Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Dự thảo khi được thông qua phải thể hiện được ý chí toàn dân.
Sáng 6/11, các đại biểu thảo luận ở tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình về sự cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.
Theo Tờ trình, việc sửa đổi Hiến pháp 1992 cần đáp ứng các yêu cầu tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn những nội dung cơ bản có tính bản chất của chế độ ta đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992 về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; thể chế hóa kịp thời những quan điểm, chủ trương lớn được nêu trong cương lĩnh và các văn kiện khác của Đảng; hoàn thiện kỹ thuật lập hiến, bảo đảm để Hiến pháp thật sự là đạo luật cơ bản, có tính ổn định, lâu dài.
Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng cần đánh giá cụ thể báo cáo sau 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992 vì đây là cơ sở để sửa đổi. “Nói sửa đổi Hiến pháp cho phù hợp với tình hình mới thì phải làm rõ nội dung “tình hình mới” như thế nào để chiếu vào các điều khoản sửa đổi xem có phù hợp hay không”, đại biểu nêu ý kiến.
Về Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) cho rằng cần tổ chức thực hiện làm sao tập trung được trí tuệ toàn dân trong xây dựng Hiến pháp, phải có cơ chế tiếp thu các luồng ý kiến để sửa đổi tốt hơn, đồng thời loại bỏ những ý kiến không mang tính xây dựng.
“Việc lấy ý kiến nhân dân phải làm tốt. Ý kiến nào được tiếp thu hay không được tiếp thu phải được giải trình rõ”, đại biểu nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh nhấn mạnh, sửa đổi Hiến pháp là việc hệ trọng, do đó các đại biểu cần dành thời gian tiếp tục nghiên cứu, suy nghĩ và đề xuất ý kiến.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị: “Các đại biểu phải thảo luận kỹ, lý luận thật chắc, lắng nghe, tập hợp ý kiến toàn dân và đi đến một sự đồng thuận để thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”.