Ngày 25/12, Chính phủ đã tổ chức họp giao ban trực tuyến với các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng điều hành phiên họp. Tham gia phiên trực tuyến, về phía điểm cầu tỉnh Thái Nguyên có các đồng chí: Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh.
Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 01 và Nghị quyết số 13 của Chính phủ, trong đó nhấn mạnh: Trong những tháng đầu năm, tình hình khó khăn của kinh tế Thế giới và trong nước đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã có các văn bản chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, thúc đẩy đầu tư. Với những giải pháp quyết liệt, tích cực nên lạm phát đã được kiềm chế đúng hướng, đảm bảo ổn định thị trường trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô. Chính sách tiền tệ được điều hành chặt chẽ, linh hoạt; chính sách tài khóa và cân đối ngân sách triển khai tích cực nên đạt dự toán thu, chi ngân sách nhà nước; đầu tư công được quản lý chặt chẽ; một số nguồn vốn (trái phiếu Chính phủ, vốn ngân sách Nhà nước) sử dụng có hiệu quả; kim ngạch xuất khẩu tăng. Về tình hình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đã hoàn thiện và trình Chính phủ các đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước; trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng…Trong lĩnh vực đầu tư đã bố trí vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ theo thứ tự ưu tiên, không dàn trải, tập trung vốn cho công trình hoàn thành. Mặc dù kinh tế còn khó khăn, ảnh hưởng đến lao động, việc làm ở các doanh nghiệp, song do có các giải pháp kịp thời nên việc làm của người lao động được đảm bảo; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo..Về kết quả thực hiện Nghị quyết 13, lạm phát cơ bản được kiềm chế; chính sách tiền tệ và tài khóa được điều hành, chặt chẽ; xuất khẩu liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn; sản xuất nông lâm nghiệp phát triển ổn định…
Tại phiên họp, các đại biểu còn nghe các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ trình bày Nghị quyết dự thảo về điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, trong đó nêu rõ mục tiêu, những khó khăn, thách thức và đề ra 9 nhóm giải pháp điều hành (về tăng cuờng ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, hiệu quả; đảm bảo tăng trưởng tín dụng; tập trung cho xuất khẩu; cơ cấu lại tổ chức tín dụng; thực hiện chính sách tài khóa triệt để tiết kiệm…). Dự thảo Nghị quyết chuyên đề về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Trong đó, trọng tâm là đề xuất các giải pháp về giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường và đầu tư (giải pháp về giải ngân vốn đầu tư; thực hiện phân bổ vốn đầu tư trọng tâm, trọng điểm; mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư..); về giảm chi phí sản xuất, kinh doanh (gồm giải pháp về các chính sách thuế); vốn tín dụng (tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất; tái cấu trúc ngân hàng thương mại); giải quyết nợ xấu (rà soát, đánh giá tình trạng nợ xấu để có biện pháp về giải quyết nợ xấu); tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản…
Ngoài ra, các đại biểu còn nghe báo cáo tóm tắt kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành năm 2012; đề ra nhóm giải pháp điều hành năm 2013, qua đó nêu bật những kết quả, hạn chế, các biện pháp nhằm khắc phục để nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của Chính phủ trong năm 2013.
Các tỉnh, thành phố, các chuyên gia kinh tế đã có nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 như: Cần có giải pháp cụ thể, tích cực hơn về xử lý thị trường bất động sản; về cơ cấu ngân hàng; hỗ trợ ứng vốn trái phiếu Chính phủ để hoàn thành một số dự án trọng điểm; có chính sách hỗ trợ thị trường; cần hỗ trợ cho các địa phương bớt khó khăn về nguồn thu; nên có cơ chế đặc thù cho các địa phương quá khó khăn. Về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước nên phân loại những tập đoàn có quy mô, tầm ảnh hưởng lớn để có giải pháp đặc biệt; nên có chính sách về tạo cầu, gắn với xử lý nợ xấu, hạ lãi suất cho vay để khơi thông nguồn cung và giảm lãi suất cho vay; nên mạnh dạn sử dụng các biện pháp tạm thời để đưa tín dụng đến với doanh nghiệp; cần có cơ chế mới về bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp; điều chỉnh tỷ giá linh hoạt…
Chính phủ tiếp tục họp vào ngày 26/12, để thảo luận, đóng góp các ý kiến nhằm thực hiện tốt các nhóm giải pháp của Chính phủ. Qua đó, Chính phủ sẽ hoàn thiện văn bản để ban hành các nghị quyết nhằm triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ năm 2013.