Nhân kỷ niệm 82 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10), phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phùng Đình Thiệu, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy về công tác dân vận trên địa bàn tỉnh.
PV: Thưa đồng chí, ngày 15/10/1949, Hồ Chủ tịch đã viết một bài báo ngắn có tên “Dân vận”. Trong đó, Người đúc kết: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém; dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Lời dạy của Bác đã được thực hiện ở tỉnh ta như thế nào?
Đồng chí Phùng Đình Thiệu: Công tác dân vận là một trong những công tác cơ bản và hết sức quan trọng của sự nghiệp cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nêu rõ: "Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công". Lời dạy của Bác về công tác dân vận không những là kim chỉ nam mà còn là phương châm hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, của những người trực tiếp làm công tác vận động quần chúng nói riêng.
Thực hiện lời dạy của Bác, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, công tác dân vận của cả hệ thống chính trị ở tỉnh ta đã có những chuyển biến tích cực; từng bươc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động hướng về cơ sở, nắm chắc tình hình nhân dân, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân...
Từ nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tích cực tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện các đề án về công tác dân vận, cụ thể như các đề án: Đề án số 04-ĐA/TU ngày 20-5-2011 của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) về “Tiếp tục đổi mới công tác dân vận của hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân giai đoạn 2011-2015” và Đề án số 08-ĐA/TU ngày 23/8/2011 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở giai đoạn 2011-2015”. Để đáp ứng yêu cầu vận động quần chúng, Ban đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 28-CT/TU ngày 28/4-2009 về “Tăng cường công tác dân vận trong tình hình mới”; Quyết định số 393-QĐ/TU ngày 27/6/2011 về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh theo tinh thần của Quyết định số 290-QĐ/TW, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm về công tác dân vận của các cấp, các ngành trong tình hình hiện nay.
Những năm qua, công tác dân vận của toàn tỉnh đã có nhiều đổi mới, nhận thức của các cấp ủy Đảng, đặc biệt là các cấp chính quyền về công tác dân vận được nâng lên rõ rệt. Các cấp chính quyền chủ động nắm tình hình đời sống của nhân dân, giải quyết kịp thời những kiến nghị, những vấn đề bức xúc của nhân dân; quan tâm thực hiện các chủ trương, chính sách có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân. MTTQ và các đoàn thể tích cực triển khai các phong trào thi đua yêu nước và đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, góp phần tích cực xây dựng và củng cố khối đoàn kết toàn dân, vận động nhân dân thi đua thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn...
PV: Những thành công do “dận vận khéo” của chúng ta thời gian qua cụ thể là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Phùng Đình Thiệu: Việc thực hiện dân vận khéo theo lời Bác dạy luôn được các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể của tỉnh quan tâm. Đặc biệt sau khi Ban Dân vận Trung ương có kế hoạch triển khai phong trào thi đua Dân vận khéo thì việc triển khai, thực hiện phong trào đã phát triển rộng khắp toàn tỉnh. Sau 3 năm triển khai, từ 2009 đến nay, các nội dung của phong trào thi đua được thực hiện tương đối tốt và đạt được nhiều kết quả, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Cụ thể là:
Lĩnh vực kinh tế - xã hội: Các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị đã tập trung hướng về cơ sở tiếp tục vận động nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng; xóa đói giảm nghèo, tích cực giải quyết các vấn đề khó khăn, bức xúc của nhân dân, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Thông qua đó làm chuyển biến nhận thức, thay đổi tư duy kinh tế; động viên các thành phần kinh tế, huy động được các tiềm năng, mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều điển hình mô hình “dân vận khéo” đang hoạt động hiệu quả như: mô hình “Dân vận khéo” trong công tác tự quản về an toàn giao thông và trật tự (ở phường Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Phùng, Thịnh Đán – T.P Thái Nguyên); trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội; xây dựng đời sống văn hóa; công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở…
Lĩnh vực quốc phòng – an ninh: Ban Dân vận các cấp ủy đã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận, các đoàn thể và các lực lượng vũ trang đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, bám sát tình hình quần chúng, với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, khéo tuyên truyền, vận động nên đã khơi dậy truyền thống yêu nước, phát huy được tinh thần trách nhiệm, quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng dân quân tự vệ, bảo vệ an ninh trật tự, tăng cường nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Một trong những mô hình nổi bật là: mô hình “Dân vận khéo” trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; trong phong trào hoạt động xã hội, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa của Công an tỉnh; mô hình dã ngoại làm “Dân vận khéo” của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh…
Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị: Cấp uỷ các cấp đã tập trung chỉ đạo sơ kết, tổng kết các Chỉ thị, Nghị quyết, Đề án, các Cuộc vận động của Trung ương, của cấp ủy các cấp; chỉ đạo, triển khai thực hiện các Đề án của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về công tác dân vận. Công tác dân vận đã được các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước quan tâm và chú trọng hơn; một số cơ quan, đơn vị đã kiện toàn, phân công cán bộ phụ trách theo dõi công tác dân vận; nhiều cơ quan, đơn vị đã bổ sung và có những quy định cụ thể về thái độ và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc thực thi công vụ. Công tác tiếp dân, thanh tra, kiểm tra, xử lý và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đã có những chuyển biến tích cực. Công tác cải cách hành chính ở các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị tiếp tục có những chuyển biến tích cực. MTTQ và các đoàn thể, hội quần chúng có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động; các chương trình, phong trào có chiều sâu với mục đích hướng về cơ sở đã đạt được kết quả thiết thực. Qua đó đã góp phần nâng cao tỷ lệ thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên tham gia.
Có thể nói, phong trào thi đua Dân vận khéo đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Phong trào được triển khai sâu rộng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội đã động viên, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tạo ra sự đồng thuận trong xã hội để thực hiện và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh.
PV: Còn một vế nữa trong lời dạy của Bác: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém”, ở Thái Nguyên có trường hợp “dân vận kém” không? Chúng ta sẽ làm thế nào để thời gian tới không còn cán bộ “dân vận kém”?
Đồng chí Phùng Đình Thiệu: Thực tế ở Thái Nguyên vẫn còn một số nơi cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm thực hiện công tác dân vận hay nói cách khác là Dân vận kém. Một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa dân vận khéo, vẫn còn nặng về biện pháp hành chính, coi nhẹ hình thức vận động thuyết phục; còn có biểu hiện quan liêu, hách dịch, xa dân, vi phạm đạo đức công vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm, có hành vi nhũng nhiều, gây phiền hà cho nhân dân, làm giảm lòng tin của dân đối với Đảng. Để tiếp tục thực hiện tốt công tác dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt để không còn cán bộ dân vận kém, trong thời gian tới, các cấp, các ngành trong tỉnh cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1- Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức viên chức và quần chúng nhân dân về các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Bác về công tác dân vận.
2. Đẩy mạnh chỉ đạo, thực hiện phong trào thi đua Dân vận khéo trên các lĩnh vực, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua yêu nước và việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, địa phương. Tiếp tục triển khai, thực hiện tốt việc tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
3. Tăng cường phối hợp thực hiện công tác dân vận giữa các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị; Đổi mới nội dung, phương pháp dân vận, trọng tâm hướng về cơ sở.
\4. Quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, phải nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, sử dụng đối với đội ngũ cán bộ dân vận của Đảng.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!