Hội thảo quốc gia về đạo đức nghề báo

16:03, 11/10/2012

Hội thảo bàn về một vấn đề vừa có ý nghĩa thời sự của xã hội, vừa có ý nghĩa cơ bản trong hoạt động báo chí.

Hội thảo khoa học quốc gia về “Đạo đức nghề báo trong khai thác và xử lý nguồn tin” do Hội Nhà báo Việt Nam và Học viện Báo chí - Tuyên truyền phối hợp tổ chức sáng 11/10 tại Hà Nội.



Dự và chỉ đạo hội thảo có TS Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Đỗ Quý Doãn - Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông. Dự hội thảo còn có các nhà báo lão thành Phan Quang (nguyên Tổng Giám đốc Đài TNVN), Đỗ Phượng (nguyên Tổng Giám đốc TTXVN) và đông đảo các nhà báo, những người làm công tác nghiên cứu khoa học, quản lý báo chí. Các nhà báo Hà Đăng và Hữu Thọ gửi tham luận tới hội thảo.


Phát biểu đề dẫn hội thảo, nhà báo Hà Minh Huệ - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nêu lên một thực tế: Hiện nay một bộ phận nhỏ báo chí, một số nhà báo vì những lý do kinh tế, chạy theo doanh thu, hoặc vì lý do chưa nhận thức đầy đủ về chức năng nhiệm vụ của báo chí, hoặc do yếu kém về chuyên môn mà chạy theo thị hiếu tầm thường, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của báo giới nước nhà. Những vi phạm đó có ở nhiều khâu, nhiều bước của quá trình hoạt động tác nghiệp của nhà báo, của cơ quan báo chí, nhưng tập trung nhiều nhất là ở trong quy trình khai thác và xử lý nguồn tin. Do đó, hội thảo này bàn về một vấn đề đang được xã hội quan tâm, vừa có ý nghĩa thời sự trong đời sống xã hội, vừa có ý nghĩa lâu dài, cơ bản trong hoạt động báo chí.



TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, chủ đề của hội thảo lần này hay và mang tính thời sự. Cơ quan báo chí và nhà báo đưa tin bắt đầu từ nguồn tin. Nguồn tin tạo nên thành công hay thất bại của tin. Khi phát hiện, để xử lý tốt nguồn tin, nhà báo cần có phẩm chất và điều kiện: phải được trang bị kiến thức nghề báo, có bản lĩnh chính trị và trình độ chính trị, phải có đạo đức nghề nghiệp.

 

Ông Nguyễn Thế Kỷ cũng nêu ra 4 nhóm vấn đề về sai phạm của một số nhà báo trong thời gian gần đây, đó là: Đưa thông tin sai các vấn đề về tư tưởng chính trị, do nhận thức non kém; những sai phạm về thông tin đối ngoại, do sự tắc trách cẩu thả; đưa tin sai và không có lợi về kinh tế do không hiểu thấu đáo vấn đề hoặc có động cơ không tốt; đưa thông tin về các vấn đề xã hội nhưng gật gân để "câu khách". Phân tích về nguyên nhân dẫn đến các sai phạm, ông đồng thời cũng kiến nghị một số giải pháp về tuyển chọn, đào tạo nhân lực nghề báo.



Có hơn 40 tham luận của các nhà báo gửi đến hội thảo. Từ góc độ lý luận đến những cách nhìn thực tiễn trong hoạt động báo chí, những tình huống cụ thể sinh động trong tác nghiệp báo chí; các tham luận đã đề cập phong phú các khía cạnh đạo đức nghề nghiệp trong khai thác và xử lý nguồn tin.



Các tham luận và ý kiến trình bày tại hội thảo tập trung vào các vấn đề: Nhận diện các vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong thực tiễn hoạt động báo chí thời kinh tế thị trường; Phân tích những nguyên nhân dẫn đến các vi phạm đạo đức nghề nghiệp và phương hướng khắc phục; Trao đổi kinh nghiệm trong việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo và đề xuất những kiến nghị, sáng kiến về việc quản lý, giáo dục hiệu quả nhằm góp phần nâng cao phẩm chất đạo đức của người làm báo Việt Nam và chất lượng của báo chí trong giai đoạn hiện nay, để làm tròn trách nhiệm xã hội và đạo đức công dân của nhà báo.