Đổi mới nhận thức, tư duy về KH-CN trong điều kiện mới

13:59, 11/09/2012

Quan điểm nhất quán của Đảng coi KH-CN là quốc sách hàng đầu với vai trò là động lực then chốt phát triển lực lượng sản xuất.

Sáng 10/9, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ để kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và chuẩn bị Đề án “Phát triển khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” dự kiến sẽ được trình tại Hội nghị Trung ương 6 (khoá XI) sắp tới. Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.

 

Báo cáo với Tổng Bí thư tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quân - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Trong thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ đã đáp ứng tốt hơn, kịp thời hơn nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội, nhất là phục vụ trực tiếp quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế (tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng) và hội nhập quốc tế.

 
Cả nước hiện có khoảng 3,6 triệu người có trình độ đại học trở lên (theo tiêu chí của UNESCO thì đây là nguồn nhân lực có khả năng làm nghiên cứu khoa học và công nghệ chuyên nghiệp); gần 1.600 viện, trung tâm nghiên cứu hoạt động ở trên 60 lĩnh vực với trên 140 ngành nghề và gần 1.000 chuyên ngành khác nhau.

 

Tổng đầu tư của toàn xã hội cho hoạt động khoa học và công nghệ đạt khoảng 1% GDP hàng năm, trong đó nhà nước chi khoảng 60%, còn lại là của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đầu tư.

 

Từ năm 2011, việc xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ được chuyển dần sang phương thức đặt hàng, được nâng tầm về trình độ, chất lượng, hiệu quả và mở rộng về quy mô với sự hình thành các chương trình khoa học công nghệ lớn, dài hạn, đa mục tiêu.

 

Bên cạnh đó là các nhiệm vụ nghiên cứu tiềm năng dành cho các nhà khoa học trẻ trong các trường đại học, viện nghiên cứu nhằm mục tiêu sáng tạo các công nghệ mới, sản phẩm mới bằng trí tuệ con người Việt Nam; các dự án quy mô lớn, các dự án cấp thiết phát sinh ở địa phương.

 

Về việc đổi mới cơ chế hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai chủ trương lớn, mang tính đột phá là chuyển các tổ chức khoa học và công nghệ công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; hình thành các doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

 

Bộ cũng đẩy mạnh hỗ trợ giúp các doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, trao đổi công nghệ, chuyên gia công nghệ với nước ngoài, đồng thời hình thành thị trường công nghệ để thương mại hoá các sản phẩm khoa học và công nghệ, có vai trò điều tiết và thúc đẩy của nhà nước.

 

Công tác sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đã hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ để củng cố năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

 

Công tác quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử và an toàn bức xạ được tập trung đẩy mạnh nhằm đáp ứng khối lượng công việc ngày càng lớn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam…

 

Toàn ngành khoa học và công nghệ đang phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam có một nền khoa học và công nghệ phát triển nằm trong nhóm các nước dẫn đầu ASEAN, một số lĩnh vực đạt trình độ thế giới; phát triển, làm chủ các công nghệ nền, các lĩnh vực công nghệ cao; có đội ngũ cán bộ trình độ cao, phát triển các tập thể khoa học và công nghệ mạnh, các nhà khoa học và tổng công trình sư đầu ngành.

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những đóng góp quan trọng của khoa học và công nghệ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên các mặt khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, cả lý thuyết, cả thực hành, cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng triển khai. Nổi bật nhất là chúng ta đã xây dựng được hệ thống quan điểm để chỉ đạo sự nghiệp đổi mới theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đây là một thành tựu vô cùng to lớn.

 

Tổng Bí thư nhắc lại quan điểm nhất quán của Đảng coi khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu với vai trò là động lực then chốt phát triển lực lượng sản xuất.

 

Đồng tình với những ý kiến của lãnh đạo các Bộ, ban, ngành đề cập những tồn tại trong cơ chế, chính sách nhất là hai “nút thắt” về đầu tư và tài chính, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng các vướng mắc này rốt cuộc cũng nằm ở chỗ vướng mắc về nhận thức và tư duy. Do đó, Tổng Bí thư yêu cầu các cấp, các ngành phải đổi mới mạnh mẽ nhận thức và tư duy về khoa học và công nghệ trong điều kiện mới khi chúng ta đang đẩy mạnh CNH-HĐH để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu mô hình tăng trưởng từ bề rộng sang chiều sâu, sử dụng nhiều nhân công, tài nguyên sang các sử dụng chất xám, khoa học, công nghệ.

 

Đổi mới tư duy cũng phải chú ý khoa học và công nghệ bao gồm cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn. Nếu chỉ có một vế là chưa đúng. Khoa học xã hội nhân văn góp phần xây dựng con người Việt Nam, văn hoá Việt Nam, bản sắc dân tộc của chúng ta.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề nghị đổi mới toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa cơ chế chính sách nhất là cơ chế tài chính để phát huy nguồn lực cho phát triển khoa học và công nghệ; Đổi mới hệ thống tổ chức làm công tác nghiên cứu, triển khai thực hiện khoa học công nghệ, bao gồm cả mạng lưới nghiên cứu, hình thành doanh nghiệp làm khoa học phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, yêu cầu các doanh nghiệp phải làm khoa học, lập các quỹ; đổi mới công tác quản lý để phát huy được nguồn nhân lực, khuyến khích được người tài, tạo môi trường dân chủ, thuận lợi để phát huy sức sáng tạo của các nhà khoa học; Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm khoa học công nghệ nhất là các ngành trọng điểm, mũi nhọn, có chính sách trọng dụng người tài, tôn vinh các nhà khoa học.

 

Bộ Khoa học và công nghệ phải trở thành trung tâm khoa học, trung tâm trí tuệ; Phối hợp nhịp nhàng, kịp thời với các cơ quan, ngành trong lĩnh vực phát triển khoa học và công nghệ. Cùng với đó phải làm thật tốt công tác xây dựng Đảng, thực hiện có kết quả Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) để qua đợt sinh hoạt chính trị quan trọng này sẽ góp phần nâng cao hơn nữa phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên từ đó mỗi người, mỗi tập thể sẽ ngày càng tốt hơn, trưởng thành hơn, xây dựng con người, xây dựng tổ chức để làm tốt nhiệm vụ chính trị được giao./.