Theo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ cũng như các chức danh do 2 cơ quan này bầu và phê chuẩn sẽ có hiệu lực từ năm 2013.
Sáng nay 21/11, với 95,1% phiếu tán thành. Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2013.
Theo đó, việc lấy, bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện định kỳ hàng năm, kể từ năm thứ 2 của nhiệm kỳ; riêng đối với nhiệm kỳ 2011-2016 thì việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiến hành tại kỳ họp đầu năm 2013.
Nghị quyết quy định, Quốc hội, HĐND lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín với các mức độ đánh giá: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Việc đánh giá mức độ tín nhiệm dựa trên 2 căn cứ: Kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Hệ quả đối với người được Quốc hội, HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” được nêu rõ: Người có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người có trên 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND trình Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm.
Nghị quyết cũng nêu rõ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong các trường hợp sau đây: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị; Có kiến nghị bằng văn bản của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội; Có kiến nghị của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội; Người được lấy phiếu tín nhiệm có trên 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp”; Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” 2 năm liên tiếp.
Người có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND bỏ phiếu “không tín nhiệm” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức đối với người không được Quốc hội, HĐND tín nhiệm.
Nghị quyết của Quốc hội cũng nhấn mạnh, cơ quan, tổ chức, cá nhân không được lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để vận động hoặc có hành vi trái pháp luật tác động đến đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Nghị quyết nêu rõ, người được lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo trung thực kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và giải trình đầy đủ các nội dung mà đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND yêu cầu. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban MTTQ các cấp tập hợp, tổng hợp đầy đủ, kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (nếu có) gửi đến Quốc hội, HĐND tại kỳ họp.
49 chức danh ở cấp Trung ương sẽ được lấy, bỏ phiếu tín nhiệm: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Ở địa phương, HĐND lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những chức vụ: Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Ủy viên thường trực HĐND, Trưởng Ban của HĐND; Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND.