 30 tháng 7 năm 1967). Đồng chí Cayxỏn Phômvihản và đồng chí Khăm Tày Xiphănđon chủ trì hội nghị. Trong hội nghị, Tổng Quân uỷ và Bộ Chỉ huy tối cao Lào chủ trương phải hết sức coi trọng xây dựng chất lượng chính trị, nâng cao bản chất của quân đội cách mạng, nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, phấn đấu trở thành “Đơn vị ba giỏi'', ''Chiến sĩ ba giỏi''(4). Tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện của Đảng đối với quân đội. Trước yêu cầu phát triển lực lượng vũ trang cách mạng trong giai đoạn mới, hội nghị thống nhất đổi tên bộ đội Pathết Lào thành Quân đội giải phóng nhân dân Lào. Đồng chí Khăm Tày Xiphănđon được cử làm tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang.

Sau hội nghị, Đoàn chuyên gia quân sự 959 tiếp tục cử một số chuyên gia cùng cán bộ Lào xuống các đơn vị giúp Lào nghiên cứu chiến trường, chuẩn bị các phương án tác chiến và bố trí lực lượng sẵn sàng chiến đấu. Các đoàn chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam, theo địa bàn và nhiệm vụ được giao, tiếp tục giúp Lào tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang, đánh địch bảo vệ vùng giải phóng, củng cố chính quyền cách mạng./.

 

(còn tiếp)


 

Nguồn: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930-2007), Biên niên sự kiện, tập 1 (1930-1975), Nxb. CTQG, H, 2011 và Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930-2007), Nxb. CTQG. H, 2011.

 

---------------------

(1) Dẫn theo tập Nghị quyết của Đảng Nhân dân Lào từ Nghị quyết 1 đến Nghị quyết 17 (phần nhận định tình hình âm mưu của địch và chủ trương đối phó của ta), Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, TK-4278.

(2) Gồm: 13 tiểu đoàn bộ binh thuộc GMI3 và GMI7, cùng 3 tiểu đoàn hỗn hợp, 54 đại đội phỉ, 2 tiểu đoàn pháo 105 ly yà 85 ly, 2 đại đội súng cối 120 ly và 106,7 ly, một đại đội súng máy phòng không 12,7 ly, 37 xe tăng và thiết giáp.

(3) Lực lượng tham gia chiến địch có Lữ đoàn 316 và Lữ đoàn 335 (Quân khu Tây Bắc), Tiểu đoàn 8 (Sư đoàn 304), Tiểu đoàn 925 (Quân khu 4), 14 đại đội biên phòng; phía Lào có 7 tiểu đoàn Pathết Lào và trung lập yêu nước (13, 1, 2, 15, Pắtchây, 701, 500).

(4) Tiêu chuẩn “Đơn vị ba giỏi” và “Chiến sĩ ba giỏi”: chiến đấu giỏi xây dựng cơ sở giỏi và tăng gia sản xuất giỏi.