24 giờ gồng mình giữ "mạch máu hồng"

11:31, 24/12/2012

Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" là mốc son chói lọi trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trong chiến thắng đó có đóng góp của các chiến sĩ thanh niên xung phong Đại Đội 913 (thuộc Đội 91, TNXP Bắc Thái).

Trước năm 1972, Đại đội 913 đã tham gia làm 11 con đường lớn nhỏ và xây dựng các trận địa pháo cao xạ, trạm ra đa, đào hầm giấu các bể chứa xăng dầu, sửa chữa đập Thác Huống - công trình thủy lợi lớn nhất của tỉnh Bắc Thái... Đơn vị đã được phân công đảm nhận thi công những đoạn đường khó khăn nhất qua nhiều núi đá tai mèo và cây cối rậm rạp, núi cao, suối sâu như các tuyến đường  Thác Riềng - Na Rì nối thông với Quốc lộ 3, đường nhánh Nam Tiến - Suối Nước từ Phúc Hà đến ga Quán Triều... Mặc dù vậy nhưng đơn vị đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, luôn là đơn vị lá cờ đầu của Đội 91.

 

Giữa năm 1972, đế quốc Mỹ cho ném bom và thả thủy lôi phong tỏa cảng Hải Phòng và khu vực cửa sông các tỉnh Duyên hải Bắc Bộ, việc tiếp nhận và trung chuyển hàng viện trợ bị ngưng trệ. Tuyến đường 1B (Lạng Sơn - Thái Nguyên) và đường 16A (Ga Kép - Chùa Hang - T.P Thái Nguyên) đã trở thành đường chiến lược đặc biệt quan trọng. Đường 16A là đường tiếp nhận, trung chuyển quân sự. Từ Chùa Hang đến Ga Kép, dọc hai bên đường là các đơn vị: Trường đào tạo lái xe quân đội; Mỏ sắt Trại Cau; Ga xe lửa Hợp Tiến, kho Bảo Nang (nơi cất giữ hàng quốc phòng); Kho bãi đỗ xe quân sự 382; Kho hầm chôn những bồn chứa khối lượng lớn xăng dầu. Ngoài ra còn có các trận địa pháo cao xạ, trận địa tên lửa bảo vệ khu Gang thép và T.P Thái Nguyên. Chính vì thế, đường 16A trở thành tâm điểm giặc Mỹ đánh phá ác liệt. Để đảm bảo giao thông cho tuyến đường trọng yếu này, tháng 7 năm 1972, Đại đội 913 được điều động di chuyển từ km 15 đường 1B Đồng Hỷ đi Võ Nhai đến đây chốt giữ, sửa chữa và ứng cứu, trọng điểm là đoạn qua xóm Ao Sen, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ). Đây là khu vực có kho bãi đỗ xe sơ tán của quân đội, thường xuyên có hàng trăm xe vận tải quân sự và xe thiết giáp.

 

Để trụ vững, chiến đấu lâu dài, Ban chỉ huy Đại đội do đồng chí Nguyễn Hằng Được làm Đại đội trưởng đã khai thác tre nứa, dựng lán trại dưới tán cây rừng, đồng thời khẩn trương đào hầm hào. Nhằm hạn chế thương vong, Đại đội đã yêu cầu mỗi cán bộ, đội viên đào một hầm cá nhân tại nơi ở và một hầm xung quanh đoạn đường nơi đơn vị sửa chữa để thuận tiện cho việc trú ẩn. Chỉ chưa đầy 3 ngày, đơn vị đã kiến thiết được đường hầm, hào vừa có lối thông nhau lại vừa có thể phân tán các tiểu đội cách nhau hàng trăm mét tránh bom đạn Mỹ. Trong các ngày 8,15,16,21 và 22 tháng 10 năm 1972, giặc Mỹ điên cuồng bắn phá cả ngày lẫn đêm xuống các xã Nam Hòa, Linh Sơn, Tân Lợi ở dọc đường 16A nơi Đại đội đang làm nhiệm vụ. Trong tiếng gầm rú xé tai, tiếng nổ chát chúa của máy bay và bom đạn Mỹ, làng mạc tan hoang, hầu hết người dân đã đi sơ tán, các thành viên Đại đội 913 vẫn quyết tâm túc trực, bám trụ đường.  700 quả bom rải thảm xuống khu Nam T.P Thái Nguyên tối ngày 24/12 đã cướp đi mạng sống của rất nhiều người, trong đó có 60 TNXP Đại đội 915 và Đội phó Đội 91 Nguyễn Thế Cường. Sự hy sinh của đồng đội, những cái chết tức tưởi của những người dân vô tội, cũng không thể làm nhụt chí của các thành viên Đại đội 913. Nén đau thương, hơn 100 thành viên của Đại đội vẫn ào lên làm nhiệm vụ, sôi sục ý chí căm hờn quân Đế quốc.

 

Ngày 29/12/1972, các toán máy bay trinh sát, máy bay B52 liên tục thả bom đánh phá khu vực đường 16A. Suốt một ngày, đêm Đại đội 913 đã gồng mình dưới lưới đạn của quân thù, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Ông Nguyễn Hằng Được, bồi hồi nhớ lại: Hôm ấy, khoảng hơn 9 giờ sáng chúng tôi đang làm nhiệm vụ sửa đoạn đường tại xóm Ao Sen, Tiểu đội 1 và Tiểu đội 4 được phân công sửa hầm hào cách mặt đường chừng 300m, thì một tốp máy bay F111 của giặc bay thấp đánh lén thả bom trúng vào vị trí 2 tiểu đội đang sửa hầm, tất cả đều diễn ra vô cùng chóng vánh. Tiếng bom vừa dứt, khói bụi mịt mù, tôi chỉ kịp hô "các đồng chí xông lên cứu đồng đội". Tất cả chạy ra chỗ quả bom vừa nổ, khiêng, vác đồng đội ra khỏi bãi bom. 5 người đã hy sinh và 8 người khác bị thương.

 

Nhìn vào mắt ông tôi biết, giờ phút tang thương ấy đang hiện về trong tâm tưởng người cựu TNXP này. Với tay lấy chiếc khăn giấy lau cặp kính bị nhòe vì nước mắt, ông nghẹn ngào: 5 đồng chí hy sinh đều là nữ: Đặng, Đằm, Hồng, Phân, Công, tất cả đều còn rất trẻ. Hôm ấy Đằm trực ban, vừa thổi dứt tiếng còi báo động, chưa kịp xuống hầm trú ẩn thì bị trúng bom, lúc tôi đến chiếc còi vẫn còn ngậm trong miệng. Hơn 200m đường bị cày xới tan hoang, những hố bom sâu hoẳm, nhằng nhịt chia cắt con đường 16A đoạn qua xóm Ao Sen. Lúc này, hàng trăm xe thiết giáp quân sự đang phải sơ tán vào phía trong xã Tân Lợi, Hợp Tiến và các loại xe khác trên đường bị ách tắc hoàn toàn, phải ẩn nấp tạm dưới những tán cây rừng ven đường. Sau gần 2 tiếng sơ cấp cứu và chuyển đồng đội đi mai táng, nước mắt còn ngấn đọng trên từng khuôn mặt của người ở lại, người cuốc, người xúc, tất cả lại lao vào làm nhiệm vụ sửa đường. Trong cái rét ngọt của những ngày cuối năm, mồ hôi đầm đìa lưng áo, các TNXP đã dồn tất cả sức lực, lòng yêu nước, xót thương đồng đội và lòng căm thù giặc vào từng nhát cuốc, từng xẻng đất. Họ làm việc miệt mài không biết đến thời gian cho đến gần chiều tối con đường đã thông tuyến, giúp đoàn xe tiếp tục lên đường chạy theo hướng an toàn về Yên Thế.

 

Bữa cơm chiều hôm ấy đượm mùi thuốc súng, bưng bát cơm lên nhưng nghĩ đến đồng đội hy sinh lại nghẹn ngào đặt bát xuống. Tối đến, nhận được lệnh sơ tán, 2 đồng chí Đại đội phó là La Quang Bay, Đinh Thị Phén và 12 đồng chí khác được cử ở lại bám trụ đường sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống cấp thiết xảy ra. Các thành viên còn lại rút sâu vào ven rừng Hòa Khê, xã Văn Hán, Đồng Hỷ để bảo toàn lực lượng. Khoảng 20 giờ, đơn vị vừa đặt chân tới địa điểm mới thì trên bầu trời khu vực xã Nam Hòa và khu công nghiệp Trại Cau rực pháo sáng, tiếp theo là từng tốp máy bay F111 của giặc làm nhiệm vụ dọn đường cho máy bay B52 bay tới rải bom. Từ phía lán trại của đơn vị ở xóm Ao Sen, những cột lửa bốc cao ngùn ngụt, mặt đất ầm ầm rung chuyển, đất đá bắn tung. Tiếng bom vừa ngớt, mọi người bật lên khỏi hầm trú ẩn, vừa chạy, vừa lăn qua hàng trăm hố bom lao về khu vực lán trại. Hơn 300 quả bom Mỹ trút xuống đã xóa sạch dấu vết lán trại, nhưng thật may cả 14 đội viên đều sống xót. Mặt mũi lấm lem thuốc bom, tất cả ùa lại ôm chấm lấy nhau khóc mừng. Nhưng đoạn đường dài hơn 200m mới được sửa ban chiều lại tiếp tục bị bom băm nát. Không còn lán trại, trong cái đói, cái rét, từng tốp tản ra đi tìm dụng cụ trong các đống đổ nát. Hơn 200m đường biến thành những hố bom sâu hoắm nối tiếp nhau, trên con dốc gần Ao Sen nhà cửa của bà con bị phá hủy, chỉ còn trơ lại cái nền nhà, cây cối bị bom phạt đổ ngổn ngang. Cảnh tượng ngày hôm ấy không thể phai mờ trong trí nhớ của ông Hằng: Lúc san đường, vác dọn cây cối tôi thấy 2 vợ chồng ông bà Tái ôm nhau chết trong một hầm kèo bẹp dúm. Anh Khang Đại đội trưởng Phân kho cơ giới tăng thiết giáp vừa lúc chiều còn cảm ơn đơn vị TNXP đã cứu đoàn xe không bị tồn đọng, buổi tối đã bị bom vùi lấp trong một hố sâu thăm dò địa chất. Lúc đưa được xác của anh lên, chiếc đài anh đeo bên người vẫn nói, còn anh thì đã chết.

 

Chiến tranh đã lùi xa, quá khứ đã khép lại nhưng những cống hiến của các chị, các anh vẫn mãi là bài học cao cả về lòng yêu nước. Chỉ với cuốc, xẻng thô sơ đối chọi với đạn bom có sức tàn phá khủng khiếp của quân thù, nhưng những đôi bàn tay dũng cảm ấy đã giúp những đoàn xe thẳng tiến ra chiến trường, góp phần làm nên một đất nước Việt Nam vĩ đại. Để ghi nhận những đóng góp đó, Nhà nước đã quyết định trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước Hạng 3 cho Đại đội 913.

                                                                                                             

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Ông Nguyễn Hằng Được, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 913 (ảnh: Kim Ngân)

 

 

Ông Nguyễn Hằng Được, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 913 thăm lại nơi đơn vị từng đóng tại xã Nam Hòa,Đồng Hỷ (Trong ảnh: Một trong những hố bom còn sót lại sau đợt Mỹ ném bom tại đây năm 1972 )

 

                           

Ông Nguyễn Hằng Được, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 913 ôn lại kỷ niệm ngày 29/12/1972 với người dân xóm Nam Hòa (ảnh: Quang Khải)