Sáng 5/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Thủ đô. Các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo luật. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung được cho là chưa thật phù hợp, chưa thật rõ “đặc thù” của Thủ đô. Nhiều đại biểu đã tập trung góp ý về quản lý dân cư - một vấn đề nóng hiện nay tại các đô thị lớn…
Nhiều đại biểu nhất trí cho rằng, với vị trí, vai trò của Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia thì việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô là trách nhiệm chung của các cơ quan trung ương, thành phố Hà Nội và nhân dân cả nước. Để có thể khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh phát triển Thủ đô, cần quy định cho thủ đô một số cơ chế, chính sách phù hợp.
Đại biểu Quốc hội T.P Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu ý kiến. Một số đại biểu cũng chỉ ra, thời gian qua, trong quản lý và phát triển thủ đô còn tồn tại việc thi hành pháp luật chưa nghiêm, giải phóng mặt bằng chậm, sự gia tăng dân cư cơ học, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, đơn vị sự nghiệp trong nội thành chưa được sắp xếp hợp lý; còn nhiều công trình xây dựng sai phép, không phù hợp với quy hoạch... Vì vậy, cùng với việc xây dựng, ban hành Luật Thủ đô, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan và chính quyền các cấp của T.P Hà Nội cần sớm có biện pháp khắc phục những hạn chế này, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý và thi hành pháp luật trên địa bàn thủ đô.
Trong buổi thảo luận sáng 5/11, nhiều đại biểu tập trung góp ý vào việc quản lý dân cư Thủ đô trước việc tăng dân số cơ học mạnh trong thời gian vừa qua. Tình trạng gia tăng dân số cơ học ở Hà Nội hiện nay là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải đối với hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật, tạo nên những áp lực về giao thông, trường học, chỗ ở, y tế, việc làm… Do vậy, nhiều đại biểu ủng hộ quy định điều kiện đăng ký thường trú vào nội thành Hà Nội chặt hơn so với quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật Cư trú (tại khoản 4 Điều 19).
Đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) nhấn mạnh: Việc hạn chế người vào đô thị và Hà Nội hiện nay đang trở nên cực kỳ cấp bách. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì sẽ khó xác định tốt được thủ đô sẽ phát triển theo hướng nào. Theo đại biểu Lê Nam, Thủ đô là trung tâm hành chính quốc gia, nên điều này cần phải luôn luôn được đặt ra trong các quy định của luật để quy hoạch, phát triển thủ đô đúng hướng.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc) đồng tình với phương án giảm số dân tại Thủ đô bằng cách di dời các cơ sở dạy nghề, giáo dục ra khỏi nội thành. Cùng với đó, đại biểu đề nghị khôi phục lại nét đẹp văn hóa phố cổ, giữ nguyên công viên, hồ nước; với giao thông cần xây dựng cầu vượt các nút giao thông, làm đường trên cao…
Nhiều đại biểu đã chỉ ra việc di cư cơ học do nhiều công nhân đến làm việc tại Hà Nội cũng như người nhà, bệnh nhân đến chữa bệnh, sinh viên đi học, do vậy cần có những quy định cụ thể hơn để hạn chế tình trạng này. Đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) đề nghị cần có biện pháp hiệu quả đưa các cơ sở công nghiệp, trường đại học, bệnh viện ra ngoại thành. Đại biểu Nguyễn Đức Hiền (đoàn Nghệ An) góp ý cụ thể hơn khi đề nghị, cần quy định hạn chế xây dựng chung cư cao tầng trong nội thành.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) lại cho rằng, việc thắt chặt điều kiện nhập cư như trong dự thảo là chưa thuyết phục, vì xây dựng luật này cần không được khác với Luật Cư trú. Do vậy, cần cân nhắc để quy định phù hợp hơn.
Cũng góp ý về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đức Chung (đoàn Hà Nội) chỉ ra, các điều kiện nhập cư trong dự thảo có chặt chẽ hơn so với khoản 1, Điều 20 Luật Cư trú, nhưng không trái so với Luật Cư trú và hoàn toàn cần thiết trong thời điểm hiện nay. Đại biểu Chung dẫn chứng: Việc tăng quá nhanh dân số khiến thành phố khó khăn xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư dự án giao thông đô thị, môi trường; giảm chất lượng cuộc sông sống người dân; vừa gây áp lực chính quyền, giảm chất lượng người dân, lại đẩy chi phí người dân lên cao.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã đề cập đến vấn đề quy hoạch Thủ đô. Đây là vấn đề quan trọng nhưng tiến hành còn chậm. Đa phần các ý kiến tại hội trường tán thành lấy biểu tượng của thủ đô là Khuê Văn Các. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, cần cân nhắc vì Hà Nội có nhiều địa danh, biểu tượng có ý nghĩa lịch sử, văn hóa…