Nỗ lực xây dựng thị trấn Trại Cau phát triển nhanh, bền vững

09:02, 17/10/2012

Nhìn lại quá trình 50 năm xây dựng, phát triển, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ) rất tự hào, phấn khởi trước những thành tựu to lớn đạt được cùng với sự đổi thay toàn diện, sâu sắc trên mọi lĩnh vực. Đây cũng chính là cơ sở, là tiền đề có ý nghĩa hết sức quan trọng để địa phương trở thành một thị trấn công nghiệp, trung tâm kinh tế - văn hóa cụm vùng phía Đông Nam huyện Đồng Hỷ, có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững trong những năm tới…   

Năm 1959, Công trường Mỏ sắt Trại Cau được thành lập, các cán bộ, công nhân viên chức (CBCNVC) cùng gia đình ở 22 tỉnh, thành trong cả nước đã hội tụ về đây làm việc và công tác. Số CBCNVC ngày càng tăng nhanh (năm đầu xây dựng khai trường Mỏ đã lên tới 2.000 người), do vậy có nhiều vấn đề xã hội nảy sinh, đòi hỏi phải có một bộ máy Nhà nước quản lý hành chính (ngoài Ban lãnh đạo Công trường Mỏ sắt Trại Cau) về mọi mặt, như: Con người, chế độ, đời sống, an ninh trật tự… trên địa bàn. Điều đó đã dẫn đến việc ra đời của thị trấn Trại Cau.

 

Ngày 19-10-1962, Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) đã ra Quyết định số 114/VP-CP về việc thành lập thị trấn Trại Cau trực thuộc T.P Thái Nguyên, địa giới hành chính được tách ra từ xã Tân Lợi, bao gồm 3 xóm: Thác Lạc, Thai Thông và Đoàn Kết, với diện tích 694ha, có 51 hộ dân với hơn 250 nhân khẩu, cùng 2.000 CBCNVC của Mỏ sắt Trại Cau. Đến năm 1963, Chi bộ Đảng thị trấn Trại Cau được thành lập, với 9 đảng viên. Nhiệm vụ chính trị của địa phương trong giai đoạn này chủ yếu là làm công tác quản lý hành chính, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; động viên đội ngũ CBCNVC hăng hái thi đua lao động, nhanh chóng xây dựng và đưa Nhà máy tuyển quặng Trại Cau đi vào sản xuất, cung cấp quặng nguyên liệu cho Công ty Gang thép Thái Nguyên, với khẩu hiệu “Vì sự nghiệp gang thép của Tổ quốc”.

 

Ra đời chưa được bao lâu, năm 1965, thị trấn Trại Cau lại bước vào giai đoạn cách mạng mới: Vừa xây dựng kinh tế, vừa tham gia chiến đấu đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc. Trong suốt những năm tháng ác liệt ấy, thị trấn đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

 

Hòa bình lập lại, Chi bộ Đảng và nhân dân các dân tộc cùng đội ngũ CBCNVC ở  thị trấn lại cùng nhau chung sức, đồng lòng quyết tâm hàn gắn vết thương chiến tranh, bắt tay vào khôi phục và xây dựng, phát triển quê hương. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, năm 1975, Thành uỷ Thái Nguyên đã ra quyết định thành lập Đảng bộ thị trấn Trại Cau trên cơ sở Chi bộ Đảng trước đây. Đảng bộ thị trấn lúc này có 5 chi bộ với 40 đảng viên.

 

Ngày 22-10-1982, Thủ tướng Chính phủ có quyết định tách thị trấn Trại Cau khỏi T.P Thái Nguyên, bàn giao cho huyện Đồng Hỷ trực tiếp quản lý. Thị trấn lại chuyển mình bước sang một giai đoạn cách mạng mới - thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH, trở thành trung tâm cụm vùng kinh tế - văn hóa phía Đông Nam huyện Đồng Hỷ. Đến nay, diện tích tự nhiên của thị trấn là 635.47ha, có trên 1.000 hộ dân với trên 4.000 nhân khẩu. Đảng bộ thị trấn có 20 chi bộ với tổng số 229 đảng viên.

 

50 năm qua, kinh tế của thị trấn Trại Cau đã có bước phát triển mạnh mẽ theo cơ cấu: Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và nông - lâm nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn thị trấn có hơn 400 cơ sở kinh doanh, dịch vụ, tạo việc làm cho trên 600 lao động với mức thu nhập bình quân 4,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 12-13%, trong đó công nghiệp chiếm 50%, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ chiếm 37%, nông - lâm nghiệp chiếm 13%. Thu nhập bình quân đầu người đến tháng 9-2012 ước đạt 1,7 triệu đồng/tháng; thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt từ 120-130% kế hoạch đề ra…

 

Trong sản xuất nông - lâm nghiệp, mặc dù diện tích đất nông nghiệp giảm do phát triển công nghiệp, đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng thị trấn vẫn duy trì diện tích cấy lúa cả năm là 96ha, năng suất bình quân đạt 47,5 đến 48 tạ/ha, sản lượng lương thực năm 2011 đạt 557,9 tấn. Nhiều mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung theo hướng công nghiệp, đạt hiệu quả cao đang được nhân rộng. Hiện, trên địa bàn có 7 trang trại chăn nuôi gà với quy mô từ 4.000-8.000 con/lứa; nhiều hộ có mô hình trang trại nuôi lợn với quy mô từ 50-80 con/lứa. Kinh tế vườn đồi được nhân dân đầu tư phát triển  theo các chương trình, dự án cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả, chè, cây keo lai và các loại cây có giá trị kinh tế cao, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế và phong trào bảo vệ môi trường “xanh, sạch, đẹp”…

 

Về kết cấu hạ tầng của địa phương, hệ thống đường điện dân dụng đã được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh (với tổng trị giá trên 4 tỷ đồng), bảo đảm 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới Quốc gia. Thị trấn cũng đã xây dựng được 9km đường bê tông ở các khu dân cư (trị giá gần 3 tỷ đồng, đạt 85% đường khu dân cư được bê tông hóa) và hệ thống đường đô thị trung tâm thị trấn (với tổng kinh phí trên 40 tỷ đồng); xây dựng hệ thống kênh mương ở các tổ 16-17 (với tổng kinh phí 571 triệu đồng); xây dựng Trạm Y tế thị trấn (kinh phí trên 2 tỷ đồng). Các trường học đã được đầu tư xây dựng khang trang; 100% các tổ nhân dân có cụm loa truyền thanh, nhà văn hoá và sân chơi thể dục thể thao. Tại trung tâm thị trấn đã có một quần thể cơ sở hạ tầng được hình thành gồm trụ sở UBND, hội trường và khu sân Trung tâm văn hóa, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, Nhà thi đấu thể thao, với tổng kinh phí đầu tư xây dựng gần 5 tỷ đồng…

 

Đi đôi với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa, xã hội của thị trấn cũng đã và đang có những chuyển biến mạnh mẽ và đạt nhiều thành tích quan trọng, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế. Công tác xây dựng Đảng của thị trấn luôn được coi trọng trên cả 3 mặt: Chính trị, tư tưởng và tổ chức. Phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng không ngừng được đổi mới theo hướng sâu sát, nắm chắc tình hình, đề ra các chủ trương đúng và trúng, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở. Việc triển khai thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên và đông đảo bà con nhân dân, có sức lan tỏa mạnh mẽ. MTTQ cùng các đoàn thể nhân dân của thị trấn thường xuyên được củng cố, hướng mọi hoạt động xuống cơ sở...


Với những kết quả, thành tích đạt được trong 50 năm qua, Đảng bộ và nhân dân thị trấn Trại Cau đã được UBND tỉnh tặng 5 Bằng khen; Ủy ban MTTQ thị trấn được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen. Năm 2011, Đảng bộ thị trấn được công nhận là Đảng bộ TSVM tiêu biểu 3 năm (2008-2010); thị trấn được UBND tỉnh tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc.