Lại một lần nữa, ngày 2/9, ngày Tết Độc lập đến với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta với những kỷ niệm không thể phai nhòa và những bài học quý giá về dựng nước và giữ nước mà trong thời hiện tại chúng ta cần phải tiếp tục kế thừa, phát huy.
Nhà thơ Xuân Diệu đi với Cách mạng ngày ấy đã từng viết những dòng rung cảm:
“Cái thuở ban đầu Dân quốc ấy
Nghìn năm chưa dễ đã ai quên”...
Đó là cái ngày thiêng liêng sau 87 năm mất nước dưới chế độ thực dân, toàn dân ta từ Bắc chí Nam theo ngọn cờ đỏ sao vàng của Cách mạng Tháng Tám đã vùng lên như người dũng sĩ “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.
Hội tụ lòng tin của toàn dân tộc
Ngày 2/9/1945 lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh, dưới ánh nắng Ba Đình rực rỡ, bước lên đài cao đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, long trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Đáp lại lời của Bác, toàn thể nhân dân có mặt đã đồng thanh hô lớn: “Xin thề! Xin thề!”. Lời thề vang động đất trời ngày ấy, trải qua 30 năm đánh thắng quân ngoại xâm (1945-1975), đã mang lại cho thế hệ ngày nay vị thế được tôn trọng của một quốc gia độc lập và thống nhất. Vinh dự này đòi hỏi chúng ta nhìn vào lịch sử đấu tranh thắng lợi phải rút ra được những bài học bổ ích cho ngày nay và ngày mai.
Từ ngày 2/9 năm ấy cho đến ngày 19/12/1946 bắt đầu cuộc kháng chiến trường kỳ, chỉ trong vẻn vẹn có 474 ngày độc lập, mà dân tộc ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Bác Hồ đã xây dựng được bền vững một chế độ mới: chế độ Dân chủ cộng hòa, trả các quyền tự do dân chủ cho toàn dân, không phân biệt gái trai, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, không phân biệt tôn giáo hay sắc tộc, đoàn kết được toàn dân để chống mọi thù trong, giặc ngoài, tranh thủ được sự đồng tình của nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới.
Với Hiệp ước sơ bộ Việt – Pháp ngày 6/3/1946, 18 vạn quân Quốc dân đảng tràn sang ta nhân danh việc tước khí giới quân Nhật mới đầu hàng, đã không thể trì hoãn ngày rút về nước, hòng ở lỳ lại trên lãnh thổ miền Bắc nước ta để phá hoại ta về các mặt chính trị và kinh tế.
Trong thế phải “chiến đấu trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa bành trướng”, chúng ta đã giữ vững được nhà nước non trẻ lúc bấy giờ chính là ở lực lượng toàn dân đoàn kết và ý chí quyết chiến và quyết thắng không sợ bất cứ kẻ thù nào. Bác Hồ, Đảng và Mặt trận Việt Minh hội tụ được lòng tín tâm của toàn dân là bởi tuyên bố của Bác: “Đoàn thể (Đảng) không có lợi ích gì khác, chỉ nhằm có lợi ích của dân tộc”.
Bác còn thu hút được cảm tình của nhân dân nhiều nước bởi câu trả lời của phóng viên nước ngoài bằng một câu nói đầy ý nghĩa: “Tôi chỉ có một Đảng: Đảng Việt Nam. Tôi chỉ có một mục tiêu: Độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho nhân dân tôi, hạnh phúc cho đồng bào tôi”.
Để cho đồng bào được sống trong một chế độ dân chủ mới, chỉ chưa đầy 2 tuần lễ sau ngày Tuyên ngôn Độc lập, Bác đã quyết định lập Ban soạn thảo Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra thông qua trước Quốc hội ngay đầu năm 1946, thực hiện các quyền tự do dân chủ cho mọi công dân, thủ tiêu mọi đặc quyền, đặc lợi.
Ngày nay, trong tình hình mới, khi đề ra việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, mọi người đều thấy bản Hiến pháp đầu tiên dưới chế độ dân chủ cộng hòa do Bác Hồ đề xướng việc soạn thảo năm 1946 vẫn còn những nội dung điều khoản có giá trị cần được bảo lưu, dù hoàn cảnh thực tế có nhiều thay đổi.
Giữ vững sự trong sạch cho chính quyền cách mạng
Chúng ta không thể quên là ngay trong những ngày đầu xây dựng chính quyền nhân dân năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều lần viết thư huấn thị cho “các đồng chí tỉnh nhà, các UBND làng, xã, huyện, tỉnh, kỳ bộ” khuyên nhủ cán bộ phải cảnh giác. Khắc phục ngay những biểu hiện chớm có của quan liêu, lãng phí, tham ô, những tật xấu mà Người gọi là “làm quan cách mạng”.
Một mặt kêu gọi sự tự phê bình và phê bình để sửa chữa nhưng mặt khác, Người rất coi trọng việc xây dựng một thiết chế pháp luật để thanh trừ, trừng phạt những phần tử tha hóa, dùng công cụ pháp lý sắc bén, đủ hiệu lực cần có, để giữ vững sự trong sạch cho chính quyền cách mạng.
Người đã đặt ra cơ cấu thanh tra và một bộ máy xét xử đáng để thời sau nghiên cứu học tập.
Chỉ 2 tháng sau ngày Tuyên ngôn Độc lập, người đã ban hành Sắc lệnh số 64-SL, ngày 23/11/1945, về việc thành lập Ban Thanh tra đặc biệt có nhiệm vụ giám sát và xét xử các sai phạm của các cán bộ chính quyền, từ UBND các cấp đến cơ quan cao nhất của chính quyền (các Bộ).
Nội dung Sắc lệnh quy định ở điều thứ nhất: Lập ngay một Ban Thanh tra đặc biệt có ủy nhiệm là giám sát tất cả các công việc và nhân viên của các UBND, các cơ quan của Chính phủ.
Sắc lệnh số 64-SL cũng quy định luôn chức năng, cơ cấu và lề lối làm việc của tòa án đặc biệt ở điều thứ ba: Sẽ thiết lập ngay tại Hà Nội một toà án đặc biệt để xử những nhân viên của các UBND hay các cơ quan của Chính phủ do Ban Thanh tra truy tố.
Khi chọn người làm nhiệm vụ, Hồ Chủ tịch đã nói: “Cán bộ thanh tra như cái gương để người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”.
Sự ra đời của một toà án đặc biệt song song với Ban Thanh tra đặc biệt, với thành phần Chánh án và Hội thẩm đầy đủ uy tín như trên để đứng trên mọi người, mọi cấp mà xét xử công minh, không để tòa án tỉnh xử việc của quan chức tỉnh, tòa án địa phương xử việc của quan chức địa phương ngang cấp; có thể nói là một đảm bảo chắc chắn để quyết định của tòa án được hoàn toàn có sức mạnh, đủ hiệu lực để đề cao phép nước, giữ yên lòng dân.
Để có nhân lực cấp cao tập trung vào sự nghiệp kiến thiết quốc gia, ngay trong buổi đầu dựng nước, Hồ Chủ tịch đã công bố thư ngỏ kêu gọi chính quyền các địa phương phát hiện nhân tài trong địa phương, để tiến cử với Nhà nước Trung ương, để phục vụ cho lợi ích cả nước, đồng thời cũng khuyến khích các nhân tài tự ứng cử, bởi Nhà nước Trung ương không có khả năng nắm hết được.
Việc xây dựng Đảng, cũng như xây dựng đất nước đều do khâu cán bộ quyết định tất cả, đặc biệt là đội ngũ cán bộ đứng đầu.
Trước kia, chỉ hai tháng sau ngày Độc lập năm 1945, Bác Hồ đã sử dụng nhân tài từ hai miền Nam – Bắc để thành lập một Ủy ban Kiến thiết quốc gia, nhằm đề ra một quy hoạch ở tầm vĩ mô để kiến thiết đất nước.
Ngày nay, Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết Trung ương 5 và tiếp ngay sau là Hội nghị cán bộ toàn quốc vừa mới đặt ra một cách đồng bộ việc tự kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của người đứng đầu để xây dựng một đội ngũ cán bộ cấp cao đủ tâm và đủ tầm, đủ điều kiện để gánh vác trọng trách trong giai đoạn lịch sử mới, đưa nước nhà ra khỏi tình trạng trì trệ, để phát huy hơn nữa những thành quả đã đạt được và vượt qua những thách thức, trở ngại trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đáp ứng đòi hỏi khách quan của lịch sử và xứng đáng với lòng mong mỏi của toàn dân.