Trong tâm trí những chiến sĩ giải phóng Thủ đô vẫn vẹn nguyên kí ức 58 năm về trước, Hà Nội rực rỡ cờ, hoa…
Sau khi làm nên chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đúng 8h ngày 10/10/1954, các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào từ 5 cửa ô, tiếp quản Thủ đô sau 9 năm Hà Nội bị tạm chiếm. 58 năm trôi qua, với những chiến sỹ giải phóng Thủ đô năm xưa (giờ đã là các cụ lão thành cách mạng và hầu hết tuổi đời trên 80), ký ức về ngày tiếp quản Thủ đô vẫn vẹn nguyên như hàng chục năm về trước.
Trong tâm trí của Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, 82 tuổi, nguyên Phó Cục trưởng Cục tác chiến- Bộ Tổng tham mưu, ký ức về những giây phút cùng đồng đội thuộc các đơn vị bộ binh tiến vào tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954, vẫn vẹn nguyên như 58 năm về trước. Ấn tượng sâu sắc nhất đối với ông là Hà Nội lúc đó đẹp quá: rực rỡ cờ, hoa, cùng với những nụ cười rạng ngời… Nắng vàng trải dài trên những ngọn cây ở vườn hoa Hàng Đậu. Mới đầu giờ buổi sáng, nhưng đã có hàng nghìn người dân tụ tập hai bên đường Phan Đình Phùng- Lý Nam Đế để chào mừng đoàn quân bộ đội Cụ Hồ chiến thắng trở về từ Điện Biên. Một cụ già bị mọi người lầm tưởng là Bác Hồ nên vây quanh và tìm mọi cách để tiếp cận.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh nói, có lẽ đây là câu chuyện xúc động nhất mỗi khi ông nhớ về ngày tiếp quản Thủ đô: “Chúng tôi đưa cụ vào trong doanh trại và cho một đồng chí đứng lên thưa với đồng bào rằng cụ già này không phải là Bác Hồ và để chúng tôi đón tiếp cụ. Sau đó cụ giới thiệu cụ tên là Cáp, Giám đốc xưởng quân giới ở chiến khu Việt Bắc ở tận Long Sơn- Cao Bằng. Qua đó cho thấy tấm lòng của nhân dân Thủ đô đối với Bác Hồ, thật là gần gũi, tươi sáng. Ngày giải phóng Thủ đô, tôi rất bồi hồi, cách đây 58 năm, tôi nhớ lại và xem hồi kí, cùng bạn bè kể lại với nhau lấy làm xúc động, tự hào lắm không sao kể hết được”.
Xúc động và tự hào cũng là tâm trạng của ông Trần Quý, ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội khi được vinh dự tham gia đội quân tiếp quản Thủ đô. Ông Trần Quý kể, khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, đánh vào đồi A1, ông bị trúng đạn và bị thương. Tháng 10/1954, dù lúc đó đang điều trị vết thương tại Định Hóa (Thái Nguyên), nhưng ông vẫn năn nỉ xin được tham gia đội quân tiếp quản Thủ đô Hà Nội: “Thông cảm vì mình là người Hà Nội nên các bác sỹ cho ra viện đúng ngày 10, tôi đi suốt ngày 10 và 11 từ Thái Nguyên về đến nhà là 7h sáng ngày 12/10, khi về đến nơi thì không khí ngày giải phóng thủ đô vẫn còn, Không gì sướng bằng một người đi giải phóng quê hương mà cứ tưởng rằng sẽ lâu hơn nữa, thật quả chiến thắng đến quá bất ngờ, ý nghĩa vô cùng lớn lao”.
Đại tá Phạm Duy Tân, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 308 chia sẻ cảm xúc khi được tin sắp trở về Thủ đô: Mọi người ôm nhau khóc vì bất ngờ được gặp Bác Hồ, được nghe Bác căn dặn làm thế nào để cách mạng giành hoàn toàn chiến thắng. Nhớ lại những phút giây về tiếp quản Thủ đô 58 năm về trước, ông Tân xúc động nói: “Khi mà Trung đoàn Thủ đô về đến Cầu Giấy thì mình kéo cờ đỏ sao vàng lên, cứ thế tiến về cho kịp đến Cửa Nam rồi vào Bờ Hồ. Vào đến nơi, thấy đồng bào sà vào, vẫy, trao tặng hoa rồi đưa cả bánh ăn, mà không biết may cờ từ khi nào mà nhiều đến thế. Đồng bào thì khóc, chúng tôi cảm động lắm, tự hào lắm, phải nói rằng là Đảng mình rất vĩ đại, tài tình. Nhân dân Thủ đô cũng rất anh hùng, kỷ luật, cuộc mít tinh ở Ba Đình không biết là quân ở đâu mà đông như thế này, dân ở đâu mà thông báo đi nhanh như thế lại rất nề nếp, trật tự, thấy rất tự hào về dân tộc của mình”.
Tự hào với truyền thống vẻ vang cách đây 58 năm, những chiến sỹ giải phóng Thủ đô năm 1954 luôn khắc ghi lời Bác dạy, nhắc nhở con cháu làm theo lời Bác, phấn đấu vươn lên, quyết tâm xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, xứng đáng là Trung tâm Văn hoá- Chính trị của cả nước, xứng đáng với truyền thống của mảnh đất Kinh kỳ nghìn năm văn hiến./.