“Lấy phiếu tín nhiệm là vấn đề người dân đặc biệt quan tâm, đây là một thước đo chỉ số uy tín với dân. Trước đây việc lấy phiếu tín nhiệm dường như là điều không tưởng, người dân không có quyền quyết định sinh mạng của cán bộ, nhưng cán bộ lại cho mình quyền quyết định tất cả. Vì thế có một số cán bộ sa vào tha hóa biến chất, xa dân, không vì lợi ích của dân, chỉ chăm lo lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm”. Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) nêu trong buổi thảo luận sáng 10/11, đã được nhiều đại biểu đồng tình.
Loại trừ lợi ích nhóm
Mục đích lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là thể hiện tính đoàn kết trong nội bộ để hoàn thành nhiệm vụ, không được coi đây là dịp để “trả thù”.
Phải thể hiện sự ổn định của Đảng trước, sau là bộ máy Nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nêu tầm quan trọng của việc lấy phiếu tín nhiệm. Bà Khá phân tích, sự lãnh đạo phải từ gia đình, để người thân không được lợi dụng. Và cũng phải đề phòng, tránh mục đích cá nhân, lợi ích nhóm để “hạ bệ” nhau. Và đây cũng như việc “cơm ăn, nước uống” bình thường phải đúng giờ giấc, cũng giống như người thợ may phải may vừa vặn, nếu mặc không vừa phải thay áo khác, bà Khá ví von.
Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) cho rằng, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, đây là việc làm mới, rất khó và hệ trọng nên cần công tâm, tránh “lợi ích nhóm” và không để các thế lực thù địch lợi dụng, chống đối. Ông Khánh cho rằng, nếu chỉ căn cứ vào báo cáo của người lấy ý kiến là chưa đủ. Phải cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, đa chiều để đánh giá nếu không sẽ bị phân tâm. Đánh giá qua các kênh, nhận xét của cơ quan người đó công tác, đánh giá của cử tri thông qua Mặt trận Tổ quốc.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu tập trung vào khâu “bỏ phiếu” và chỉ khoanh vùng trong nhóm 49 cán bộ chủ chốt. Nếu bỏ phiếu “tràn lan” sẽ chỉ là hình thức, kém hiệu quả. Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) lo lắng, nếu mở rộng đến Ủy viên các Ủy ban Quốc hội, HĐND là quá rộng, dễ dẫn đến hình thức, dàn trải. Dân rất quan tâm, đặc biệt đối tượng liên quan đến quyền và tiền. Cần mở rộng đến sự lãnh đạo của Quốc hội, điều hành của Chính phủ, cũng cần lấy phiếu tín nhiệm, điều tra xã hội hằng năm.
Từ chức là văn hóa
“Nhiều cán bộ mất tín nhiệm với dân mà cứ “đu bám” lấy chức quyền. Cần có văn hóa từ chức, đó là cần thiết”, đại biểu Triệu Hà Phan (Hà Giang) nói về văn hóa từ chức rất quả quyết. Ông Phan cho rằng, lấy phiếu tín nhiệm là phương pháp để nâng cao chất lượng, cơ sở giám sát thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của những người được bầu, nâng cao chất lượng, rèn luyện bản thân.
Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) phân trần: “Cán bộ lãnh đạo thì phải có vào có ra, có lên có xuống”. Ông Tường nói, quyền năng của Quốc hội là thể hiện tín nhiệm với chức danh do chính Quốc hội phê chuẩn, phải xem xét bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội là chuyện bình thường. “Đây là vấn đề nhạy cảm, cần tập trung vào những người đứng đầu ở Trung ương và địa phương, cấp phó nếu thấy cần thiết.
Với các chức vụ, chức danh đã nêu trong Nghị quyết (khoản 1, điều 5)”, đại biểu Trần Minh Thống (Kiên Giang) nêu quan điểm. Đa số các đại biểu tán thành, nên làm thí điểm chỉ lấy phiếu tín nhiệm một số vị trí chủ chốt (49 người). Các đại biểu phải có quan điểm rõ ràng, có trách nhiệm với cử tri và chỉ tập trung vào 3 mức “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”, “ý kiến khác”. Nếu 2/3 không tín nhiệm thì bãi miễn, thường thì động viên nên từ chức.
Cũng có một số ý kiến băn khoăn: “Cần có tiêu chí cụ thể để tránh tình trạng “người dám đột phá” thì không dám làm trong cơ chế hiện nay. “Cần có phương án bãi miễn khi cần thiết và xem tư duy từ chức là chuyện bình thường khi chưa hoàn thành nhiệm vụ”, đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) nói. Nhưng cũng có không ít người xin từ chức để trốn tránh trách nhiệm.