Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII sáng 22/10 khai mạc tại Hà Nội với nhiều nội dung quan trọng.
Sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.
Tiếp đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; Ủy ban kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.
Theo chương trình và nội dung kỳ họp thứ 4 do Văn phòng Quốc hội công bố, với tổng thời gian làm việc 26 ngày, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ tập trung xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Bên cạnh việc xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, công tác giám sát…, Quốc hội sẽ dành khá nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là việc cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và một số Dự án luật quan trọng được đưa ra lấy ý kiến nhân dân.
Về công tác xây dựng pháp luật, tại kỳ họp này, dự kiến Quốc hội sẽ dành khoảng 16 ngày để xem xét, thông qua 9 dự án Luật và 2 Nghị quyết; cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 6 dự án Luật khác.
Trong số 9 dự án Luật và 2 Nghị quyết đự kiến được xem xét thông qua, có những nội dung hết sức quan trọng như việc lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992, Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, Nghị quyết về việc lấy, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê duyệt, Luật sửa đổi – bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân…
Quốc hội sẽ dành khoảng 10 ngày để nghiên cứu, thảo luận về Báo cáo của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Tại kỳ họp này, số lượng các nội dung quan trọng của chương trình nghị sự được truyền hình, phát thanh trực tiếp đã tăng lên (13 buổi, tăng 5 buổi so với kỳ họp thứ 3).
Ngoài phiên khai mạc, bế mạc, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và phiên chất, tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến mở rộng việc truyền hình, phát thanh trực tiếp đối với một số phiên thảo luận về một số dự án luật quan trọng, nhất là những dự án luật được đưa ra lấy ý kiến nhân dân.