Một số sự kiện lịch sử quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt- Lào năm 1981 và 1984

10:28, 23/10/2012

Trao tặng huân chương cao quý nhất của Nhà nước mình cho đồng chí lãnh đạo kính mến của nhân dân Việt Nam, Đảng và nhân dân Lào đánh giá cao sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sáng lập và rèn luyện cũng như sự đóng góp của cách mạng Việt Nam đối với cách mạng Lào và cách mạng Đông Dương.

Ngày 15 tháng 7 năm 1981

 

Nhân kỷ niệm lần thứ tư ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18-7-1977 - 18-7-1981), ngày 15 tháng 7 1981, tại Viêng Chăn (Lào), đồng chí Nủhắc Phumxavẳn, Uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam. Đồng chí nêu lên những phương hướng, nhiệm vụ của kế hoạch năm năm (1981-1985) và những thành tựu mà nhân dân Lào đã giành được trong sáu tháng đầu năm...

 

Về quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào và những thành tựu đã đạt được trong việc thực hiện Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa hai nước, đồng chí Nủhắc Phumxavẳn nêu rõ: trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thắng lợi của nhân dân Lào không thể tách rời sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa của nhân dân Việt Nam. Quan hệ đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam được xây dựng và không ngừng phát triển trong cuộc đấu tranh cứu nước kiên cường của hai dân tộc. Ngày nay, trong sự nghiệp bảo vệ đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đối với nhân dân Lào chúng tôi, quan hệ đặc biệt đó là một nhân tố không thể thiếu, quyết định thắng lợi của cách mạng Lào.

 

Việc ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 18 tháng 7 năm 1977 đã mở ra một giai đoạn phát triển mới, toàn diện của mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam. Đối với Lào, trong bốn năm qua, việc thực hiện các hiệp định và nghị định thư trong khuôn khổ Hiệp ước nói trên đã góp phần rất quan trọng vào việc phát triển kinh tế, văn hoá, cải thiện đời sống nhân dân, tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh của Lào.

 

Trong thời gian năm năm tới, nội dung phối hợp kế hoạch hợp tác kinh tế, văn hoá và khoa học kỹ thuật giữa Lào và Việt Nam đã được ghi vào những văn kiện chính thức theo phương hướng tăng cường cả chiều rộng và chiều sâu, vì sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước, phù hợp với lợi ích của hoà bình và ổn định ở Đông Nam Á, góp phần giữ gìn và củng cố hoà bình trên thế giới.

 

Ngày 19 tháng 7 năm 1981

 

Nhân dịp Hội đồng Nhân dân tối cao Lào tặng Huân chương Sao vàng Quốc gia cho đồng chí Lê Duẩn, ngày 19 tháng 7 năm 1981, Báo Nhân Dân - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam - đăng xã luận: “Biểu hiện cao quý của tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào”. Xã luận có đoạn: Trao tặng huân chương cao quý nhất của Nhà nước mình cho đồng chí lãnh đạo kính mến của nhân dân Việt Nam, Đảng và nhân dân Lào đánh giá cao sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sáng lập và rèn luyện cũng như sự đóng góp của cách mạng Việt Nam đối với cách mạng Lào và cách mạng Đông Dương. Đó là một vinh dự chung của nhân dân Việt Nam.



Mối quan hệ Việt - Lào là mối quan hệ cách mạng được xây dựng qua cuộc chiến đấu lâu dài đầy hy sinh, gian khổ nhưng rất anh dũng của nhân dân hai nước. Là những người bạn láng giềng cùng chung một cảnh ngộ, cùng có một kẻ thù và phấn đấu cho cùng một mục đích, nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau đấu tranh giành độc lập, tự do, bảo vệ và xây dựng đất nước...



Trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của mình, mỗi thắng lợi của nhân dân Việt Nam đều không thể tách rời sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu và phối hợp chặt chẽ của Đảng và nhân dân Lào anh em. Tinh thần quốc tế chủ nghĩa trong sáng của nhân dân Lào anh em là nguồn cổ vũ lớn đối với cuộc chiến đấu của Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào do đồng chí Cayxỏn Phômvihản đứng đầu, nhân dân Lào anh hùng đã hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ cách mạng của mình đồng thời góp phần vào sự nghiệp đấu tranh của nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia, tạo điều kiện thuận lợi để giúp cách mạng hai nước anh em phát triển và giành thắng lợi...



Trao tặng đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn huân chương cao quý nhất của mình, Đảng và nhân dân Lào đã thể hiện tình cảm tốt đẹp nhất đối với nhân dân Việt Nam.



Tự hào về vinh dự lớn mà Đảng và nhân dân Lào dành cho Việt Nam, nhân dân Việt Nam nguyện đem hết sức mình để giữ gìn và tăng cường tình hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào mãi mãi vững bền, góp phần vào sự nghiệp chung của ba dân tộc Đông Dương, góp phần vào việc tăng cường sức mạnh của cộng đồng xã hội chủ nghĩa mà Liên Xô là trụ cột, vì sự nghiệp hoà bình và ổn định ở Đông Nam Á và thế giới.

 

Ngày 20 tháng 3 năm 1984

 

Nhân kỷ niệm lần thứ 29 Ngày thành lập Đảng Nhân dân cách mạng Lào, ngày 20 tháng 3 năm 1984, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam gửi điện mừng tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Sau khi điểm lại những chặng đường đấu tranh gian khổ và những thắng lợi vẻ vang của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, bức điện viết: “… Phát huy truyền thống cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương, 29 năm qua hai Đảng chúng ta đã luôn luôn đoàn kết gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau, cùng chiến đấu và chiến thắng. Mối quan hệ đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt - Lào đã được thử thách và tôi luyện qua các chặng đường cách mạng của hai nước ngày càng được củng cố và phát triển với chất lượng mới. Hội nghị Cấp cao ba nước Đông Dương đầu năm 1983, những nghị quyết của hai Đảng chúng ta về quan hệ Việt Nam - Lào gần đây có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng, đánh dấu một bước phát triển mới của liên minh chiến đấu và mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Sự đoàn kết và hợp tác Việt Nam - Lào - Campuchia trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa là nhân tố đảm bảo thắng lợi của cách mạng mỗi nước, là sức mạnh chung của cả ba dân tộc, là nhân tố quan trọng bảo đảm hoà bình, ổn định ở Đông Nam Á, đồng thời cùng với sự đoàn kết và hợp tác với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác, là nhân tố hàng đầu đưa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước chúng ta tiến lên thắng lợi hoàn toàn.

 

Nhân dịp này, thay mặt Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam, chúng tôi xin chân thành cảm ơn Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chính phủ và nhân dân Lào anh em về sự giúp đỡ và ủng hộ chí tình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội của nhân dân Việt Nam”.

 

Từ ngày 27 đến 28 tháng 4 năm 1984

 

Thực hiện Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao ba nước Đông Dương họp tại Viêng Chăn (tháng 2 năm 1983), trong hai ngày 27 và 28 tháng 4 năm 1984, Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa ba nước Việt Nam - Campuchia - Lào được triệu tập tại Phnôm Pênh, thủ đô nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia để bàn bạc công tác văn hóa, thực hiện hợp tác và trao đổi văn hóa giữa ba nước.

 

Tới dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Hiếu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Việt Nam; Cheng Phon, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Văn hóa Campuchia; Thoong Xỉnh Thămmạvông, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Lào và nhiều vị đại diện các ban, ngành của ba nước.

 

Với tinh thần đồng chí anh em và tin cậy lẫn nhau, với tình cảm của những người chiến sĩ trên cùng một chiến hào, ba bộ trưởng đã thông báo cho nhau tình hình hoạt động và phương hướng phát triển văn hóa nghệ thuật ở mỗi nước, trao đổi ý kiến để phối hợp kế hoạch và tăng cường trao đổi, hợp tác văn hóa giữa ba nước. Các bên hoàn toàn nhất trí với những vấn đề nêu ra về tăng cường đoàn kết các lực lượng dân tộc và dân chủ trong cuộc đấu tranh tư tưởng hiện nay trên thế giới, chống chiến tranh tâm lý và sự xâm lược bằng văn hóa của kẻ thù. Phát triển các quan hệ văn hóa trong nước và giữa các nước. Ba nước Đông Dương cần hợp tác với nhau về văn hóa để góp phần vào công tác tư tưởng chính trị chung và đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân mỗi nước.

 

Ba bộ trưởng tin tưởng vững chắc rằng với nền văn hóa lâu đời và rực rỡ của mỗi nước, với truyền thống đoàn kết chiến đấu và mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa ba dân tộc, với sự hợp tác và giúp đỡ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của các nước khác và các tổ chức quốc tế, sự hợp tác văn hóa của ba nước Đông Dương nhất định thành công, góp phần thích đáng vào việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của ba nước, vào sự ổn định và phồn vinh trong khu vực, bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á, châu Á và trên thế giới.

 

Ngày 7 tháng 5 năm 1984

 

Ngày 7 tháng 5 năm 1984, tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào) diễn ra buổi mít tinh kỷ niệm lần thứ 30 chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam. Đồng chí Khăm Tày Xiphănđon, Uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào đến dự và có bài phát biểu quan trọng. Đồng chí nhấn mạnh: “… Chiến thắng Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 là chiến thắng vĩ đại có ý nghĩa lịch sử của cả ba nước Đông Dương, đã kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng, chấm dứt sự xâm lược của chủ nghĩa thực dân Pháp ở ba nước Lào - Việt Nam - Campuchia, tạo cho nhân dân ba nước Đông Dương thế và lực mới để tiến lên hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân…

 

Thắng lợi quyết định của quân và dân Việt Nam ở Điện Biên Phủ đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của cuộc chiến tranh xâm lược và chủ nghĩa thực dân cũ của đế quốc Pháp trên toàn Đông Dương, buộc địch phải công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, mở ra một cục diện chính trị mới và tạo ra những điều kiện cơ bản để cách mạng ba nước tiến lên hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc…

 

… Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng chung của cả ba nước Đông Dương, là thắng lợi của liên minh đoàn kết chiến đấu chặt chẽ giữa cách mạng ba nước anh em, là cơ sở của liên minh ba nước trong điều kiện mới để cùng nhau giành thắng lợi trong giai đoạn đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược sau này và trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ngày nay…

 

Chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và đúng đắn của Đảng, có khối liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam, Lào - Việt Nam - Campuchia, có mối quan hệ đoàn kết, hợp tác toàn diện với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác, được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới, sự nghiệp cách mạng bảo vệ và xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta nhất định sẽ thành công tốt đẹp.

 

Tinh thần liên minh chiến đấu, quyết chiến quyết thắng của Điện Biên Phủ muôn năm!

 

Tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu chặt chẽ Lào - Việt Nam - Campuchia đời đời bền vững…”.

 

Ngày 28 tháng 5 năm 1984

 

Nhằm tăng cường hơn nữa công tác hợp tác kinh tế, văn hoá với Lào và Campuchia trong giai đoạn mới, ngày 28 tháng 5 năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam ban hành Nghị quyết số 80-HĐBT đề cập khá toàn diện nhiều vấn đề hợp tác, như xác định mục đích, phương châm hợp tác kinh tế, văn hóa, nội dung và chính sách hợp tác giữa ba nước.

 

Về nội dung hợp tác, căn cứ vào điều kiện tài nguyên, kinh tế, văn hóa và phương hướng phát triển kinh tế, xã hội của mỗi nước, Việt Nam có thể hợp tác với Lào và Campuchia trong các lĩnh vực sản xuất lương thực, thực phẩm, nuôi trồng, bảo vệ, khai thác và chế biến các loại lâm sản và thủy sản; xây dựng các ngành công nghiệp nặng và công nghiệp hàng tiêu dùng; phát triển giao thông vận tải và thông tin liên lạc trong mỗi nước và nối liền giữa ba nước; điều tra cơ bản, nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật, nhất là cán bộ; phối hợp giúp đỡ nhau trong công tác xuất nhập khẩu, đấu tranh chống địch bao vây phá hoại kinh tế, phá rối thị trường tiền tệ, chống buôn lậu, v.v..

 

Nghị quyết số 80-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng là cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành, các địa phương Việt Nam triển khai thực hiện hợp tác kinh tế, văn hoá với Lào và Campuchia.

 

(còn tiếp)


 

Nguồn: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930-2007), Biên niên sự kiện, tập 2 (1976-2007), Nxb. CTQG, H, 2012.