Tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội

18:03, 24/10/2012

Sáng 24/10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại tổ về Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2012 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2013 của Chính phủ. Đồng chí Phạm Xuân Đương, Ủy viên TW Đảng, Bí thư tỉnh Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì thảo luận tổ gồm Đoàn ĐBQH của 3 tỉnh: Thái Nguyên, Nam Định, Kon Tum.

Tại buổi thảo luận, ĐB Phạm Xuân Đương cho rằng: Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong việc điều hành nền kinh tế, tuy nhiên, tình hình kinh tế đất nước vẫn còn nhiều khó khăn. Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến việc xử lý hàng hóa tồn kho, phân tích rõ số lượng từng loại vật tư, hàng hóa tồn kho là bao nhiêu và có biện pháp giải cứu bằng việc phân bổ vật tư, hàng hóa cho các chương trình trọng điểm, chương trình mục tiêu quốc gia, hạn chế phân bổ bằng cấp tiền. Như vậy sẽ giải phóng được một phần lượng vật tư, hàng hóa tồn kho. Đồng thời, Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn và cân đối đủ nguồn lực để thực hiện chính sách đối với người có công. Về các chỉ tiêu năm 2013, Chính phủ cần giải trình rõ: Cơ sở nào để có những con số trong báo cáo đảm bảo tính khả thi?...

 

ĐB Đỗ Mạnh Hùng phát biểu: Cử tri đánh giá cao tình hình triển khai nhiệm vụ kinh tế năm 2012, trong đó có 15 chỉ tiêu đạt và tăng so với kế hoạch. Tuy nhiên cần làm rõ 2 “nút thắt” của 2 vấn đề là nợ xấu và hàng tồn kho, nguyên nhân của tình trạng này. Đồng thời, Chính phủ cũng cần phân tích kỹ mối liên hệ giữa 2 vấn đề trên (như: hàng tồn kho lớn, không bán được, gây nên nợ xấu); nợ xấu ở từng loại doanh nghiệp (DN) là bao nhiêu? ĐB Đỗ Mạnh Hùng cũng cho rằng sự cạnh tranh của các DN hiện nay còn rất kém, chính sách tiền tệ còn giật cục, lãi suất thất thường (lúc cao, lúc thấp), hoạt động của hệ thống ngân hàng chưa rõ ràng, minh bạch, còn có sự áp đặt...

 

ĐB Lê Thị Nga cho rằng: Tình hình kinh tế đất nước đang đứng trước những khó khăn rất lớn. Chính phủ cần nhận diện rõ tình hình cụ thể ở một số chỉ tiêu như: Nợ xấu không chỉ có ở hệ thống ngân hàng và DN, nó còn xuất hiện trong các công trình xây dựng của Nhà nước. Giá cả thị trường tăng nhanh gây ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, đặc biệt là giá vàng tăng nhanh, bỏ xa giá vàng thế giới, Chính phủ cần phân tích rõ việc huy động gửi tiền tiết kiệm bằng vàng có thực sự mang lại hiệu quả không? Đồng thời cần làm rõ cơ cấu giá xăng đã thực sự hợp lý chưa?... 

 

ĐB Trương Thị Huệ phát biểu: Hiện nay, việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật của một số cán bộ, công chức ở các cấp chính quyền còn có biểu hiện nhũng nhiễu, chưa thực sự là công bộc của nhân dân, còn thiếu tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân, để xảy ra nhiều vụ việc xấu ở một số lĩnh vực, gây bức xúc cho cử tri. Nhiều cán bộ làm sai chưa bị xử lý nghiêm minh. ĐB đề nghị Chính phủ cần xây dựng hệ thống chỉ tiêu quy định cụ thể về trách nhiệm trong việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật đối với người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức thi hành công vụ…