Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần mạnh dạn, cầu thị của Thủ tướng khi nhận khuyết điểm của Chính phủ.
Lời xin lỗi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trước Quốc hội về những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý điều hành đã thực sự khiến các đại biểu tin vào sự thẳng thắn, cầu thị của Chính phủ.
Nhiều đại biểu đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, cầu thị của Thủ tướng và Chính phủ trong điều hành kinh tế-xã hội đất nước thời gian qua. Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng) khẳng định: “Lần đầu tiên trong lịch sử có điều này”.
Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) cũng bày tỏ sự hoan nghênh về việc Thủ tướng nhận trách nhiệm. “Thủ tướng phát biểu sáng nay là thể hiện quan điểm xuyên suốt của Đảng nhận trách nhiệm và xử lý” – ông Trần Du Lịch nói.
Đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Thanh Hóa) nhận xét: “Đây là điều rất mạnh dạn, các đại biểu Quốc hội ghi nhận việc Thủ tướng tự nhận thấy khuyết điểm của mình, của Chính phủ và cá nhân Thủ tướng. Với tư cách là đại biểu Quốc hội, tôi rất hoan nghênh tinh thần mạnh dạn, cầu thị... ”.
“Tôi cho rằng Thủ tướng sẽ có chương trình hành động và có hệ thống các giải pháp đi kèm. Đặc biệt là phải có hướng đi cụ thể hơn trong việc tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, phải chỉ rõ trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. ” – đại biểu Lê Như Tiến nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) đánh giá: Giờ đây không chỉ Quốc hội mà kể cả các cử tri trên cơ sở lời hứa đó sẽ theo dõi sát những động thái, chỉ đạo, những chuyển biến và đặc biệt là những biện pháp khắc phục của Chính phủ.
Còn đại biểu Nguyễn Đức Kiên thì cho rằng, lời hứa của Thủ tướng trước Quốc hội, đồng bào có thành hiện thực hay không phụ thuộc rất nhiều vào cả bộ máy Chính phủ. Ông mượn một câu thơ của Tố Hữu nói rằng: “Một người đâu phải nhân gian…” và khẳng định: “Vấn đề là một mình Thủ tướng không thể làm được mà toàn bộ hệ thống phải vào cuộc."./.