Từ “Sửa đổi lối làm việc” đến “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”

15:46, 26/10/2012

Tháng 10/1947, tại ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”.

“Sửa đổi lối làm việc” là một tác phẩm quan trọng, ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt, thể hiện những tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng cầm quyền trong điều kiện vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Theo đó, sửa đổi để: đổi mới trong tư tưởng, trong tổ chức bộ máy và trong cách làm việc của Đảng, của cán bộ, đảng viên trước tình hình mới; trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, để tìm ra nguyên nhân, biện pháp và cách thức tiến hành để cán bộ, đảng viên có tư tưởng, đạo đức và cách làm việc đúng hơn, khéo hơn, hiệu quả hơn; nội dung cần phải sửa đổi là toàn bộ hoạt động của Đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên từ nhận thức tư tưởng đến tổ chức chỉ đạo thực hiện.

 

Tác phẩm đề cập 6 vấn đề lớn, vừa có tính lý luận, vừa có tính chỉ đạo thực tiễn sâu sắc về công tác xây dựng Đảng: 1/ Phê bình và sửa chữa, 2/ Mấy điều kinh nghiệm, 3/ Tư cách và đạo đức cách mạng, 4/ Vấn đề cán bộ, 5/ Cách lãnh đạo, 6/ Chống thói ba hoa. Đưa ra 6 vấn đề lớn về công tác xây dựng Đảng, một mặt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định những nguy cơ thoái hoá, biến chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên và tác hại của nó đối với Đảng cầm quyền, mặt khác, Người chỉ rõ nhiệm vụ vừa có tính cấp bách, vừa có tính thường xuyên, lâu dài là phải “Sửa đổi lối làm việc” để chỉnh đốn lại Đảng, làm cho Đảng “mạnh khỏe, chắc chắn”, làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên xứng đáng với vai trò tiền phong và gắn bó mật thiết với nhân dân.

 

Kịp thời và phù hợp tâm nguyện của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta; tiếp tục thực hiện những chỉ dẫn của Người về việc tất yếu phải “Sửa đổi lối làm việc” để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết số 12, Hội nghị Trung ương lần 4 (khóa XI):“Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã ra đời.

 

Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật về nguy cơ, thực trạng suy thoái của đội ngũ cán bộ, đảng viên, Nghị quyết nêu rõ: “Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.”…

 

Ở Nghị quyết này, những vấn đề lớn trong công tác xây dựng Đảng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra đã được kế thừa, bổ sung và phát triển phù hợp với điều kiện thực tế, đồng thời được cụ thể hóa trong 4 nhóm giải pháp.

 

Nhóm giải pháp đầu tiên cần phải tiến hành chính là tự phê bình và phê bình và nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên. Đồng thời việc tiến hành tự phê bình và phê bình sẽ được làm nghiêm túc, triệt để, theo đó: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương tập trung kiểm điểm, đánh giá làm rõ tại sao những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra nhiều năm nhưng chậm được khắc phục, có mặt còn yếu kém, phức tạp thêm; làm rõ nguyên nhân trở ngại trong việc lãnh đạo thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương tiến hành kiểm điểm, đánh giá liên hệ bản thân về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến một số vấn đề cấp bách nêu trong Nghị quyết này, đề ra biện pháp khắc phục. Làm rõ trách nhiệm cá nhân, gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, lối sống. Các đồng chí ủy viên ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các ban của Trung ương Đảng, ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy và cấp ủy các cấp nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, nêu gương bằng hành động thực tế.

 

Quán triệt lời Người dặn “cán bộ là gốc của mọi công việc”, đưa ra và thực hiện nghiêm nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng và nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách chính là nhằm “biết rõ ràng cán bộ, mới có thể cất nhắc cán bộ một cách đúng mực” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. Trên tinh thần đó, cần nghiêm trị tình trạng chạy chức, chạy quyền trong công tác tổ chức cán bộ; không để các "nhóm lợi ích" chi phối công tác đề bạt, sử dụng cán bộ; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, đề bạt, sử dụng người có năng lực, có đạo đức cách mạng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đưa vào giữ các trọng trách ở các cơ quan Trung ương, các tập đoàn kinh tế nhà nước; phải thực hiện dân chủ hơn nữa trong việc bầu cử các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến cơ sở…

 

Thực hiện nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cũng là việc làm cần thiết. Trong đó cần đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên gắn với việc kiểm điểm, đánh giá và biện pháp giải quyết vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng của các cấp”, “đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Đưa vào nền nếp việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là cấp Trung ương” và “chỉnh hoạt động thông tin, tuyên truyền; quản lý có hiệu quả hoạt động báo chí theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước. Chú trọng làm tốt hơn việc nêu gương những người tốt, việc tốt; lấy nhân tố tích cực để đẩy lùi tiêu cực; đồng thời phê phán, đấu tranh với những biểu hiện sa sút về tư tưởng chính trị, vô trách nhiệm, vụ lợi cá nhân, vi phạm những chuẩn mực đạo đức, lối sống...”, sẽ có tác dụng giáo dục cho cán bộ, đảng viên và toàn thể xã hội nhận thức đúng về cơ sở lý luận và nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo sự thống nhất về hành động cách mạng trong Đảng và toàn thể xã hội.

 

Những yêu cầu phải “sửa đổi” trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng, với đội ngũ cán bộ, đảng viên vẫn rất cần phải tiếp tục thực hiện trong tương lai. Đó là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên, góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngang tầm với yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng.