Khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai vẫn còn phức tạp

18:00, 07/11/2012

Sáng 7-11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định (QĐ) hành chính về đất đai, do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu trình bày trước Quốc hội.

Báo cáo cho biết, từ năm 2003 đến 2011, các cấp, ngành đã giải quyết được số lượng lớn đơn thư khiếu nại, tố cáo; trong đó đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, xử lý kịp thời những điểm nóng phát sinh và những vụ việc khiếu nại đông người liên quan đến lĩnh vực đất đai. Tuy vậy, các vụ khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai có xu hướng ngày càng tăng cả về số lượng cũng như tính chất phức tạp. Tính phức tạp của tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo không chỉ bắt nguồn từ những nguyên nhân có tính lịch sử trong quản lý và sử dụng đất đai qua các thời kỳ, những xung đột gay gắt về lợi ích kinh tế, mà còn từ hệ quả của sự quản lý thiếu hiệu quả của cơ quan hành chính Nhà nước, sự bất hợp lý và thiếu đồng bộ của hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai, sự thiếu trách nhiệm, không công tâm, khách quan của một bộ phận cán bộ, công chức, người đứng đầu cơ quan chức năng trong quá trình thực thi công vụ…

 

Sau khi nghe Báo cáo kết quả giám sát về vấn đề này, QH đã thảo luận tại Hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các QĐ hành chính về đất đai.

 

Phát biểu tại phiên làm việc hôm qua, bà Trương Thị Huệ, Phó Trưởng đoàn Đại biểu QH tỉnh Thái Nguyên cho biết: Cơ bản nhất trí với với Báo cáo kết quả giám sát của UBNVQH về việc thực hiện chính sách pháp luật trong khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các QĐ hành chính về đất đai. Song, qua nghiên cứu Báo cáo, tôi nhận thấy trong thời gian gần đây, việc khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực này vẫn không giảm, người dân vẫn  rất bức xúc. Ngoài ra, theo cơ chế hiện nay, nhiều cơ quan cùng có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, dẫn đến việc bao quát và kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc giải quyết đơn thư chưa được quan tâm đúng mức, nhiều cấp có thẩm quyền chưa chủ động trong việc giải quyết đơn thư, thậm chí để đơn ngoài sổ sách theo dõi để tránh sự kiểm tra, chỉ khi nào cấp trên chỉ đạo xuống thì mới tập trung giải quyết…

 

Bà Trương Thị Huệ cũng cho rằng: Những nội dung trên đều phát sinh cơ bản ở cấp huyện và cấp xã, nơi bắt đầu của việc phát sinh khiếu nại, tố cáo. Nếu 2 cấp này làm tốt công tác giải quyết đơn thư thì sẽ giảm tải rất nhiều các loại đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp lên trên.

 

Từ thực tế trên, bà Huệ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần tạo điều kiện hơn nữa về biên chế, cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện làm việc cho cấp huyện và cấp xã trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Có ngay chế tài buộc trách nhiệm và hình thức xử lý cho các cơ quan và người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn thư nói chung, trong lĩnh vực đất đai nói riêng một cách cụ thể, rõ ràng và lượng hóa tỷ lệ giải quyết đơn thư để làm cơ sở cho việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát. Đối với cấp huyện và xã, nên quy định rõ ràng tất cả đơn thư phải được gửi đến tập trung tại một bộ phận (có thể là bộ phận tiếp dân hoặc cơ quan thanh tra để mở sổ theo dõi và tham mưu cho cấp có thẩm quyền xử lý), đồng thời đôn đốc, theo dõi quá trình giải quyết đơn thư của các cơ quan được phân công giải quyết.