Một số sự kiện lịch sử về tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào năm 1962 (tiếp theo)

16:47, 06/08/2012

Ngày 5 tháng 9 năm 1962, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Vương quốc Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.

 

Ngày 2 tháng 7 năm 1962, sau một thời gian gián đoạn, Hội nghị quốc tế 14 nước tại Giơnevơ họp trở lại để bàn các vấn đề bảo đảm hoà bình, trung lập, chủ quyền, thống nhất của Lào. Ngày 23 tháng 7, Hiệp định Giơnevơ về Lào được ký kết. Các nước tham gia ký kết Hiệp định Giơnevơ thừa nhận tôn trọng nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Lào; cam kết không can thiệp bằng bất cứ cách nào vào công việc nội bộ của Lào; không đề nghị hoặc thúc ép Lào tham gia vào bất cứ liên minh quân sự nào không phù hợp với nền trung lập của Lào.

 

Việc ký Hiệp định Giơnevơ 1962, giải quyết hoà bình vấn đề Lào là một thắng lợi to lớn của lực lượng cách mạng Lào liên minh với những người trung lập yêu nước, của phe xã hội chủ nghĩa và phong trào hoà bình dân chủ thế giới. Bằng việc long trọng xác nhận những nguyên tắc căn bản của Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương, Hội nghị quốc tế Giơnevơ 1962 về Lào đã mặc nhiên lên án sụ can thiệp trắng trợn của đế quốc Mỹ vào Lào, đồng thời nêu ra những việc cụ thể cần làm để giúp Lào bảo đảm nền hoà bình, trung lập và xây dựng một nước Lào độc lập, thống nhất, dân chủ và phồn vinh. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, nước Lào được quốc tế cam kết tôn trọng nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Pathết Lào có vùng giải phóng rộng lớn chiếm 2/3 đất đai và hơn 1/3 dân số toàn quốc.

 

Sau Hiệp định Giơnevơ 1962 về Lào, thực hiện cam kết của mình, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định rút toàn bộ quân tình nguyện và đại bộ phận chuyên gia quân sự về nước.

 

Trong thời gian này, các đồng chí lãnh đạo Đảng Nhân dân Lào, Neo Lào Hắc Xạt đã tổ chức nhiều chuyến đi nắm tình hình ở các tỉnh, các quân khu để điều chỉnh bố trí lại lực lượng, đồng thời thăm hỏi động viên các đơn vị quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã phối hợp chiến đấu, xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng trong thời gian vừa qua. Đây cũng là lúc Chính phủ liên hiệp Lào thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước. Do vậy, trong buổi họp với cán bộ quân đội Lào, khoảng giữa tháng 9 năm 1962, tại Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, có các đồng chí Xỉngcapô Xỉkhốt Chunlamany, Xámản Vinhakệt, Xiphon tham dự, Hoàng thân Xuphanuvông nói: ''Sau khi đặt quan hệ ngoại giao với các nước, chúng ta có thêm nhiều bạn bè, những người bạn cùng sống chết, chung một chiến hào với ta chỉ có Việt Nam''(2).

 

Ngày 5 tháng 9 năm 1962, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Cúinh phủ Vương quốc Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đại sứ Việt Nam Lê Văn Hiến và Đại sứ Lào Thạo Pheng là những sứ giả đầu tiên của hai nước. Sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, đầu năm 1963, Vua Lào Xỉxávàng Vắtthana dẫn đầu Đoàn đại biểu Hoàng gia Lào sang thăm Việt Nam. Trong buổi chiêu đãi Vua Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: ''... hai dân tộc Việt và Lào sống bên nhau trên cùng một dải đất, cùng có chung một dãy núi Trường Sơn. Hai dân tộc chúng ta đã nương tựa vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau như anh em... Ngày nay chúng ta lại đang giúp đỡ nhau để xây dựng một cuộc sống mới.

 

Tình nghĩa láng giềng anh em Việt - Lào thật là thắm thiết không bao giờ phai nhạt được''(3).

 

Với tình cảm chân thành đó, trong buổi lễ tiễn đưa Nhà vua Lào lên đường về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng khắc hoạ sâu đậm hơn nghiã tình nồng thắm của quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam: ''Cuộc đi thăm nước Việt Nam của Nhà vua và các vị làm cho hai nước chúng ta đã gần nhau về địa dư lại càng gần nhau về tình nghĩa. Sự hiểu biết lẫn nhau và mối quan hệ hợp tác thân thiện giữa hai dân tộc anh em đã tiến lên một giai đoạn mới mẻ và tốt đẹp. Hôm nay, Nhà vua và các vị rời đất nước chúng tôi, song những hình ảnh đẹp đẽ của cuộc đi thăm vẫn lưu lại lâu dài trong lòng chúng tôi.

 

Thật là:

 

Thương nhau mấy núi cũng trèo,

 

Mâý sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.

 

Việt - Lào, hai nước chúng ta,

 

Tìlnh sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long''(4)


 




(Nguồn: Lich sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2007, Nxb. CTQG, H, 2011, tr.389-391).

-----------------------

(1)- Theo đó, Đoàn 959 với quân số 3.085 người (giữa năm 1962) rút gọn còn một bộ phận chuyên gia quân sự gồm 49 người do các đồng chí Nguyễn Hoà - tham mưu trưởng; Lê Xuân - chủ nhiệm hậu cần; Hà Minh Tân - phụ trách phòng chính trị của Đoàn ở lại giúp ba cơ quan thuộc Quân uỷ và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Pathết Lào.

(2)- Theo lời kể của đồng chí Xámản Vinhakệt, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác tư tưởng, lý luận, văn hoá Trung ương Đảng Nhân đân cách mạng Lào, Trưởng Ban Chỉ đạo biên soạn Lịch sử quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam tại Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc, Việt Nam ngày 26 tháng 10 năm 2010.

(3,4) - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t11, tr.37, 44.