“Tôi đã òa khóc vì hai chữ tự do”

08:51, 01/09/2012

Bà Nông Thị Cầm, tên khai sinh là Nông Thị Vèn, sinh năm 1930 tại làng Phật, xã Phú Thượng (Võ Nhai). Ngay từ khi Đội Thiếu niên nhi đồng cứu quốc Võ Nhai được thành lập ở xã Phú Thượng (cuối năm 1941), bà cùng hai đội viên khác đã tham gia. Với nhiệm vụ được giao làm liên lạc, tiếp tế lương thực cho các cán bộ của xứ ủy Bắc Kỳ và đội cứu quốc quân, bà cùng hai đội viên đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao...

Chúng tôi tìm vào tổ 13, phường Thịnh Đán, T.P Thái Nguyên thăm bà Nông Thị Cầm. Qua năm tháng, cô bé Đội trưởng Đội Thiếu niên nhi đồng cứu quốc huyện Võ Nhai trắng trẻo, nhỏ nhắn, thông minh, gan dạ ngày ấy giờ đã lên chức bà, chức cụ. Dù đã ngoài 80 tuổi, mái tóc bạc trắng, làn da đồi mồi nhưng dáng đi của bà vẫn nhanh nhẹn, trí óc minh mẫn và giọng nói thì vẫn sang sảng. Bà thường có thói quen dậy từ 5 giờ sáng, hãm một ấm trà xanh uống cho sảng khoái rồi đi bộ thể dục để rèn luyện sức khỏe.

 

Trò chuyện với chúng tôi, bà cười hồn hậu nói: Tôi đã được chứng kiến nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử nhưng mỗi khi nhắc đến ngày Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân và lễ mít tinh tại Sân vận động thị xã Thái Nguyên chiều 20-8-1945, tôi luôn cảm thấy tự hào vì mình đã được tham dự, có đóng góp công sức nhỏ bé vào đó. Tôi không thể nào quên niềm hạnh phúc hôm ấy, nó khiến người tôi run lên, tim đập rộn ràng như muốn nhảy tung ra khỏi lồng ngực. Và tôi đã òa khóc vì hai chữ tự do... 67 mùa thu qua tôi vẫn nhớ và thật hạnh phúc được cùng thế hệ cán bộ trẻ ôn lại những thời khắc lịch sử trước Cách mạng tháng Tám 1945

 

Nghe bà kể chuyện, chúng tôi như được sống lại những năm tháng hoạt động cách mạng sôi nổi của quân và dân ta. Những năm 40 của thế kỷ trước, làng Phật, xã Phú Thượng là nơi có phong trào cách mạng phát triển mạnh của Võ Nhai. Sinh ra trong một gia đình bần nông với 6 anh chị em, cuộc sống khổ cực, đói rét vì thóc lúa sản xuất ra bị cướp ngay trên đồng, cô bé Vèn đã sớm có lòng căm thù sâu sắc đối với thực dân Pháp và bọn cường hào phong kiến. Được người chú họ là ông Nông Văn Cún (lúc đó là cán bộ cách mạng) tuyên truyền, giác ngộ, cô bé đã tích cực tham gia hoạt động cho cách mạng.

 

Năm 1941, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ cùng một số cán bộ xứ ủy Bắc Kỳ ở nhà ông Nông Văn Kính, bà Lý Thị Péo (chú ruột của Vèn). Được ông Cún giới thiệu, lại thấy cô bé có khuôn mặt sáng sủa, nhanh nhẹn, các đồng chí đã bàn bạc và thống nhất giao cho cô nhiệm vụ tiếp tế lương thực cho cán bộ hoạt động bí mật và chuyển thư từ làng Phật xuống Đình Cả, lên địa phận Ngả Hai, thuộc Bắc Sơn (Lạng Sơn).

 

Cuối năm đó, các cán bộ đã quyết định thành lập Đội Thiếu niên nhi đồng cứu quốc Võ Nhai gồm 3 đội viên là Nông Thị Vèn, Phan Thị Hữu, Nông Thị Chắn trong độ tuổi từ 11 đến 12 và Vèn được giao làm đội trưởng. Năm ấy, thực dân Pháp đốt hết nhà cửa của người dân làng Cao Phật Lầm, dồn sang Nà Pheo thành trại để chúng dễ quản lý, không cho người dân tiếp xúc với cán bộ cách mạng. Lúc này, Vèn cùng hai đội viên đã nhiều lần mưu trí, dũng cảm vượt qua tầm kiểm soát của địch để hoàn thành nhiệm vụ tiếp tế lương thực và chuyển thư cho cán bộ cách mạng.

 

Năm 1944, thực dân Pháp khủng bố gắt gao, nhân dân ở Phú Thượng theo sự chỉ đạo của Trung ương thực hiện kế hoạch “vườn không nhà trống”, chuyển toàn bộ đồ đạc và lương thực lên hang Phượng Hoàng. Cuối năm ấy, thực dân Pháp đánh vào hang. Do lực lượng của ta mỏng, vũ khí thô sơ nên đành phải rút quân. Khi địch lùng sục, cô bé Vèn chui xuống một miệng hố sâu khoảng gần 1m trong hang, ngồi nín thở. Mồ hôi ướt đầm, tai ù đi nhưng Vèn vẫn gan dạ ngồi lặng im chờ bọn chúng bỏ đi. Mệt, đói, cô bé lả đi trong hố từ chiều hôm ấy đến tận sáng sớm hôm sau mới tỉnh. Đợi đến chiều tối, Vèn đã dũng cảm vượt qua trạm kiểm soát địch, băng qua cánh đồng vào rừng tìm gặp các cán bộ. Đến cửa rừng, cô bé gặp các cán bộ đang đi tìm mình và sau hai ngày đói, cô được ăn chút cơm nóng mà thấy đó là món ăn ngon nhất trần đời.

 

Đến tháng 10 năm 1944, cấp trên quyết định kết nạp Nông Thị Vèn vào Trung Đội cứu quốc quân II với tên gọi Nông Thị Sơn. Thời điểm này, thực dân Pháp điên cuồng tàn sát khủng bố lực lượng của ta hòng đè bẹp phong trào cách mạng. Trước tình hình này, Trung ương đã chỉ huy Trung Đội cứu quốc quân II di chuyển về khu rừng Hoàng Hoa Thám, huyện Yên Thế (Bắc Giang). Tháng 3 năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp, Đội nhận được lệnh chuyển về Võ Nhai để cùng nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền. Cô bé Sơn cùng các hội viên tích cực tham gia rải truyền đơn, vận động nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Khí thế cách mạng sôi sục khắp nơi. Tại đồn Đình Cả, ta đã vận động hàng trăm quân địch ra hàng. Sau đó, Nông Thị Sơn cùng một số hội viên Trung Đội cứu quốc quân II được phân công xuống giải phóng châu La Hiên, rồi vận động nhân dân ở các xã Minh Lập, Hóa Thượng (Đồng Hỷ)... nổi dậy, thu vũ khí quân giặc về giải phóng thị xã Thái Nguyên.

 

Sau cách mạng tháng Tám, bà được giao nhiệm vụ là thành viên của Tỉnh bộ Việt Minh, cùng đi vận động nhân dân tham gia “Tuần lễ vàng” quyên góp tài sản cho cách mạng. Năm 1946, bà vinh dự được kết nạp Đảng khi mới 16 tuổi và từ đây bà lấy tên là Nông Thị Cầm. Một năm sau, Tỉnh Hội Liên hiệp Phụ nữ cứu quốc được thành lập, bà được bầu vào Thường vụ Hội. Sau đó làm Bí thư Đảng Đoàn huyện Phú Lương, Võ Nhai. Năm 1954, bà công tác ở Ban Dân tộc Khu tự trị Việt Bắc, sau đó là Hội Nông dân cứu quốc của tỉnh, Ủy viên Ủy ban Công tác nông thôn, xây dựng phong trào HTX; rồi làm Ủy viên Hội đồng Nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Bắc Thái cho đến khi nghỉ hưu (1982).

 

Trong quá trình tham gia hoạt động cách mạng, bà Cầm đã được nhận Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Kỷ niệm chương và Bằng có công với nước do Chính phủ và Chủ tịch nước trao tặng. Nhưng điều vui nhất với bà là đã cống hiến hết mình cho cách mạng, cho dân tộc. Hiện 6 người con (2 trai, 4 gái) của bà đều thành đạt; 12 cháu nội, ngoại, chắt đều ngoan ngoãn, học giỏi... trong đó có 8 người là đảng viên…