Một số sự kiện lịch sử về tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào năm 1972-1973

10:20, 04/09/2012

Theo chỉ thị của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, việc giúp Lào về kinh tế, văn hóa trong tình hình mới phải được tăng cường về các mặt: phương pháp, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa; nghiên cứu chính sách, tổ chức, quản lý kinh tế; viện trợ vật chất kỹ thuật, xây dựng vùng giải phóng; hợp tác kinh tế...

Năm 1972

 

- Ngày 20 tháng 7 năm 1972, Bộ Quốc phòng Việt Nam ra Quyết định số 131-QĐ/QP hợp nhất Sư đoàn 316 vào Mặt trận 31 để thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng mang phiên hiệu Bộ Tư lệnh Mặt trận 316, quyền hạn tương đương cấp quân khu. Nhiệm vụ của Mặt trận 316 được xác định như sau:

 

1. Lãnh đạo, chỉ huy, quản lý các đơn vị thuộc quyền và các đơn vị phối thuộc thực hiện nhiệm vụ chiến dịch, chiến đấu mà Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh (Việt Nam) giao cho Mặt trận 316.

 

2. Cùng chuyên gia quân sự Việt Nam bàn bạc với Bộ Chỉ huy Quân khu Cánh đồng Chum và Ban Chỉ huy Tỉnh đội Xiêng Khoảng của cách mạng Lào về kế hoạch tác chiến giữa các lực lượng vũ trang Việt Nam và Lào ở khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng.

 

3. Chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền phối hợp với chuyên gia quân sự và chuyên gia các ngành khác, giúp Lào xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, củng cố căn cứ địa khu vực hoạt động. Quân số của Mặt trận 316 trong hai năm 1972-1973 là 13.500 người.

 

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Tư lệnh Mặt trận 316 và nghe ý kiến đề xuất của Bộ Tổng Tham mưu và Tổng cục Hậu cần, ngày 25 tháng 7 năm 1972, Thường trực Quân ủy Trung ương (Việt Nam) thảo luận và ra Quyết nghị số 60/QUTW về nhiệm vụ và tổ chức lực lượng của Mặt trận.

 

Về nhiệm vụ: giúp cách mạng Lào đánh bại mọi âm mưu mới của địch, giữ vững Cánh đồng Chum; khi tình hình chuyển biến, tranh thủ thời cơ, đẩy mạnh tiến công, giành thế có lợi cho cách mạng. Trước mắt, cùng lực lượng cách mạng Lào hoàn thiện kế hoạch phòng thủ, tích cực chiến đấu, giữ vững tuyến trung gian, đồng thời tích cực chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng đánh bại mọi cuộc hành quân lấn chiếm quy mô tương đối lớn của địch có thể diễn ra trong những tháng cuối mùa mưa, đầu mùa khô, giữ vững Cánh đồng Chum... Mặt khác, phải có kế hoạch giải phóng Buôm Loọng, Xảm Thông, Loòng Chẹng.

 

Về tổ chức lực lượng: tách Bộ Tư lệnh quân tình nguyện Mặt trận Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng ra khỏi Bộ Tư lệnh 959, thành lập Đảng ủy và Bộ Tư lệnh quân tình nguyện Mặt trận Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, về Đảng trực thuộc Quân ủy Trung ương, về chính quyền trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh.

 

Theo Quyết định số 38-QUTW/A ngày 1 tháng 12 năm 1971, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng lấy phiên hiệu là Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận 31, nay hợp nhất với Đảng ủy và Bộ Tư lệnh 316 nên quy định lại phiên hiệu là Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận 316. Tổng quân số trực thuộc Bộ Tư lệnh Mặt trận 316 từ 12.000 đến 13.500 người.

 

- Ngày 30 tháng 7 năm 1972, phối hợp chặt chẽ với chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, ở Hạ Lào, Đoàn chuyên gia quân sự 565 cùng quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Lào đánh tan cuộc hành quân Sư tử đen của quân phái hữu Viêng Chăn vào khu vực Khôngxêđôn, đường 23, Pạc Xoòng, Xalavăn, Thà Teng, Bôlavên, loại khỏi vòng chiến đấu nhiều đơn vị địch thuộc các binh đoàn (GM) 32, 41 và 42, bảo vệ vùng giải phóng và tuyến vận tải chiến lược 559.

 

- Chấp hành Nghị quyết của Thường trực Quân ủy Trung ương ngày 14 tháng 9 năm 1972 về việc giúp Lào, ngày 19 tháng 9 năm 1972, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo Bộ Tư lệnh 559 như sau:

 

Sau khi điểm lại tình hình địch - ta trên chiến trường, những thuận lợi và khó khăn của ta, dự kiến tình hình sắp tới, Bộ Tổng Tham mưu xác định chủ trương và nhiệm vụ của ta là phải chuẩn bị tích cực, đầy đủ cho cả hai tình huống chiến lược: chiến tranh tiếp tục và chiến tranh đi đôi với giải pháp chính trị. Quân ủy Trung ương giúp Lào với sự cố gắng lớn nhất, kiên quyết giúp Lào giành thắng lợi mới có lợi hơn địch trong giai đoạn chiến lược mới.

 

Nhiệm vụ trước mắt của Bộ Tư lệnh 559 ở Lào là tiếp tục chỉ đạo tác chiến, tấn công tiêu diệt địch, đánh bại âm mưu lấn chiếm Bôlavên, Đồng Hến, đồng thời chuẩn bị chiến trường, củng cố bộ đội; phối hợp với Lào chuyển sang thế tấn công tiêu diệt địch. Phương án tốt nhất là tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng Pạc Xê, Khôngxêđôn (nhằm hoàn chỉnh thế bảo vệ vùng giải phóng Bôlavên). Ở nam đường 9, tiêu diệt địch, giải phóng tuyến đông Xê Chăm Pôn nối với Lahảnnặm và đường 13 nối với Lakhônphay, Khôngxêđôn. Nếu không đủ sức giải phóng Pạc Xê, phải đạt được yêu cầu tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng Khôngxêđôn, phối hợp với việc giải phóng khu vực Kẹng Coọc đến Lahảnnặm, Ta Ngàn. Ngoài lực lượng tình nguyện, cần phối hợp với cách mạng Lào, phát huy lực lượng của Đoàn 559.

 

Để hoàn thành nhiệm vụ trên, cần giáo dục, quán triệt tình hình nhiệm vụ, động viên cán bộ chiến sĩ quyết tâm khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Làm tốt công tác hiệp đồng với lực lượng cách mạng Lào để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

 

- Tháng 10 năm 1972, tại Hà Nội (Việt Nam), Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam và Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã tiến hành hội đàm. Tham dự hội đàm, phía Việt Nam có đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương; các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị: Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Duy Trinh; đồng chí Nguyễn Trọng Vĩnh, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương. Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân cách mạng Lào có đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương; các Uỷ viên Bộ Chính trị: Xuphanuvông, Nủhắc Phumxavẳn, Phumi Vôngvichít.

 

Mở đầu hội đàm, đồng chí Lê Đức Thọ thông báo về tình hình, kết quả cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ ở Pari. Sau đó, đồng chí Cayxỏn Phômvihản thông báo một cách khái quát về diễn biến tình hình Lào trên các mặt chính trị, quân sự, kinh tế. Đồng chí nhấn mạnh: thế và lực về quân sự, chính trị của cách mạng Lào đã vững hơn trước, được dựa vào thế chung của cách mạng các nước Đông Dương, nhất là cách mạng miền Nam Việt Nam.

 

Phát biểu tại cuộc hội đàm, đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh: hoàn toàn nhất trí với đánh giá của đồng chí Cayxỏn Phômvihản, đặc biệt vấn đề cách mạng của hai nước Việt Nam và Lào là vấn đề mới, chưa từng có trong lịch sử. Việt Nam và Lào phải đi đến thống nhất đất nước. Ta phải giương cao ngọn cờ thống nhất; điều kiện thống nhất đã có, phải quyết tâm thực hiện. Muốn vậy, phải xây dựng kinh tế không để phụ thuộc vào nước ngoài và đi đến thống nhất thực sự...

 

Cuộc hội đàm kết thúc trong không khí đoàn kết đặc biệt giữa hai Đảng anh em cùng chiến đấu chung một chiến hào.

 

- Chấp hành Nghị quyết của Thường vụ Quân uỷ Trung ương (ngày 14 tháng 9 năm 1972) về giúp cách mạng Lào, ngày 11 tháng 10 năm 1972, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Quân khu Tây Bắc giúp Bắc Lào trong mùa khô 1972. Theo đó, Quân khu Tây Bắc có nhiệm vụ: tích cực phối hợp với quân đội cách mạng Lào đánh địch, giữ vùng giải phóng và cơ sở sau lưng địch. Đẩy mạnh công tác chuẩn bị, khi có thời cơ thuận lợi thì chuyển mạnh sang tiến công địch nhằm tiêu diệt và đánh rã quân địch, giải phóng Pa Kou, Pạc Sương, Pha Đâm, Pạc Lưng, tạo điều kiện cô lập Luổng Phạbang; áp sát ven đô, thành phố, diệt chỉ huy, sân bay, kho tàng, triệt tiếp tế, tranh thủ nhân dân. Cùng cách mạng Lào giành dân, giải phóng Viêng Phu Kha, Ta Phạ, có điều kiện phát triển về hướng Huội Xài, Nặm Du, tổ chức bảo vệ, giữ vững vùng giải phóng. Đẩy mạnh và mở rộng căn cứ Xaynhabuli, Luổng Phạbang.

 

Đây là nhiệm vụ hết sức to lớn và khẩn trương. Phải quán triệt phương châm: mạnh bạo, kiên quyết, linh hoạt và chắc thắng, đánh tập trung, tránh phân tán. Công tác chuẩn bị phải hoàn thành đúng thời gian, tuyệt đối giữ bí mật.

 

- Ngày 4 tháng 11 năm 1972, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 4 chấn chỉnh tác chiến ở Lào. Theo đó, Quân khu 4 cần nắm vững ý định mà Bộ giao cho Bộ Tư lệnh tiền phương của quân khu ở Lào là đánh địch, giải phóng Thà Khẹc trong tình huống ở Lào có giải pháp chính trị. Để thực hiện nhiệm vụ đó, yêu cầu hành động phải bất ngờ và nhanh chóng vào thời điểm rất sát ngày có giải pháp chính trị ở Lào. Vì nếu đánh sớm trước ngày có giải pháp chính trị, ta cũng không giữ được. Hiện tình hình đã thay đổi, khả năng đi đến một giải pháp chính trị vẫn còn, nhưng chưa rõ thời gian nào.

 

Sau khi nghiên cứu báo cáo (ngày 9 tháng 11 năm 1972) của Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu 4 ở Lào, Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu Bộ Tư lệnh Quân khu cần nghiên cứu gấp kế hoạch tác chiến và củng cố thông tin, quy định chế độ làm việc và báo cáo chặt chẽ, kịp thời, đề phòng lực lượng vào sâu sẽ gặp khó khăn về tiếp tế trong khi đường chưa thông; nếu địch phát hiện ta, chúng sẽ có kế hoạch đối phó; nếu lực lượng ta dàn mỏng quá thì việc tấn công không mạnh và giữ phía sau không chắc.

 

- Ngày 16 tháng 11 năm 1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã gửi điện khen ngợi cán bộ, chiến sĩ Đoàn 968. Bức điện nêu rõ: cán bộ, chiến sĩ Đoàn 968 đã vượt qua mọi khó khăn, đoàn kết và phối hợp tốt với nhân dân và lực lượng vũ trang Lào hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng thị xã Xalavăn, tạo điều kiện cho giải pháp chính trị về Lào.

 

- Trong năm 1972, quân và dân Lào đã đánh 403 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 6.678 tên địch, thu 2.017 khẩu súng các loại, phá huỷ 194 khẩu súng, 104 xe, 22 kho tàng, 11 cầu, bắn rơi và phá huỷ 20 máy bay.

 

Riêng quân tình nguyện Việt Nam trong năm 1972 đã đánh 420 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 18.497 tên địch, thu 2.427 khẩu súng các loại, 114 máy vô tuyến điện, phá huỷ 240 súng các cỡ, 45 xe, 16 kho, 21 cầu, bắn rơi 147 máy bay các loại.

 

Tổng số quân địch bị loại khỏi vòng chiến đấu trong năm 1972 là 25.155 tên, bao gồm các thành phần: quân đặc biệt: 14.804 tên; quân phái hữu: 6.335 tên; quân Thái Lan: 3.966 tên; quân Mỹ: 30 tên; quân Tưởng: 20 tên.

 

Về đơn vị: có 9 trung đoàn cơ động, 43 tiểu đoàn (trong đó có 19 tiểu đoàn quân Thái Lan) bị đánh thiệt hại nặng, không còn sức chiến đấu.

 

Năm 1973

- Nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, tháng 1 năm 1973, tại Hà Nội (Việt Nam), Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã tiến hành hội đàm. Tham dự hội đàm, Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam gồm các đồng chí: Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất, trưởng đoàn; Võ Nguyên Giáp, Uỷ viên Bộ Chính trị; Lê Quang Đạo, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương. Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân cách mạng Lào do đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư làm trưởng đoàn, cùng các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị: Xuphanuvông, Nủhắc Phumxavẳn, Khăm Tày Xiphănđon, Phun Xipaxợt.

 

Mở đầu hội đàm, đồng chí Lê Duẩn thông báo: Việt Nam và Mỹ sắp ký kết các hiệp định mà hai bên đã thoả thuận (ngày 23 tháng 1 năm 1973 hai cố vấn sẽ ký kết và ngày 27 tháng 1 năm 1973, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước sẽ ký chính thức). Ngoài các hiệp định chính thức, còn có các nghị định thư về đình chỉ chiến sự, trao đổi tù binh, uỷ ban quốc tế, bồi thường chiến tranh... Tóm lại, Mỹ phải rút hoàn toàn quân đội và cố vấn quân sự, xoá bỏ các căn cứ quân sự. Đó là một thắng lợi rất to lớn và quan trọng. Đồng chí Lê Duẩn phân tích nguyên nhân thắng lợi: Việt Nam có đường lối quốc tế đúng đắn, tranh thủ được sự đồng tình, đoàn kết quốc tế cao nhất. Việt Nam có đường lối độc lập, tự mình giải quyết công việc của mình. Biết đúc kết kinh nghiệm của quá trình cách mạng...

 

Về diễn biến tình hình sắp tới, đồng chí Lê Duẩn nêu ra hai khả năng: đấu tranh chính trị cho đến thắng lợi cuối cùng hoặc phải đấu tranh quân sự trở lại. Dù đấu tranh chính trị hay quân sự đều có thể diễn ra dưới nhiều hình thức phức tạp. Ta có lực lượng quân sự, lực lượng quần chúng mạnh, có thể buộc địch phải thi hành đúng những điều đã ký kết. Song cũng có thể do quần chúng đấu tranh mạnh, chúng sợ mất hết, buộc phải dùng lực lượng quân sự, ta cũng phải dùng lực lượng quân sự để đối phó lại.

 

Về quan điểm của Đảng Lao động Việt Nam, đồng chí Lê Duẩn nêu rõ: buộc Mỹ phải rút, làm tương quan lực lượng thay đổi thuận lợi. Phải giương cao ngọn cờ hoà bình, độc lập, dân chủ để tập hợp quần chúng. Đối với vùng địch còn tạm kiểm soát, phải đấu tranh để thi hành các quyền tự do, dân chủ. Phải xây dựng lực lượng mọi mặt vững mạnh. Về việc đàm phán với Mỹ, đồng chí Lê Duẩn vạch rõ là phải phân tích kỹ tương quan lực lượng giữa ta và địch, ở mức độ nào thì có thể thoả hiệp được. Đây là vấn đề khó. Trong tình hình thế giới hiện nay, càng cần thấy rõ thắng lợi đến mức nào là vừa.

 

Về tình hình Lào, đồng chí nêu lên một số ý kiến. Các vấn đề cơ bản giữa Lào và Việt Nam đều giống nhau. Tuy nhiên, Lào có một số mặt khác Việt Nam như: ở Lào, Phuma và bọn phản động muốn hoà bình, còn bọn Thiệu thì lại không muốn. Lào có vùng giải phóng rộng lớn, có tiền lệ là đã thành lập Chính phủ liên hiệp từ năm 1957 trong khi miền Nam Việt Nam chưa có. Với những đặc điểm trên, ta phải tranh thủ hoà bình, giữ cho được hoà bình lâu dài. Có hoà bình, ta sẽ tranh thủ được nhân dân. Hoà bình là ta mạnh, địch yếu. Ta không tấn công quân sự, nhưng cũng không cho địch tấn công ta bằng quân sự.

 

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản hoàn toàn nhất trí với đánh giá của đồng chí Lê Duẩn, đặc biệt là về vấn đề cách mạng Lào. Sau đó, đồng chí Cayxỏn Phômvihản và đồng chí Võ Nguyên Giáp trao đổi về tình hình quân sự và bàn về giải pháp quân sự trong thời gian tới ở Lào.

 

- Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký tắt ngày 23 tháng 1 năm 1973 giữa đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Mỹ, và ký chính thức ngày 27 tháng 1 năm 1973 giữa bốn bộ trưởng, đại diện các chính phủ tham dự hội nghị (Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Mỹ, Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Việt Nam cộng hoà) tại Trung tâm hội nghị quốc tế Clêbe (Pari, Pháp). Hiệp định bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày ký chính thức.

 

Nội dung Hiệp định ghi rõ:

 

- Mỹ và các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

 

- Mỹ rút hết quân viễn chinh và quân các nước thân Mỹ, phá hết các căn cứ quân sự Mỹ, cam kết không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam.

 

- Các bên để nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của họ thông qua tổng tuyển cử tự do.

 

- Các bên công nhận thực tế miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị.

 

- Các bên ngừng bắn tại chỗ, trao trả cho nhau tù binh và dân thường bị bắt...

 

Hiệp định Pari về Việt Nam là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân và dân Việt Nam ở cả hai miền đất nước, tạo ra bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.

 

- Trước những thắng lợi liên tiếp của các lực lượng cách mạng Lào, đặc biệt là thắng lợi ở Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, Áttapư, Xalavăn, cao nguyên Bôlavên, đường 9, Mỹ và tay sai ở Lào buộc phải chấp nhận đàm phán với lực lượng cách mạng Lào. Cuộc thương lượng ở Viêng Chăn bắt đầu từ tháng 10 năm 1972, giữa một bên là Đoàn đại biểu các lực lượng yêu nước Lào, thay mặt cho Mặt trận Neo Lào Hắc Xạt và một bên là đại biểu Chính phủ Viêng Chăn.

 

Qua năm tháng đàm phán, do lực lượng yêu nước có lập trường đúng đắn, thái độ kiên trì, thiện chí và đã cố gắng hết sức để giải quyết hoà bình về vấn đề Lào, ngày 21 tháng 2 năm 1973, tại Viêng Chăn, hai bên đã ký kết Hiệp định về lập lại hoà bình, thực hiện hoà hợp dân tộc ở Lào, gọi tắt là Hiệp định Viêng Chăn 1973.

 

Hiệp định thừa nhận những quyền cơ bản của nhân dân Lào là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự quyết; chấm dứt mọi hành động quân sự và xâm lược của Mỹ và Thái Lan ở Lào; rút hết quân Mỹ và quân Thái Lan ra khỏi Lào. Hiệp định quy định việc thực hiện hoà hợp dân tộc, thi hành các quyền tự do, dân chủ, tổ chức tổng tuyển cử tự do và dân chủ, bầu ra Quốc hội và Chính phủ liên hiệp ở Lào.

 

- Với đường lối đúng đắn, được sự giúp đỡ tận tình của nhân dân Đông Dương, phe xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ trên thế giới, nhân dân Lào đã giành được thắng lợi to lớn, ký kết được hiệp định ngừng bắn, lập lại hòa bình trên toàn nước Lào. Về quân sự, Mỹ buộc phải chấm dứt dính líu, buộc phải rút quân, buộc phái hữu phải giải tán các lực lượng do nước ngoài tổ chức và chỉ huy. Về chính trị, buộc phái hữu phải công nhận vùng kiểm soát của lực lượng yêu nước, phải thành lập Chính phủ liên hiệp và Hội đồng chính trị hiệp thương trước thời hạn các lực lượng nước ngoài rút ra khỏi Lào. Tổ chức tổng tuyển cử bầu ra Chính phủ liên hiệp, chính thức trung lập hóa hai thành phố Luổng Phạbang và Viêng Chăn.

 

Chủ trương của Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào: đoàn kết toàn dân, giương cao ngọn cờ hòa bình, hòa hợp dân tộc, đấu tranh thực hiện các điều khoản của Hiệp định, ra sức củng cố, xây dựng vùng giải phóng vững mạnh toàn diện, phát triển lực lượng chính trị, nhất là trong vùng tạm chiếm. Nâng cao chất lượng chiến đấu của lực lượng vũ trang, kiên quyết giữ vững vùng giải phóng, làm hậu thuẫn cho đấu tranh chính trị. Đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, đấu tranh chính trị và công tác binh vận.

 

Phương châm và phương thức tác chiến: tôn trọng Hiệp định, không chủ động tiến công. Kiên quyết tiêu diệt địch khi chúng xâm phạm vùng giải phóng. Phương thức tác chiến bảo vệ khu vực, dùng áp lực quân sự kết hợp đấu tranh chính trị.

 

Đối với chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam: tôn trọng Hiệp định, giúp Lào xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố vùng giải phóng, chuẩn bị chiến trường đề phòng chiến tranh. Về quân tình nguyện Việt Nam, bố trí có trọng điểm, Lào ở phía trước, Việt Nam ở phía sau; khu vực trọng yếu như Pạc Xoòng và Cánh đồng Chum thì bố trí xen kẽ. Chuyên gia bố trí tới cấp trung đoàn và tỉnh.

 

Về trao trả tù binh: tù binh Mỹ trao trả tại Sân bay Gia Lâm. Ngụy miền Nam Việt Nam và Thái Lan trao trả tại Cánh đồng Chum. Hai bên của Lào trao trả tại ba địa điểm: đông bắc Luổng Phạbang, Xála Phukhun và Khôngxêđôn.

 

Tuy cuộc đấu tranh của nhân dân Lào còn lâu dài, gian khổ nhưng Hiệp định về lập lại hoà bình, thực hiện hoà hợp dân tộc ở Lào (Hiệp định Viêng Chăn 1973) là thắng lợi to lớn toàn diện, tạo thời cơ mới cho cách mạng Lào.

 

- Ngày 2 tháng 3 năm 1973, Quân ủy Trung ương (Việt Nam) đã họp bàn biện pháp giúp cách mạng Lào sau khi hai bên ở Lào ký Hiệp định Viêng Chăn. Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Đôn báo cáo tình hình công tác giúp Lào thời gian qua, dự thảo phương hướng giúp Lào trong thời gian tới và nghe đồng chí Huỳnh Đắc Hương báo cáo những chủ trương, phương hướng, nhiệm vụ của cách mạng Lào trong tình hình mới, Quân ủy Trung ương đã bàn bạc và đi đến quyết nghị: Hiệp định Viêng Chăn là kết quả của cuộc đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ, nhưng vô cùng vẻ vang của nhân dân các bộ tộc Lào chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, mở ra một thời kỳ mới rất thuận lợi để tiếp tục đưa cách mạng tiến lên bằng phương thức đấu tranh mới.

 

Mặc dù đạt được những thành tích to lớn, cách mạng Lào vẫn còn những nhược điểm lớn như: cơ sở trong vùng địch tạm kiểm soát còn yếu; lực lượng vũ trang tuy có tiến bộ nhưng chưa đều và còn thấp so với yêu cầu cách mạng, vùng giải phóng rộng lớn chưa được củng cố vững chắc.

 

Mỹ tuy thất bại nhưng chúng chưa từ bỏ âm mưu, tiếp tục chính sách thực dân mới bằng cách củng cố bọn tay sai và sẽ chống phá cách mạng trên nhiều lĩnh vực. Phải đề phòng cả Mỹ và các đội quân khác xâm lược Lào. Khả năng sắp tới là địch sẽ phá hoại Hiệp định ở những nơi lực lượng cách mạng yếu. Khi lực lượng Việt Nam rút đi, chúng sẽ phá hoại trắng trợn hơn bằng các thủ đoạn tiến công vùng có vị trí quan trọng; đẩy mạnh chiến tranh tâm lý; ngăn chặn sự chi viện tiếp tế của Việt Nam cho cách mạng Lào, nhất là ở Nam Lào, vì ở đây lực lượng cách mạng Lào còn yếu.

 

Phương hướng giúp cách mạng của Việt Nam trong thời gian tới: Đoàn 959 nghiên cứu trình Trung ương kế hoạch giúp Lào một cách cụ thể. Trước mắt, Quân ủy chủ trương giúp cách mạng Lào bảo vệ vững chắc vùng giải phóng; xây dựng lực lượng vũ trang mạnh về mọi mặt, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

 

Về nguyên tắc sử dụng bộ đội tình nguyện và chuyên gia: bộ đội tình nguyện có nhiệm vụ cùng cách mạng Lào bảo vệ vững chắc vùng giải phóng, bảo vệ thành quả cách mạng. Giúp cách mạng Lào xây dựng lực lượng vũ trang, sẵn sàng chiến đấu. Tham gia xây dựng vùng giải phóng, xây dựng đơn vị, nâng cao khả năng tác chiến, chuẩn bị chiến trường và sẵn sàng chiến đấu. Nguyên tắc bố trí và sử dụng lực lượng: bố trí có trọng điểm, Lào ở phía trước, Việt Nam phía sau. Ở những vùng trọng điểm, lực lượng cách mạng Lào yếu thì tuyến trực tiếp do Lào phụ trách nhưng có thể bố trí lực lượng Việt Nam xen kẽ ở tuyến giữa, tuyến sau bố trí lực lượng cơ động Việt Nam. Bố trí quân tình nguyện Việt Nam phải bảo đảm giữ được bí mật, ngụy trang dưới hình thức thích hợp. Có kế hoạch nghi binh, tích cực chống chiến tranh tâm lý, gián điệp. Lực lượng tình nguyện tham gia xây dựng vùng giải phóng chủ yếu là làm đường sá, sân bay, xây dựng cơ sở hậu cần và nông trường.

 

Về nguyên tắc đối với chuyên gia và đội công tác Việt Nam: chỉ bố trí chuyên gia ở cấp trung đoàn, tỉnh đội, quân khu và cơ quan chỉ huy tối cao của cách mạng Lào, còn cấp tiểu đoàn thì chỉ bố trí ở những nơi thật cần thiết. Rút chuyên gia ở vùng địch hậu, chỉ để lại những đồng chí thật cần thiết và có đủ điều kiện (quen địa phương, thạo ngôn ngữ, phong tục và có thể mang quốc tịch Lào). Phương hướng: công khai rút chuyên gia và quân tình nguyện.

 

Sự chỉ đạo giúp đỡ của Việt Nam theo nguyên tắc: giúp theo yêu cầu của cách mạng Lào nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm.

 

- Trước yêu cầu của cách mạng Lào trong tình hình mới, tháng 4 năm 1973, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào gửi điện tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam yêu cầu sự giúp đỡ của Việt Nam. Sau khi bày tỏ lời cảm ơn trước sự giúp đỡ vô tư, không điều kiện của Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với cách mạng Lào, bức điện yêu cầu Việt Nam tiếp tục hỗ trợ Lào trong năm 1973, cụ thể là: tiếp tục cử chuyên gia giúp các ngành hành chính sự nghiệp, kinh tế, văn hoá và các ngành khác theo yêu cầu đã đề ra. Giúp cơ quan đại diện Neo Lào Hắc Xạt tại Hà Nội về mặt vật chất, tinh thần và kinh nghiệm để cơ quan hoạt động được tốt. Tiếp tục giúp tiếp nhận, bảo quản, đóng gói và vận chuyển các thiết bị, vật tư hàng hoá của các nước anh em gửi giúp Lào và vận chuyển hàng hoá của Lào trao đổi với các nước khác. Tiếp tục giúp tiếp nhận đào tạo học sinh, thực tập sinh và nghiên cứu sinh Lào; tiếp nhận một số vật tư, thiết bị lương thực, thực phẩm; xây dựng một số cơ sở kinh tế, văn hoá trong vùng giải phóng, xây dựng một số sân bay ở Thà Khổng, Xalavăn, Mương Mày, và xây dựng hai thị trấn Sầm Nưa và Na Kay; khai thác mỏ mănggan ở Na Kay và xây dựng một số cơ sở chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gà, lợn.

 

- Thực hiện chủ trương giúp cách mạng Lào trong tình hình mới, đến ngày 4 tháng 4 năm 1973, lực lượng công binh Việt Nam đã sửa chữa phục hồi năm sân bay giúp Lào, trong đó có ba sân bay loại vừa có thể sử dụng cả ngày và đêm, hai sân bay nhỏ chỉ sử dụng ban ngày. Đề nghị sân bay loại vừa biên chế 73 người, trong đó có 66 nhân viên chuyên môn kỹ thuật. Sân bay nhỏ biên chế 53 người, trong đó có 42 nhân viên kỹ thuật. Tổng quân số cho năm sân bay là 303 người. Trang bị: thông tin, xăng dầu, máy phát điện, các loại xe, công binh. Trước mắt sử dụng ba tổ (60 đồng chí) phụ trách ba sân bay: Sầm Nưa, Cánh đồng Chum và Hạ Lào. Sân bay phản lực cho 12 máy bay chiến đấu. Ta cử sang ba tổ lái AN2 và số nhân viên cần thiết bảo đảm cho sân bay hoạt động.

 

- Nhằm đáp ứng yêu cầu trước tình hình mới ở Lào, ngày 10 tháng 4 năm 1973, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã chỉ thị cho Mặt trận 316. Nội dung chỉ thị nêu lên năm thắng lợi to lớn của cách mạng Lào, trong đó có việc đế quốc Mỹ và tay sai phải ký Hiệp định về lập lại hoà bình ở Lào. Chỉ thị cũng chỉ ra một số tồn tại của cách mạng Lào cần được khắc phục, đó là: cơ sở chính trị yếu, lực lượng vũ trang chất lượng chưa cao (quá yếu), chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của cách mạng. Chỉ thị cũng nhận định về âm mưu của Mỹ trong thời gian tới ở Lào và đề ra phương hướng giúp Lào: để lại lực lượng khoảng 6.500 người, tổ chức thành 2 trung đoàn bộ binh, một tiểu đoàn pháo binh, một tiểu đoàn cao xạ, một tiểu đoàn xe tăng. Địa bàn phải giữ là Cánh đồng Chum và các khu trọng điểm, làm hậu thuẫn cho Lào giành thắng lợi. Nhiệm vụ: tôn trọng Hiệp định, xây dựng đơn vị, không ngừng nâng cao khả năng chiến đấu; giúp cách mạng Lào xây dựng Quân giải phóng nhân dân Lào; tham gia xây dựng vùng giải phóng; chuẩn bị chiến trường, đề cao cảnh giác. Nguyên tắc bố trí lực lượng: tuyến trung gian bàn giao cho Lào. Việt Nam giữ Phu San Luông, Phu Hủa Xàng, Bạn Phôn, Phu Sao và đường vận chuyển. Rút quân có kế hoạch và theo sự chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu.

 

- Nhằm tăng cường hơn nữa công tác giúp Lào, ngày 30 tháng 5 năm 1973, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam giao Quân chủng Phòng không - Không quân nhiệm vụ: tổ chức một đội chuyên gia hàng không sang Lào giúp cách mạng Lào tiếp nhận sân bay Na Kay, kể cả Sầm Nưa; tổ chức chỉ huy một số máy bay cánh quạt hạ, cất cánh chở cán bộ Lào đi Viêng Chăn. Đội chuyên gia gồm khoảng 35 người, trong đó có hai tổ lái AN2 và năm thợ máy, trang bị 2 máy bay AN2, các phương tiện thông tin chỉ huy, dẫn đường, đo đạc khí tượng và tiếp xăng dầu cho máy bay. Đội chuyên gia hưởng chế độ đi C. Bộ Tư lệnh 959 đảm bảo các mặt. Quân chủng Phòng không - Không quân chịu trách nhiệm chỉ đạo nghiệp vụ và xây dựng lâu dài.

 

- Nhằm đáp ứng yêu cầu cách mạng trước tình hình đang biến chuyển mau lẹ, tháng 6 năm 1973, Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã tổ chức Hội nghị tổ chức toàn quốc lần thứ ba. Hội nghị đã kiểm điểm công tác xây dựng đảng và đào tạo cán bộ trong ba năm qua, đồng thời xác định phương hướng công tác xây dựng đảng, đào tạo cán bộ cho những năm tới.

 

Về công tác xây dựng đảng và đào tạo cán bộ trong ba năm qua, Hội nghị nhận định: các tổ chức đảng và cán bộ đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, góp phần có tính quyết định vào việc đánh thắng giặc Mỹ và tay sai. Đội ngũ cán bộ tuy chưa đầy đủ nhưng đã có những bước tiến mới. Cán bộ đã có nhiều loại, nhiều dân tộc và nhiều lứa tuổi; hầu hết đều hăng hái đảm đương nhiệm vụ tuỳ theo khả năng và chức năng của mình.

 

Bên cạnh mặt ưu điểm, Hội nghị cũng nêu ra một số tồn tại như: cơ sở đảng trong vùng địch còn quá yếu. Cơ sở đảng trong vùng giải phóng mới có khoảng 40% nhưng đã phát huy được tinh thần tập thể lãnh đạo. Trình độ về mọi mặt trong đảng viên còn thấp, số đảng viên mù chữ còn chiếm 35%. Các cấp uỷ đảng nói chung còn yếu, nhất là cấp huyện uỷ ở cả vùng giải phóng cũng như vùng địch vận.

 

Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ, phương hướng của công tác tổ chức cán bộ trong ba năm tới: nắm vững nội dung Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, phát huy những kinh nghiệm đã tổng hợp, phát động toàn Đảng tích cực, chủ động đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng cán bộ cho thật vững mạnh trong tình hình mới, làm cho toàn Đảng vững về chính trị, mạnh về tổ chức và nhất trí với những đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng.

 

Để thực hiện được nhiệm vụ chung nói trên, Hội nghị vạch ra một số công tác cụ thể: ra sức củng cố và phát triển Đảng trong vùng giải phóng, chú ý đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc, cán bộ nữ, cán bộ thuộc lớp trí thức cách mạng. Về công tác chính trị, tư tưởng và tổ chức, Hội nghị đề ra yêu cầu: xác định niềm tin vững chắc vào thắng lợi của cách mạng, toàn Đảng phải thống nhất cao về mục tiêu cách mạng hiện nay, phải tăng cường tình đoàn kết Lào - Việt Nam, không được thoả mãn với thắng lợi. Chống mọi biểu hiện mệt mỏi, nghỉ ngơi, cầu an, thiếu cảnh giác, tự do cá nhân, không tôn trọng tổ chức kỷ luật. Phải nâng cao chất lượng chi bộ “bốn biết”, khẩn trương xây dựng cho được chi bộ ở các xã, bản còn trắng từ 70 đến 75%. Đặc biệt chú ý các địa bàn chiến lược quan trọng.

 

Ngoài ra, Hội nghị còn bàn và thông qua phương hướng, chỉ tiêu đào tạo các loại cán bộ, nội dung chính sách cán bộ và công tác đào tạo, xây dựng cán bộ trong vùng sau lưng địch.

 

- Ngày 6 tháng 6 năm 1973, Ban Công tác miền Tây báo cáo tình hình Hạ Lào từ khi có Hiệp định Viêng Chăn. Theo báo cáo, mặc dù thất bại ở chiến trường miền Nam Việt Nam và Lào, buộc phải rút quân nhưng với bản chất ngoan cố, Mỹ vẫn duy trì lực lượng quân ngụy mạnh để tiếp tục thực hiện mưu đồ chủ nghĩa thực dân mới của chúng ở Lào bằng phương thức và thủ đoạn mới. Chúng tung tin làm đảo chính lật đổ chính quyền Phuma, tăng cường máy bay trinh sát (50-80 lần chiếc/ngày), tung biệt kích vào vùng giải phóng, sử dụng không quân đánh phá, xây dựng các cụm phỉ và bí mật duy trì quân Thái Lan ở Lào, bàn giao căn cứ và lực lượng đặc biệt cho chính quyền Viêng Chăn. Chúng đấu tranh quyết liệt với Neo Lào Hắc Xạt trên bàn hội nghị, lẩn tránh không bàn vấn đề ngừng bắn thực sự và đẩy mạnh chiến tranh tâm lý, vu khống Việt Nam xâm lược, chia rẽ Lào - Việt Nam, nói xấu lãnh tụ, gây nghi ngờ.

 

Hoạt động của cách mạng Lào là vạch rõ kế hoạch đấu tranh, triển khai công tác trước mắt, tích cực đối phó với âm mưu của địch. Vấn đề đàm phán vẫn ở thế giằng co, phía cách mạng Lào vẫn giữ vững lập trường và tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân và các đoàn ngoại giao ở Viêng Chăn. Nhìn chung, tuy có giành thắng lợi, nhưng Lào cũng gặp một số khó khăn: đa số nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lo ngại chiến tranh tái diễn, lực lượng Việt Nam rút, Pathết Lào không đủ sức duy trì thành quả cách mạng. Tư tưởng muốn nghỉ ngơi xuất hiện trong cán bộ, đảng viên. Đời sống nhân dân trong vùng giải phóng còn gặp nhiều khó khăn, hiện đang xảy ra nạn đói nghiêm trọng do thiên tai, địch họa; nhiều nơi khan hiếm muối và vải, việc tiếp tế vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn. Khó khăn lớn nhất là đội ngũ cán bộ vốn rất thiếu và yếu, ngày càng bất cập so với yêu cầu của cuộc đấu tranh trong giai đoạn mới.

 

Công tác giúp cách mạng Lào của Việt Nam là giúp đấu tranh trên bàn đàm phán nhằm hoàn chỉnh nghị định thư; bồi dưỡng cán bộ để đưa xuống địa phương phổ biến thắng lợi của Hiệp định Viêng Chăn về Lào, Hiệp định Pari về Việt Nam. Giúp cách mạng Lào tiếp tục phát triển kinh tế, văn hóa theo kế hoạch, giúp đào tạo cán bộ.

 

- Theo chỉ thị của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, việc giúp Lào về kinh tế, văn hóa trong tình hình mới phải được tăng cường về các mặt: phương pháp, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa; nghiên cứu chính sách, tổ chức, quản lý kinh tế; viện trợ vật chất kỹ thuật, xây dựng vùng giải phóng; hợp tác kinh tế...

 

Để công tác giúp Lào đạt kết quả tốt trong tình hình mới, ngày 19 tháng 6 năm 1973, Ban Công tác miền Tây đã kiến nghị với Trung ương Việt Nam như sau:

 

Đề nghị Ủy ban liên lạc kinh tế đối ngoại có nhiệm vụ nghiên cứu kế hoạch viện trợ, chỉ đạo thực hiện kế hoạch hợp tác với Lào, hàng hóa quá cảnh Việt Nam, cán bộ công nhân Lào qua lại trên đất Việt Nam và khách nước ngoài đi qua Việt Nam vào Lào, theo dõi nắm chuyên gia kinh tế. Đoàn chuyên gia kinh tế ở Lào là cơ quan đại diện kinh tế của Việt Nam, có nhiệm vụ giúp Lào đề ra phương hướng tổ chức thực hiện, lập kế hoạch kinh tế, văn hóa, viện trợ, chính sách, chế độ quản lý kinh tế, quản lý thực hiện các hiệp định viện trợ và hợp tác với Lào...

 

Ngoài ra, kiến nghị còn chỉ ra nhiệm vụ của một số ngành ở các tỉnh liên quan đến giúp Lào và đề xuất cơ cấu tổ chức của Ủy ban liên lạc kinh tế đối ngoại.

 

- Theo báo cáo của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 8 tháng 8 năm 1973, trong các ngày từ 30 tháng 7 đến 4 tháng 8 năm 1973, đồng chí Phumi Vôngvichít (phía Pathết Lào) đã gặp Feng và Ngôn (phía Viêng Chăn) để xem xét một số vấn điểm còn chưa thống nhất của Nghị định thư:

 

1. Thời hạn tồn tại của Chính phủ liên hiệp và Hội đồng hiệp thương.

 

2. Phía Viêng Chăn đòi bỏ sáu chữ “dân chủ, thống nhất, thịnh vượng”.

 

3. Đòi dân được tự do di cư, được lựa chọn vùng định cư.

 

4. Lực lượng vũ trang của chính quyền Viêng Chăn ở hai thành phố (Luổng Phạbang và Viêng Chăn) sẽ rút dần dần.

 

5. Không giải tán lực lượng đặc biệt.

 

6. Cắm thêm 29 mốc, như vậy tổng cộng là 53 mốc ngừng bắn.

 

Sau đó, hai bên đã tổ chức họp báo... Tại cuộc họp ngày 4 tháng 8, đồng chí Phumi Vôngvichít đã chất vấn Phuma về việc trì hoãn ký Nghị định thư và nhắc lại nguyên tắc, nội dung cơ bản mà hai bên đã thống nhất. Phía Phuma đồng ý nhưng cố nài phía Pathết Lào nhân nhượng.

 

Cơ quan nghiên cứu nhận định: Phuma đồng ý ký Nghị định thư, nhưng phái hữu chưa chịu, muốn kéo dài. Về điều kiện pháp lý để bảo đảm triển khai lực lượng sau khi ký Nghị định thư, phía Pathết Lào chưa nêu ra thảo luận với phía Viêng Chăn. Các vấn đề chưa thống nhất của Nghị định thư có khả năng giải quyết được.

 

- Ngày 13 tháng 8 năm 1973, tại Hà Nội (Việt Nam), Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam và Tổng cục Hậu cần Quân giải phóng nhân dân Lào đã tiến hành hội đàm. Tham gia hội đàm, phía Việt Nam gồm các đồng chí: Lương Nhân, Phó Chủ nhiệm Tổng cục; Đàm Thành, Tham mưu phó Tổng cục; Võ Văn Vịnh, Cục trưởng Cục Quân y; Lê Tiến Thịnh, Cục trưởng Cục Quân nhu; Nguyễn Văn Trường, Cục phó Cục Kiến thiết cơ bản; ngoài ra, còn có Đại tá Đoàn Thế Hùng, Cục Tác chiến. Phía Lào có các đồng chí: Thạo Mừn, Chủ nhiệm Tổng cục; Bun Nhưn, đại diện Phòng 98. Đoàn chuyên gia 959 có các đồng chí Lê Xuân Thương, chuyên gia hậu cần; Quách Cường Khang, phái viên; Trần Văn Chinh, phiên dịch.

 

Hai bên đã thảo luận và đi đến thống nhất kế hoạch bảo đảm cho lực lượng cách mạng ở hai thành phố Luổng Phạbang và Viêng Chăn, thống nhất số lượng vật chất, kế hoạch đảm bảo, phân công trách nhiệm của mỗi bên trong thực hiện kế hoạch.

 

Cuộc hội đàm đã đạt được những yêu cầu mà hai Quân uỷ đặt ra, thống nhất được tư tưởng, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mà hai Quân uỷ đã xác định.

 

- Trước đòi hỏi của tình hình mới, ngày 20 tháng 8 năm 1973, Quân khu Tây Bắc (Việt Nam) đã triển khai kế hoạch giúp năm tỉnh Bắc Lào trong hai năm 1973-1974. Sau khi nhận định tình hình địch - ta, căn cứ vào phương hướng đấu tranh trong thời gian tới và tình hình lực lượng cách mạng trên địa bàn Bắc Lào, Quân khu đã xác định phương hướng giúp các tỉnh Bắc Lào trong hai năm 1973-1974, cụ thể là: liên minh chặt chẽ với lực lượng cách mạng Lào, sẵn sàng chiến đấu cao, kịp thời giải quyết các tình huống, giữ vững vùng giải phóng năm tỉnh Bắc Lào; cùng cách mạng Lào củng cố vùng giải phóng, nhất là vùng xung yếu, giúp Lào xây dựng lực lượng vũ trang, đồng thời chuẩn bị chiến trường, đề phòng chiến tranh.

 

Phương châm giúp các tỉnh Bắc Lào: tôn trọng Hiệp định Viêng Chăn, không chủ động tiến công địch, nhưng nếu địch vi phạm thì kiên quyết đánh trả. Dùng chốt và cụm chốt, kết hợp với lực lượng cơ động, khi địch nống ra thì bộ đội địa phương chặn địch trước, chủ lực cơ động đến sau. Quân khu còn giao nhiệm vụ cho các đơn vị đảm nhiệm các vị trí ở Lào, giúp Lào về chính trị, sẵn sàng chiến đấu, củng cố vùng giải phóng, huấn luyện lực lượng vũ trang, kiện toàn cơ quan các tỉnh.

 

- Ngày 25 tháng 8 năm 1973, tại Hà Nội (Việt Nam), Bộ Tổng Tham mưu và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức hội nghị tổng kết kinh nghiệm về công tác chuyên gia quân sự giúp Lào. Mục đích của hội nghị là nhằm tổng kết kinh nghiệm giúp cách mạng Lào, kịp thời phổ biến cho các lực lượng Việt Nam thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.

 

Thành phần hội nghị bao gồm cơ quan Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh quân khu, Bộ Chỉ huy tỉnh và đại biểu chuyên gia giúp Lào, đại biểu sư đoàn, trung đoàn độc lập quân tình nguyện, đại biểu các đoàn 26, 28, 51, 63, đại biểu cơ quan Quân khu Tây Bắc, Quân khu 4 và Đoàn 559, đại biểu các quân, binh chủng, cơ quan Tổng cục Hậu cần, Kỹ thuật và Bộ Tổng Tham mưu; tổng số có 170 người tham gia. Hội nghị đã nghe một số báo cáo đại diện của các ngành, đơn vị công tác ở Lào; thảo luận và rút ra một số kinh nghiệm trong từng mặt công tác. Những kinh nghiệm đó có tác dụng thiết thực đối với việc chỉ đạo và hoạt động của các lực lượng Việt Nam giúp Lào trong thời gian tới.

 

(còn tiếp)


 

Nguồn: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930-2007), Biên niên sự kiện, tập 1 (1930-1975), Nxb. CTQG, H, 2011.