Khẳng định vai trò quan trọng của khoa học xã hội và nhân văn

09:29, 27/11/2012

Từ ngày 26-28/11, 1.000 nhà khoa học đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tới tham dự Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 4 với chủ đề “Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển bền vững”. Hội thảo do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Nhận định chủ đề hội thảo thiết thực và rất có ý nghĩa đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ nói chung, khoa học xã hội và nhân văn nói riêng là một nội dung quan trọng trong chiến lược hội nhập quốc tế của Việt Nam.

 

Hội thảo lần này với sự tham dự đông đảo của các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách sẽ trao đổi cởi mở và thẳng thắn, chia sẻ các thành quả nghiên cứu cũng như đưa ra các ý tưởng, các kiến nghị; qua đó đóng góp thiết thực cho việc nâng cao nhận thức, đề xuất những giải pháp và chính sách cụ thể thúc đẩy hội nhập và phát triển bền vững ở Việt Nam. Thành công của Hội thảo một lần nữa sẽ khẳng định vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng của khoa học xã hội và nhân văn cũng như những giá trị mà nó mang lại trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam .

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn, các nhà khoa học quốc tế tiếp tục đồng hành cùng các nhà khoa học Việt Nam xây dựng và phát triển bền vững ngành Việt Nam học trên thế giới, nhất là thành lập được nhiều hơn các Trung tâm nghiên cứu Việt Nam ở các nước, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành Việt Nam học cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng có hiệu quả giữa các nước vì một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững. Đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của các quốc gia, các tổ chức và các học giả quốc tế đối với công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của Việt Nam nói chung và Việt Nam học nói riêng.

 

Trong 3 ngày diễn ra hội thảo (26-28/11/2012), ngoài các báo cáo tham luận, các đại biểu chia sẻ kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm phát triển, các tri thức mới về một đất nước Việt Nam; đồng thời tham gia thảo luận về các nội dung liên quan đến đến: lịch sử Việt Nam – truyền thống và hiện đại; văn hóa và giao lưu văn hóa trong hội nhập và phát triển bền vững; dân tộc và tôn giáo trong hội nhập và phát triển bền vững; môi trường và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu; hệ thống pháp luật Việt Nam trong thời đại pháp quyền vì mục tiêu phát triển bền vững; ngôn ngữ, văn học và nghệ thuật Việt Nam trong trong hội nhập và phát triển bền vững.