Quyết định lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời khắc Cách mạng Tháng Tám

09:57, 18/08/2012

Chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, với tầm nhìn của một lãnh tụ thiên tài, Hồ Chí Minh nhận định: Chiến tranh không chỉ là nguy cơ cướp đi hàng triệu sinh mạng con người ở các nước tham chiến, đồng thời là cơ hội để nhân dân các nước nhược tiểu đứng lên giành độc lập. Trước sự chuyển biến nhanh chóng của tình hình thế giới, với tư duy chiến lược sắc sảo, nhạy bén, bằng nhạy cảm chính trị thiên tài, Người đã giải quyết thành công vấn đề giải phóng dân tộc.

Người đề nghị Quốc tế Cộng sản để Người trở về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam và được chấp nhận. Rời Liên Xô về nước, Người tích cực chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho cách mạng Việt Nam. Tháng 6-1940, tại Trung Quốc, Người bắt đầu liên lạc được với Đảng ta. Tại buổi gặp các đồng chí lãnh đạo Đảng ở “Ban hải ngoại”, Người nêu một nhận định chính xác: Chủ nghĩa phát xít nhất định bị tiêu diệt, đây là thời thuận lợi cho các dân tộc dứng lên tự giải phóng. Được tin Pháp đầu hàng Đức, Người phân tích: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng".

 

Với kinh nghiệm hoạt động quốc tế phong phú, trên cơ sở phân tích, đánh giá chính xác tình hình thế giới, mưu đồ của chủ nghĩa phát xít, Người quyết định thành lập “Việt Nam đồng minh hội” ngay trên đất Trung Quốc. Trước mắt, để hợp pháp hóa về mặt tổ chức, có điều kiện về nước một cách công khai; còn lâu dài, để có tổ chức liên lạc với quốc tế. Những quyết định trên thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, sự mẫn cảm chính trị đầy trách nhiệm của Bác Hồ trước vận mệnh của dân tộc, định hướng cho thành công của Cách mạng Tháng Tám. Người tích cực triển khai các hoạt động quốc tế dồn dập: trực tiếp gặp đại diện Đảng Cộng sản Trung Quốc, gửi thư cho Quốc tế Cộng sản yêu cầu giúp đỡ… Người quyết định mở lớp huấn luyện chính trị và quân sự cấp tốc đưa về nước tuyên truyền, tổ chức các đoàn thể cứu quốc, chọn Cao Bằng làm căn cứ địa cách mạng… Những quyết định sáng suốt và kịp thời của Bác Hồ trong việc tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, chuẩn bị thực lực bên trong là bước chuẩn bị cần thiết cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.

 

Giữa lúc bão táp cách mạng đang nổ ra dồn dập, mùa xuân năm 1941, Bác Hồ về nước. Đây là cuộc gặp gỡ lịch sử giữa vị lãnh tụ tối cao với cả một dân tộc đang sục sôi đấu tranh và mong chờ sự dẫn đường, chỉ lối. Nhận thức rõ yêu cầu lịch sử đó, ngay từ lúc còn ở đất Trung Quốc, Người đã chỉ thị: “Trung ương Đảng phải chuyển về nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào”. Tháng 2-1941, sau 30 năm bôn ba, Bác Hồ về đến Cao Bằng, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam.

 

Về nước được hơn 3 tháng, với danh nghĩa là đại biểu Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ tám từ ngày 10 đến 19-5-1941, Hội nghị quyết định dương cao hơn nữa ngọn cờ giải phóng dân tộc, xác định rõ: “cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”. Đó chính là sự phát triển hoàn chỉnh chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng do Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (tháng 11-1939) và lần thứ 7 (tháng 11-1940) của Đảng đề ra. Chủ trương đó đã thể hiện tư duy chiến lược, nhãn quan chính trị nhạy bén của Bác Hồ, đồng thời phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân là thoát khỏi ách áp bức “một cổ hai tròng” của đế quốc và phong kiến tay sai. Bác Hồ đã chủ động xây dựng lực lượng cách mạng hùng hậu đủ sức tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Người vạch ra đường lối cách mạng trước thời cơ mới: “Sẽ thành lập một Chính phủ nhân dân của Việt Nam dân chủ cộng hòa, lấy lá cờ đỏ ngôi sao vàng năm cánh làm lá cờ Tổ quốc” (Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VIII, Đảng Cộng sản Đông Dương, 5-1941). Hội nghị đã mở ra một trang sử mới trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, đóng góp to lớn vào kho tàng lý luận về cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam.

 

Sau Hội nghị, Người chỉ đạo soạn thảo các Văn kiện của Mặt trận Việt Minh như Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ. Những văn kiện này thể hiện đầy đủ sự thống nhất quan điểm giữa Bác Hồ và Trung ương Đảng ta về những vấn đề thuộc chiến lược của cách mạng Việt Nam. Thành lập Mặt trận Việt Minh là quyết định sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đáp ứng đúng yêu cầu của lịch sử, dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng  Tám. Có thể nói không có Việt Minh thì không có Cách mạng Tháng Tám. Song song với việc xây dựng lực lượng chính trị, Đảng và Bác Hồ chú trọng từng bước xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng. Sau khởi nghĩa Bắc Sơn, Chủ tịch Hồ Chí  Minh và Trung ương Đảng quyết định duy trì, phát triển Đội du kích Bắc Sơn làm vốn quân sự lâu dài cho cách mạng. Đây là một quyết định sáng suốt và táo bạo. Chính nhờ có chủ trương đúng đắn đó, Đảng đã xây dựng được các trung đội cứu quốc, lực lượng quân sự chính quy đầu tiên của các mạng nước ta.

 

Tháng 9-1944, xét thấy khởi nghĩa vũ trang chưa chín muồi, Bác Hồ ra chỉ thị hoãn cuộc khởi nghĩa Cao - Bắc - Lạng, lựa chọn trong hàng ngũ du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên xuất sắc nhất làm nòng cốt cho đội quân chủ lực. Đồng thời, Người ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và chỉ rõ: “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh… Tuy lúc đầu quy mô nó còn nhỏ nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”. Lực lượng cách mạng chính trị và lực lượng vũ trang không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, đã tạo điều kiện vô cùng quan trọng cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi nhanh chóng. Mùa thu năm 1945,  Người chỉ thị thành lập Khu giải phóng và cử ra Ủy ban cách mạng để lãnh đạo các mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Khu giải phóng đã trở thành căn cứ địa cách mạng, hậu phương vững chắc để tiến tới tổng khởi nghĩa trong cả nước.

 

Chiến tranh thế giới chuyển biến nhanh chóng, Bác Hồ phát hiện ra mâu thuẫn giữa Mỹ - Anh - Pháp về thuộc địa nói chung, về Đông Dương nói riêng. Bác Hồ gặp đại diện Mỹ ở Côn Minh bàn phương thức hợp tác Việt Minh - Mỹ. Thực hiện kế hoạch hợp tác đó, Mỹ đã giúp Việt Minh một số súng đạn, thuốc men, nhân viên điện đài và một số quân tình nguyện Mỹ huấn luyện cho lực lượng vũ trang Việt Minh, cách sử dụng các loại vũ khí, điện đài và kỹ thuật, chiến thuật trận địa. Ngược lại, Việt Minh đã cung cấp cho Mỹ những thông tin quan trọng về hoạt động của Nhật, đã cứu và giúp đỡ nhiều phi công Mỹ rơi trên đất nước ta. Bác Hồ quan hệ với Quốc dân đảng Trung Hoa và Mỹ là những quyết định sáng suốt, nhằm vừa tranh thủ họ, vừa hạn chế họ, thêm bạn, bớt thù cho cách mạng Việt Nam; đồng thời cho họ thấy rõ cuộc đấu tranh của dân tộc ta là cuộc đấu tranh của lực lượng dân chủ trong mặt trận đồng minh chống phát-xít mà họ cần quan hệ. Đây là minh chứng điển hình cho quan điểm của Bác Hồ về đoàn kết mọi lực lượng có thể đoàn kết, tranh thủ mọi lực lượng có thể tranh thủ, thực hiện cho được mục tiêu độc lập, tự do.

 

Với tầm nhìn chiến lược, trong Thư gửi đồng bào toàn quốc, Người chỉ rõ: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các đồng minh quốc xã tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc một năm rưỡi nữa, thời gian rất gấp, ta phải làm nhanh”. Ngày 12-8-1945, qua chiếc đài thu thanh nhỏ, Bác Hồ biết Nhật đàm phán với Đồng Minh, trước nguy cơ bị thất bại hoàn toàn, phát xít Đức đầu hàng đồng minh, ở Đông Dương quân Nhật hoảng loạn, phong trào cách mạng cả nước sôi sục, những điều kiện cho tổng khởi nghĩa đã chín muồi. Chớp thời cơ, Bác Hồ cùng Trung ưởng Đảng ta đã chuẩn bị gấp “Hội nghị toàn quốc của Đảng” và “Đại hội đại biểu quốc dân” ở Tân Trào. Người nhấn mạnh: Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết  giành cho được độc lập. Và “Cần tranh thủ từng giây, từng phút, tình hình sẽ biến chuyển nhanh chóng. Không thể để lỡ cơ hội”. Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ngày 14 và 15-8-1945, quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc trước khi Đồng minh vào, đề ra đường lối đối nội và đối ngoại sau khi Tổng khởi nghĩa. Ngày 16-8-1945, Đại hội quốc dân họp quyết định thành lập Ủy ban ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ. Ngay sau Đại hội, Người gửi Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa tới đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy dùng sức ta mà giải phóng cho ta… Chúng ta không thể chậm trễ”.

 

Hội nghị toàn quốc, Đại hội quốc dân và Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra chủ trương, kế hoạch Tổng khởi nghĩa kịp thời, đúng thời cơ, động viên được sự đoàn kết nhất trí của toàn dân trong giờ phút quyết định của lịch sử dân tộc dể giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Hưởng ứng Lệnh Tổng khởi nghĩa của Đảng, đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới ngọn cờ Việt Minh, nhân dân ta triệu người như một nhất tề đứng lên khởi nghĩa, giành thắng lợi từng phần tiến tới giành thắng lợi trên toàn quốc, làm nên Cách mạng Tháng Tám 1945 lịch sử, Người quyết định soạn thảo Tuyên ngôn độc lập, ấn định ngày ra mắt quốc dân và tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trước khi quân Đồng minh vào giải giáp quân Nhật. Đây là quyết định nhạy bén, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước sự chuyển biến nhanh chóng của tình hình quốc tế sau chiến tranh; đồng thời khẳng định ý chí sắt đá của dân tộc ta quyết tâm bảo vệ nền độc lập mới giành được.

 

Ngày 2-9-1945, tại vườn hoa Ba Đình, trước cuộc mít-tinh của hàng vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”(8). Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam mới là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam, cũng là thắng lợi đầu tiên của Chủ nghĩa Mác-Lênin ở một nước thuộc địa. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con của lịch sử, quyết định sáng suốt những bước đi của cách mạng, tiên đoán chính xác, lãnh đạo Đảng và nhân dân ta chớp thời cơ, giành thắng lợi. Ở thời điểm lịch sử 1945, Người trở thành huyền thoại đẹp nhất. Cống hiến của Người đã giúp cho dân tộc ta hồi sinh, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và đi lên chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Hồ đã đóng góp quan trọng vào tiến trình cách mạng thế giới, phá vỡ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, xóa đi một vết nhơ trong lịch sử nhân loại là chế độ thực dân, thực hiện vai trò tiên phong trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và  tiến bộ xã hội. Thắng lợi đó gắn liền với những quyết định sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chứng minh tính đúng đắn và khoa học của những tư tưởng cách mạng của Người trong thời đại mới...