Tự giác kiểm điểm và giám sát việc sửa chữa

09:54, 13/09/2012

Việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư TƯ Đảng nêu gương tự giác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" bước đầu đã khơi dậy sức chiến đấu mới trong Đảng và niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng.

Một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện các nghị quyết trước đây về xây dựng, chỉnh đốn Đảng không đạt yêu cầu là do trong chỉnh đốn Đảng, không ít cá nhân, nhất là người đứng đầu, chưa thật sự tự giác kiểm điểm, tô hồng thành tích, không ít người đã "khéo" biến thành tích của tập thể thành của cá nhân và biến khuyết điểm cá nhân thành của tập thể. Tự phê bình và phê bình chưa hiệu quả, chẳng những không phát huy được trí tuệ, tính chiến đấu của đảng viên mà còn sinh ra nhiều thói xấu như nịnh nọt, a dua, thậm chí tìm cách trấn áp những người thẳng thắn phê bình, đấu tranh với những sai trái của cán bộ lãnh đạo, của các cơ quan quản lý...

 

Liên hệ với tình hình hiện nay, thực trạng mà ai cũng biết là từ khi đi vào kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, bên cạnh những cái tốt đẹp thu hái được thì chủ nghĩa cá nhân cũng có nhiều điều kiện phát triển. Nhiều nghị quyết của TƯ đã chỉ ra các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, suy thoái (nhất là những đảng viên có chức vụ, quyền hành và các lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực) như lộng quyền, lạm quyền, lợi ích nhóm, cục bộ địa phương... dẫn đến vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật, tham nhũng, lãng phí, làm sai chính sách, sống sa đọa…

 

Việc tự giác kiểm điểm của cá nhân có ý nghĩa đột phá để mỗi người trong cấp ủy có cơ sở đánh giá đúng mới có thể đề ra các biện pháp sửa chữa khắc phục. Nếu không có sự tự giác kiểm điểm của cá nhân gắn liền trách nhiệm thực hiện chức trách thì tự phê bình và phê bình sẽ không đạt được kết quả. Đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình thực hiện Nghị quyết TƯ 4 tập trung vào nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà trọng tâm là chống "suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc". Kiểm điểm cá nhân cần đi sâu vào từng nội dung mà nghị quyết nêu, gắn với nhiệm vụ của mỗi người và các vấn đề được phân công, phụ trách. Kiểm điểm, tự phê bình và phê bình mà không chỉ ra được những yếu kém, khuyết điểm trong những vụ việc, những vấn đề nổi cộm ở địa bàn, lĩnh vực, địa phương, đơn vị mà từng cá nhân chịu trách nhiệm điều hành, quản lý, lãnh đạo thì không đạt yêu cầu, thậm chí còn có tác dụng ngược, tiếp tục làm suy giảm niềm tin đối với Đảng.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ rằng, dân chủ là chìa khóa vạn năng để có thể giải quyết mọi khó khăn và Người còn căn dặn trong Di chúc, trong Đảng cần phải thực hành dân chủ rộng rãi và thật thà tự phê bình và phê bình. Để thực hiện Nghị quyết TƯ 4 có hiệu quả thì việc phát huy và thực hành dân chủ rộng rãi trong sinh hoạt, công tác Đảng phải thiết thực, góp phần nâng cao tính chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên. Trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cần chú ý đến "tính Đảng" của người đảng viên trong mối quan hệ với nhân dân, cũng như những biểu hiện tham nhũng, lãng phí, suy thoái đạo đức mà dư luận quần chúng tố cáo, phát hiện. Trong đợt sinh hoạt chính trị, kiểm điểm, chỉnh đốn Đảng lần này, Đảng ta cần xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên sai phạm, đồng thời cần xây dựng và thực thi những quy định về quản lý đảng viên theo Điều lệ Đảng và các nghị quyết của Đảng gắn liền với công tác kiểm tra Đảng cũng như chịu sự giám sát của hệ thống chính trị và của nhân dân.

 

Việc giám sát của hệ thống chính trị, của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên hiện còn nhiều bất cập, nhất là giám sát việc sửa chữa khuyết điểm. Đây là một thực tế trong quá trình đất nước chuyển đổi mô hình phát triển, thực hiện CNH, HĐH, mở cửa, hội nhập quốc tế. Chính vì thế nên không chỉ là một số chính sách chưa thật sát với thực tiễn, mà còn có không ít cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tham nhũng, tiêu cực, vi phạm luật pháp và đạo đức, làm suy giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

 

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Làm cán bộ tức là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân. Mấy chữ a, b, c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc". Thiết nghĩ, trong đợt sinh hoạt chính trị thực hiện Nghị quyết TƯ 4 về xây dựng Đảng, mỗi cán bộ của Đảng cần cầu thị, tự giác kiểm điểm, tự phê bình và nghiêm khắc với mình trong sửa chữa khuyết điểm, sai lầm theo lời dạy của Bác; thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, hòa mình với nhân dân, lắng nghe ý kiến của tổ chức và của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, góp phần khôi phục lòng tin của nhân dân và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.