Sau 3 ngày làm việc tích cực, chiều 21/11, tại T.P Hồ Chí Minh, Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 4 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” đã kết thúc tốt đẹp.
Tham dự hội thảo có hơn 200 đại biểu là những học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia, trong đó có khoảng 100 đại biểu quốc tế gồm học giả và quan chức chính phủ đến từ 27 nước và vùng lãnh thổ; gần 30 đại diện Ngoại giao đoàn tại Việt Nam.
Với 36 tham luận và 107 ý kiến trao đổi, các đại biểu tập trung thảo luận bối cảnh và diễn biến tình hình Biển Đông thời gian gần đây, xác định những nguyên nhân dẫn tới việc gia tăng căng thẳng và suy giảm lòng tin trong khu vực, kiến nghị những giải pháp thúc đẩy xây dựng lòng tin, tăng cường hợp tác nhằm duy trì và bảo đảm hòa bình, ổn định ở biển Đông.
Theo đó, các quốc gia quanh vùng biển kín và nửa kín như Biển Đông cần hợp tác và phối hợp chính sách của mình trong quản lý nguồn sinh vật biển, thực hiện nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển.
Một số học giả đề xuất các nước cần nghiên cứu và nhận thức lại về lợi ích quốc gia cơ bản của mình ở Biển Đông, cho rằng lợi ích phát triển kinh tế và ổn định xã hội, bảo đảm hòa bình và phát triển khu vực nên đặt lên trên lợi ích mở rộng chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển.
Do vậy, các bên cần nhanh chóng xây dựng cơ chế khu vực nhằm định hướng ứng xử của các bên trong từng tình huống cụ thể, như việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông, đồng thời tuân thủ Công ước Luật Biển năm 1982.
Đến từ Đại học New South Wales (Học viện Quốc phòng Australia), Giáo sư Carlyle Thayer cho biết, Biển Đông có những tuyến đường hàng hải quan trọng, vì vậy, quyền tự do thông thương, tự do hàng hải cần phải được bảo vệ và tôn trọng và là lợi ích chung của tất cả các quốc gia.
“Thời gian qua chúng ta đã chứng kiến nhiều yếu tố tiêu cực đối với các tranh chấp ở Biển Đông. Vì vậy các quốc gia có liên quan cần nghiêm túc ngồi vào bàn đàm phán và thảo luận với nhau. Đối thoại và đàm phán là giải pháp duy nhất để có tể thúc đẩy hợp tác và giải quyết tranh chấp” - Giáo sư Carlyle Thayer nêu rõ quan điểm.
Hội thảo diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn và thiết thực; nội dung thảo luận có nhiều điểm mới, là một nỗ lực có ý nghĩa của giới học giả Việt Nam nhằm đóng góp cho việc thúc đẩy hợp tác quốc tế vì hòa bình, ổn định khu vực Biển Đông.
Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng, với tất cả những gì đã thảo luận trong 3 ngày qua, các chính phủ có thêm các gợi ý về chính sách, công luận có thông tin sâu hơn, cân bằng hơn về những sự việc xảy ra trên biển Đông; mỗi học giả hiểu hơn về quan điểm của các bên, đồng thời hiểu thêm cách tiếp cận và quan điểm của chính mình, từ đó có thêm những ý tưởng mới, nghiên cứu mới thiết thực, đóng góp cho việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông.