Một số sự kiện lịch sử về tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào năm 1963 và 1965

08:05, 09/08/2012

Hội nghị nhân dân ba nước Đông Dương là một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị và trong cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ba nước Đông Dương, đồng thời đánh dấu một thất bại của đế quốc Mỹ trong âm mưu chia rẽ các dân tộc Đông Dương để dễ thôn tính từng nước.

 

Tháng 4 năm 1963

Ngày 2 tháng 4 năm 1963

Báo cáo tổng kết công tác viện trợ cho Lào năm 1962


Căn cứ vào phương thức viện trợ mới của Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam cho Vương quốc Lào, để đưa công tác viện trợ Lào vào nền nếp, Nghị quyết số 208 - CP ban hành ngày 5 tháng 12 năm 1961 của Hội đồng Chính phủ đã giao nhiệm vụ chủ quản công tác viện trợ cho hai bộ:

- Bộ Quốc phòng phụ trách phần viện trợ quân sự cho Lào.

- Bộ Ngoại giao phụ trách phần viện trợ về các mặt khác.

Các mặt công tác Việt Nam đã giúp Lào trong năm 1962 là:

- Đào tạo cán bộ: các trường của Việt Nam đã tiếp nhận và đào tạo cho Lào 4.122 cán bộ, gồm: Chính phủ Vương quốc Lào 336 người, Pathết Lào 3.786 người.

- Cử chuyên gia sang giúp: Chính phủ Vương quốc Lào đã yêu cầu Chính phủ Việt Nam cử sang giúp 108 chuyên gia trong kế hoạch 150 người của Hiệp định viện trợ 1962. Trong số 86 chuyên gia còn ở lại giúp việc cho Chính phủ Vương quốc Lào có: 18 chuyên gia cao cấp, 38 chuyên gia trung cấp và 30 chuyên gia sơ cấp. Ngoài số chuyên gia thường xuyên còn có cán bộ và công nhân xây dựng ở Nhà máy xay Bạn Ban, lắp đặt lưới điện thoại ở Khăng Khay, cán bộ thuỷ lợi, y tế, quay phim, v.v..

Kết quả: các đoàn chuyên gia sang công tác tại Lào đều đạt được nhiều thành tích tốt.

- Khảo sát sửa chữa đường sá: theo Nghị định thư đã ký kết giữa hai Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải Việt Nam đã tiến hành thi công, sửa chữa năm tuyến đường trên đất Lào, dài 400km. Kết quả là, các công trường đã hoàn thành kế hoạch sửa chữa và bàn giao cho Lào trước thời gian quy định một tháng. Khối lượng công trình nói chung vượt 50% so với khối lượng đã ký kết. Về chất lượng công trình, Lào đã nghiệm thu và công nhận là tốt.

- Vận tải hàng hoá bằng ôtô cho Lào: lực lượng vận chuyển hàng hoá bằng ôtô cho Lào của Bộ Giao thông vận tải gồm có: 87 xe chạy từ nội địa đến các trạm gần biên giới và 170 xe chạy từ trạm gần biên giới sang Lào. Kết quả là, trong năm 1962 đã chuyển giao cho Lào được 9.207 tấn trên năm tuyến đường 7, 8, 9, 12, 217, vượt 24% mức kế hoạch đề ra.

- Xây dựng một số công trình dân dụng ở Khăng Khay: đã xây dựng xong cho Lào 3.015m2 nhà ở và cơ quan làm việc. Ngoài ra đã cất dựng 2.462m2 nhà ở của cán bộ, công nhân công trường; 1.140m2 lán để sản xuất vật liệu, đặt 7.005m đường dây điện cung cấp ánh sáng cho khu vực xây dựng các cơ quan xung quanh. Đồ gỗ trang bị cho các nhà mới xây dựng đã sản xuất được 60% yêu cầu. Công việc sửa chữa 3.608m2 nhà ở cũ đã làm được 50% khối lượng yêu cầu. Trong năm, Việt Nam đã xây dựng giúp Lào một học viện quân sự trị giá 352.345 đồng. Chất lượng công trình đã xây dựng tương đối tốt, đảm bảo đề án thiết kế của Lào.

- Về khảo sát quy hoạch thành phố Khăng Khay: đã đo đạc trên diện tích 3.250km2, thiết kế xong quy hoạch lâu dài thành phố 2 vạn người và quy hoạch trước mắt cho 5.000 người.

- Cung cấp một số vật tư cho Lào: đã giao cho Chính phủ Vương quốc Lào 1.491 tấn muối, 57 tấn xăng, 20 tấn thóc giống, 20 lò rèn, máy cưa và một số dụng cụ làm mộc, dụng cụ y tế và thuốc chữa bệnh, 300.000 đồng viện trợ về y tế, vật liệu làm nhà máy.

Kết luận: năm 1962 với phương thức viện trợ mới, Việt Nam đã đưa dần công tác viện trợ Lào vào nền nếp, trong quá trình thực hiện tuy có khó khăn, trở ngại nhưng các bộ, ngành Việt Nam đều có nhiều cố gắng, đảm bảo cho Lào nhiều yêu cầu trước mắt. Nhờ đó, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, giữa hai Đảng và hai Chính phủ được tăng cường, góp phần vào thắng lợi của cách mạng Lào.

Ngày 12 tháng 4 năm 1963

Hội nghị bàn biện pháp phá âm mưu thủ đoạn của địch


Ngày 12 tháng 4 năm 1963, tại Khăng Khay - Xiêng Khoảng (Lào), Phân cục Trung ương Đảng Nhân dân Lào và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng tổ chức hội nghị bàn biện pháp phá âm mưu thủ đoạn của địch. Các đồng chí Nguyễn Bình Sơn, Lê Văn, phụ trách chuyên gia quân sự Việt Nam bên cạnh Quân khu Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, đến dự. Đồng chí Nủhắc Phumxavẳn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào nêu rõ: “Chúng ta kiên trì hòa bình, nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơnevơ, bảo vệ Chính phủ liên hiệp, nhưng đối phương do Mỹ giật dây đã trắng trợn phá hoại hòa bình, ngăn cản việc thi hành Hiệp định Giơnevơ, khủng bố những người yêu nước trong lực lượng trung lập, chia rẽ khối đoàn kết giữa Neo Lao Hắc Xạt với lực lượng trung lập Koongle đã theo Mỹ, lập khu chỉ huy riêng, cùng bọn tay chân CIA là E - tam đặt trụ sở ở Mương Phăn. Thế là Koongle đã phản bội chúng ta, chống lại những người trung lập yêu nước, bắt tay với bọn phái hữu, thi hành mệnh lệnh của Mỹ, kéo đất nước trở lại cảnh nồi da xáo thịt”.

Trước tình hình đó, đồng chí Nủhắc Phumxavẳn nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của chúng ta lúc này là phải nhanh chóng điều chỉnh lực lượng, tiêu hao, tiêu diệt nhiều địch, đẩy mạnh binh vận, phân hóa làm tan rã lực lượng Koongle, bổ sung cho lực lượng trung lập yêu nước do Đại tá Đươn và Trung tá Thiệp thuộc lực lượng trung lập theo Pathết Lào chỉ huy, chuẩn bị điều kiện để giành lại Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng”. Về quân sự, đồng chí chỉ rõ: “Mỹ đang dồn các binh đoàn cơ động (GM) quân phái hữu giúp Koongle đánh chiếm Cánh đồng Chum, hòng đẩy chúng ta ra khỏi địa bàn này trước mùa mưa. Chúng ta có khó khăn nhiều mặt như quân số ít, trang bị vũ khí kém, chưa đổi được súng, trận địa chưa làm. Đặc biệt, do mới tập trung nên các tiểu đoàn giỏi đánh nhỏ, nhưng đánh phòng ngự, đánh tập trung cơ động lớn còn lạ lẫm. Điều này phải nhờ chuyên gia Việt Nam nhiều, phải dìu dắt các đơn vị vừa đánh vừa học, trưởng thành nhanh cả về chính trị, quân sự, tổ chức, đời sống; giải quyết tốt hậu cần trong chiến đấu. Phải làm cho mọi người tin tưởng vào sức mạnh chính nghĩa của ta, vào đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, sự hỗ trợ của quân dân toàn quốc và sự chi viện quốc tế ”.

Hội nghị giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Quân khu Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng cùng chuyên gia Việt Nam ở quân khu gấp rút điều chỉnh lực lượng, bố trí trận địa, huấn luyện bộ đội, sẵn sàng đánh địch.

Ngày 15 tháng 4 năm 1963

Quyết định thành lập Đoàn chuyên gia quân sự 463


Ngày 15 tháng 4 năm 1963, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng Việt Nam quyết định thành lập Đoàn chuyên gia quân sự 463, giúp Quân khu Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (Lào). Đoàn 463 được hình thành trên cơ sở tổ chức của đoàn cán bộ được Bộ Tổng Tham mưu điều sang Lào (gồm năm đồng chí, nên còn gọi là Đoàn 5) từ đầu tháng 4 năm 1963 và một số đồng chí đang làm nhiệm vụ tại Lào.

Nhiệm vụ của Đoàn chuyên gia quân sự 463 được đồng chí Song Hào, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, trực tiếp giao trước ngày Đoàn sang Lào: “Giúp Lào giữ vững địa bàn, tiêu hao, tiêu diệt nhiều địch, củng cố lực lượng, tạo điều kiện giải phóng lại Cánh đồng Chum. Giúp lực lượng trung lập yêu nước đoàn kết lâu dài với Pathết Lào, chiến đấu cho nền độc lập của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân các bộ tộc Lào”.

Lãnh đạo, chỉ huy Đoàn 463 gồm: Trung tá Nguyễn Bình Sơn, phụ trách chuyên gia Quân khu trưởng, trưởng đoàn; Thiếu tá Lê Văn, phụ trách chuyên gia Chính ủy Quân khu, chính uỷ; Đại úy Tạ Đảo, Chủ nhiệm hậu cần Quân khu, chuyên gia.

Ngày 17 tháng 4 năm 1963

Truyền đạt chủ trương quân sự của Thường trực Quân ủy Trung ương (Việt Nam) cho chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào

Ngày 17 tháng 4 năm 1963, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam truyền đạt cho các chuyên gia quân sự Việt Nam về chủ trương quân sự ở Lào của Thường trực Quân ủy Trung ương: "ra sức củng cố lực lượng vũ trang, lấy việc huấn luyện làm trung tâm, giữ vững củng cố khu giải phóng, phối hợp với lực lượng vũ trang trung lập tiến bộ, giữ vững địa bàn quan trọng, nhất là khu vực Cánh đồng Chum; ra sức giúp đỡ lực lượng vũ trang trung lập tiến bộ, làm cho lực lượng này có thế hợp pháp quân sự, chính trị trở lại thống nhất với Koongle, hoặc trở thành lực lượng nòng cốt cho lực lượng vũ trang trung lập thực sự nếu địch biến lực lượng Koongle thành lực lượng phản động". Phương châm hoạt động là: "chủ động ngăn chặn khiêu khích quân sự, không để xung đột vũ trang lan rộng, nhưng khi bị địch khiêu khích tấn công thì kiên quyết đánh bại địch, chiếm giữ địa bàn có lợi, sẵn sàng đề phòng chúng gây ra cuộc chiến tranh lớn ở Lào". Những nhiệm vụ công tác cụ thể trước mắt là:

1 - Cùng với mặt chính trị, cần tăng cường công tác phát động quần chúng.

2 - Duy trì khối liên minh quân sự vững chắc với lực lượng trung lập, giúp Đươn có địa vị hợp pháp về chính trị, quân sự, sẵn sàng trở lại hợp tác với Koongle.

3 - Pathết Lào cần phối hợp với lực lượng tiến bộ, giữ vững khu vực đã kiểm soát.

4 - Về hoạt động quân sự, không chủ động tiến công, nhưng nếu chúng tiến công khiêu khích thì Pathết Lào cùng lực lượng tiến bộ kiên quyết đánh trả, tiêu diệt một bộ phận. Đối với Pathết Lào, vẫn tiến hành theo kế hoạch lâu dài, trọng tâm là huấn luyện nâng cao chất lượng bộ đội, nhưng phải kiểm tra và bổ sung kế hoạch sẵn sàng chiến đấu.

Từ ngày 18 đến 24 tháng 4 năm 1963

Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam hội đàm với Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân Lào

Nhằm tăng cường đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, từ ngày 18 đến 24 tháng 4 năm 1963, Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam và Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân Lào đã tiến hành hội đàm. Dự hội đàm, phía Việt Nam có các đồng chí Lê Duẩn, Văn Tiến Dũng và một số cán bộ cao cấp. Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân Lào gồm có các đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Xỉxávạt Kẹo Bunphăn. Sau khi đánh giá tình hình, âm mưu và thủ đoạn của địch, tình hình lực lượng cách mạng, đồng chí Cayxỏn Phômvihản xác định chủ trương, phương châm của cách mạng Lào là:

- Kiên trì đấu tranh giữ vững hoà bình, thi hành Hiệp định Giơnevơ, bảo vệ Chính phủ liên hiệp.

- Ra sức tăng cường lực lượng, chủ yếu là lực lượng vũ trang và mặt trận đoàn kết dân tộc. Phải nêu cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu.

- Lấy đấu tranh chính trị là chủ yếu, đấu tranh vũ trang chỉ làm hậu thuẫn cho đấu tranh chính trị.

- Tiếp tục tranh thủ Phuma, Koongle khi còn duy trì được Chính phủ liên hiệp.

- Tuy có phức tạp nhưng phải làm tốt hơn công tác tranh thủ Khăm Uôn.

- Với lực lượng tiến bộ Đươn, Thăn, Koongle phải từng bước phát triển và củng cố lực lượng này.

- Kiên quyết giữ vững Lạt Huồng, Xiêng Khoảng, Cánh đồng Chum, đường 7.

Về phương hướng hoạt động, đồng chí Lê Duẩn nêu lên một số điểm:

- Trong Đảng phải xây dựng tư tưởng đấu tranh trường kỳ gian khổ và cách mạng Lào gắn liền với cách mạng Việt Nam, Thái Lan.

- Công tác mặt trận phải quán triệt cả ba mặt: mặt trận trong chính quyền, quân đội và quần chúng.

- Phải đẩy mạnh các hoạt động quân sự, giữ vững các vị trí, tùy thế quân sự mà đẩy mạnh đấu tranh chính trị, đánh cho Phumi một đòn đau.

- Vận động thành phong trào quần chúng rộng rãi, cả sư sãi lên án vụ ám sát ông Kínim Phônxêna, âm mưu phá hoại chính sách hoà bình trung lập của địch.

- Phải chú ý xây dựng bộ đội địa phương, dân quân du kích mới chống được phỉ.

- Phải tranh thủ thời gian ổn định, khẩn trương xây dựng, củng cố vùng giải phóng về mọi mặt.

- Tuy có ý kiến không nhất trí về Lào nhưng phải kiên trì tranh thủ cho được sự đồng tình của Liên Xô, Trung Quốc.

Ngày 18 tháng 4 năm 1963

Đồng chí Văn Tiến Dũng trao đổi về tình hình cách mạng Lào với đồng chí Cayxỏn Phômvihản

Ngày 18 tháng 4 năm 1962, đồng chí Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam họp trao đổi với đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Lào về tình hình Lào thời gian qua và dự kiến chủ trương hoạt động trong thời gian tới. Hai bên nhất trí nhận định tình hình quân sự ở Lào chưa phải là chiến tranh đã trở lại và thống nhất chủ trương hoạt động trong thời gian tới là:

1 - Đấu tranh chính trị là chủ yếu, có quân sự hỗ trợ. Lực lượng quân sự của Việt Nam tập trung vào việc củng cố vùng giải phóng và tiễu phỉ.

2 - Bảo toàn lực lượng trung lập ở Lào, giúp lực lượng này củng cố và phát triển từng bước, không để địch tiêu diệt.

3 - Giữ vững thế chiếm đóng của Việt Nam ở Cánh đồng Chum và các chiến trường khác, tăng cường cải thiện thế phòng ngự có lợi nhằm bảo toàn lực lượng Việt Nam và lực lượng Đươn, Nhômmalạt, ổn định tình hình, đề phòng khi tình hình xấu hơn xảy ra và sẵn sàng đối phó với địch trong mùa khô tới.

Tháng 1 năm 1965

Ngày 5 tháng 1 năm 1965

Cục Động viên và Dân quân báo cáo Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam công tác củng cố, xây dựng dân quân du kích năm 1964 ở tỉnh Khăm Muộn

Với phương châm từ hoạt động thực tiễn tìm ra ưu khuyết điểm, rút kinh nghiệm phổ biến cho các địa phương khác, đồng thời kiến nghị một số giải pháp trong công tác chỉ đạo giúp Lào thời gian tới, ngày 5 tháng 1 năm 1965, Cục Động viên và Dân quân tiến hành tổng kết và báo cáo Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam về công tác củng cố, xây dựng dân quân du kích ở tỉnh Khăm Muộn (Lào) trong năm 1964.

Đánh giá tổng quát tình hình chung, báo cáo nhận xét: được sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy địa phương cấp trên nên nghị quyết lãnh đạo của các đảng bộ, chi bộ ở cơ sở đều xác định đúng đắn việc lãnh đạo, củng cố, phát triển hoạt động của dân quân du kích. Ở những nơi xung yếu đều được tăng cường cấp ủy, đảng viên sang nắm lực lượng dân quân, do đó lực lượng dân quân du kích trong năm 1964 không những tăng nhanh về số lượng mà chất lượng cũng được củng cố tốt, các mặt hoạt động bước đầu có nền nếp. Vai trò của dân quân du kích được đề cao, quần chúng nhân dân tin tưởng, giúp đỡ tích cực cho phong trào và hoạt động của dân quân du kích phát triển. Vấn đề tồn tại là: công tác chỉ đạo, chỉ huy, tổ chức thực hiện cụ thể của cơ quan quân sự địa phương còn yếu, tổ chức cơ quan còn xộc xệch, địa bàn quá rộng; phong trào du kích phát triển rộng khắp vùng giải phóng, nhưng chất lượng còn thấp, một số thanh niên nam, nữ thích vào dân quân nhưng không muốn bổ sung sang bộ đội, trong khi đó bộ đội lại thiếu chú ý dìu dắt dân quân du kích; cơ sở để phát triển dân quân du kích là dựa vào tổ chức quần chúng, nhưng có nhiều nơi chưa có tổ chức thanh niên, phụ nữ...; đáng chú ý là, vùng địch hậu chưa phát triển được lực lượng dân quân du kích, đây là một điểm thiếu sót lớn.

Trên cơ sở phân loại các xã có phong trào dân quân du kích khá, trung bình, kém trong tỉnh Khăm Muộn, Cục Động viên và Dân quân đề nghị:

- Bộ phận giúp phòng dân quân của Lào cần có sự chỉ đạo chặt chẽ từ trên xuống dưới, hàng năm phải tổ chức đoàn đi kiểm tra các tỉnh, khu, đồng thời giúp đỡ cho cấp dưới đẩy mạnh phong trào.

- Phía Lào cần nghiên cứu tiêu chuẩn, chính sách, chế độ, nguyên tắc tổ chức dân quân du kích cho rõ ràng, có văn bản của Trung ương chỉ thị cho cơ quan quân sự địa phương theo từng quý, từng năm để việc chỉ đạo phong trào được thống nhất và chặt chẽ.

- Hàng năm Lào nên có tổng kết công tác củng cố, xây dựng lực lượng dân quân du kích, cơ sở quần chúng, bồi dưỡng cho phong trào nói chung.

Ngày 12 tháng 1 năm 1965

Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức hội nghị triển khai việc giúp Lào làm tuyến đường Sầm Nưa - Bạn Ban

Theo hiệp định giữa hai nước Việt Nam, Lào và theo kết luận của cuộc họp bàn triển khai giữa các bộ do Chính phủ chủ trì, ngày 12 tháng 1 năm 1965, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức hội nghị các đơn vị, ngành liên quan để bàn và triển khai việc xây dựng tuyến đường Sầm Nưa - Bạn Ban ở Lào.

Dự hội nghị, về phía Bộ Quốc phòng có đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, Tổng Tham mưu phó, chủ trì cuộc họp; các đồng chí đại diện thủ trưởng các cơ quan Cục Tác chiến, Cục Công binh, Cục Quân lực, Đoàn 959. Đại biểu ngành giao thông có đồng chí Hồng Xích Tâm, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải và đồng chí Phạm Trầm, Cục phó phụ trách cải tạo miền Tây - Bộ Giao thông vận tải.

Hội nghị đã thống nhất: xây dựng đường theo tiêu chuẩn cấp 5. Bộ Quốc phòng phụ trách bàn với Lào về việc bảo vệ ngoại vi công trường, kết hợp kế hoạch tác chiến, tiễu phỉ để bảo vệ công trường; công trường chịu trách nhiệm bảo vệ nội bộ bằng lực lượng tự vệ của mình; bộ phận chuyên gia và Ban Chỉ huy công trường cần phải giữ liên hệ chặt chẽ, thông báo kịp thời tình hình để kết hợp giữa công tác bảo vệ và công tác làm đường; phấn đấu đến cuối năm 1965 căn bản thông xe và hết năm 1966 căn bản hoàn chỉnh.

Tháng 2 năm 1965

Ngày 1 tháng 2 năm 1965

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào gửi thư mừng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Lao động Việt Nam, ngày 1 tháng 2 năm 1965, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào đã gửi thư chúc mừng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như toàn thể đảng viên và nhân dân Việt Nam. Sau khi điểm lại chặng đường cách mạng vẻ vang trong 35 năm qua của Đảng Lao động Việt Nam, bức thư nhấn mạnh: “Những thành tích to lớn của Đảng Lao động Việt Nam và nhân dân Việt Nam anh hùng là những bài học quý báu, là tấm gương sáng cổ vũ cách mạng Lào và phong trào giải phóng dân tộc khắp toàn thế giới, đồng thời là một đóng góp quan trọng vào sự phát triển lý luận Mác - Lênin chân chính, vạch trần bộ mặt phản bội của chủ nghĩa xét lại, đấu tranh bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, củng cố sự đoàn kết nhất trí của phong trào cộng sản quốc tế hiện nay.

Hai Đảng và nhân dân hai dân tộc anh em chúng ta vẫn có truyền thống đoàn kết lâu đời, luôn luôn kề vai sát cánh trong sự nghiệp cách mạng, đoàn kết đấu tranh trong đường lối chủ nghĩa Mác - Lênin chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược. Đảng Lao động Việt Nam và nhân dân Việt Nam từ trước tới nay đã hết lòng giúp đỡ nhân dân Lào trong cuộc đấu tranh cách mạng”.

Tháng 3 năm 1965

Từ ngày 1 đến 9 tháng 3 năm 1965

Hội nghị nhân dân ba nước Đông Dương biểu thị tinh thần đoàn kết chống Mỹ

Để biểu thị tinh thần đoàn kết chống Mỹ, từ ngày 1 đến 9 tháng 3 năm 1965, Hội nghị nhân dân ba nước Đông Dương đã được tiến hành tại Phnôm Pênh (Campuchia) với sự tham gia của Đoàn đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Cộng đồng xã hội bình dân Campuchia, Neo Lào Hắc Xạt, Lực lượng trung lập yêu nước Lào và các đoàn thể, tổ chức khác thuộc ba nước. Hội nghị đã thông qua nghị quyết chung nói rõ tinh thần đoàn kết, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ của nhân dân ba nước Đông Dương và ba nghị quyết riêng về Việt Nam, Campuchia và Lào, nhiệt liệt ủng hộ cuộc đấu tranh vì độc lập, quyền tự quyết và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân ba nước, cực lực lên án việc đế quốc Mỹ chà đạp lên các Hiệp định Giơnevơ, gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, can thiệp vũ trang vào Lào và tiến công khiêu khích, âm mưu xâm lược Campuchia. Hội nghị đã nhấn mạnh "sự cần thiết phải củng cố tình đoàn kết chân thành và bền vững của các dân tộc Đông Dương" trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược.

Hội nghị nhân dân ba nước Đông Dương là một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị và trong cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ba nước Đông Dương, đồng thời đánh dấu một thất bại của đế quốc Mỹ trong âm mưu chia rẽ các dân tộc Đông Dương để dễ thôn tính từng nước.

Tháng 5 năm 1965

Hội nghị Trung ương Đảng Nhân dân Lào lần thứ 13

Tháng 5 năm 1965, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào họp Hội nghị lần thứ 13 ra Nghị quyết, nêu rõ: “Đẩy mạnh đấu tranh quân sự, phát động chiến tranh nhân dân sâu rộng, tiêu diệt và tiêu hao sinh lực địch, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng có trọng điểm. Ra sức củng cố và tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, coi đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”.

Đối với việc xây dựng lực lượng vũ trang, Nghị quyết xác định: tăng cường chất lượng chính trị, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện của Đảng đối với lực lượng vũ trang, đồng thời củng cố tổ chức, giải quyết tình trạng mất cân đối giữa ba thứ quân.

Quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 13, Tổng Quân ủy (Lào) tổ chức một số cuộc họp bàn về phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu của Quân đội Pathết Lào.

Về phía Việt Nam, Bộ Chính trị chủ trương giúp cách mạng Lào khẩn trương phát triển lực lượng và gấp rút đưa một số đơn vị quân tình nguyện, chuyên gia quân sự sang giúp Lào xây dựng, chiến đấu, củng cố vùng giải phóng.

Ngày 11 tháng 5 năm 1965

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng đến vua Xỉxávàng Vắtthana nhân dịp lễ Hiến pháp

Nhân dịp lễ Hiến pháp của Vương quốc Lào, ngày 11 tháng 5 năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện mừng lễ Hiến pháp đến vua Xỉxávàng Vắtthana. Bức điện có đoạn: "Thay mặt nhân dân Việt Nam, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nhân danh cá nhân, tôi trân trọng gửi đến Ngài lời chúc mừng nhiệt liệt.

Chúc nhân dân Lào anh em đạt được nhiều thắng lợi mới trong cuộc đấu tranh để thực hiện một nước Lào hòa bình, trung lập, độc lập, thống nhất và phồn vinh, góp phần bảo vệ hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á.

Chúc tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào ngày càng được củng cố và phát triển.

Kính chúc Ngài mạnh khỏe và hạnh phúc".



(còn tiếp)




(Nguồn: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930-2007), Biên niên sự kiện, tập 1 (1930-1975), Nxb. CTQG, H, 2011).