Ký ức không thể nào quên

10:47, 24/12/2012

“Ngày Giáng sinh cách đây tròn 40 năm về trước, tại “cảng nổi” ga Lưu Xá (T.P Thái Nguyên), 60 đồng đội của tôi đã mãi mãi ra đi ở độ tuổi mười tám, đôi mươi trước những loạt mưa bom điên cuồng của đế quốc Mỹ. Chừng ấy thời gian đã trôi qua, nhưng với tôi, cảm giác về ngày kinh hoàng đó chưa bao giờ phai nhạt. Và, mỗi năm, cứ gần đến ngày này, ký ức đó lại sống dậy, rõ ràng hơn bao giờ”.

Đó là những lời tâm sự chân tình mà ông Tống Văn Minh (nguyên Đại đội phó Đại đội 915, Đội Thanh niên xung phong (TNXP) 91 Bắc Thái) nói với chúng tôi và những đồng đội trong một ngày gặp mặt gần đây. Tuy hiện đang sống ở huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) nhưng từ nhiều ngày nay, ông đã về Thái Nguyên gặp những đồng đội cũ, tiếp tục liên lạc, kịp thông tin cho những người khác về dự Lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và 40 năm Ngày hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ TNXP Đại đội 915 được UBND tỉnh long trọng tổ chức vào đúng ngày các đồng đội của ông đã ngã xuống (24/12).

 

Ông Minh hồi tưởng: “Hôm ấy, đơn vị tôi nhận được lệnh từ cấp trên cử 60 đội viên của Đại đội 915 xuống làm nhiệm vụ tiếp tục bốc dỡ hàng hóa tại ga Lưu Xá. Biết rằng nguy hiểm luôn rình rập nhưng tất cả đội viên đều giơ tay xung phong đi thực hiện nhiệm vụ. Sau khi bàn bạc, Đại đội quyết định chọn những người khỏe mạnh nhất xuống Lưu Xá. Tôi trực tiếp chỉ huy hơn 40 người còn lại đi sửa đường đoạn 16A qua xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) theo sự phân công của cấp trên. Sau một ngày làm việc vất vả, khi đang ngồi ăn cơm thì chúng tôi nghe thấy tiếng máy bay Mỹ quần đảo trên bầu trời. Rồi, hàng loạt tiếng bom nổ chát chúa kèm theo ánh sáng chói lòa từ phía Lưu Xá. Lúc đó khoảng hơn 7 giờ tối. Hướng về phía Ga, tôi và mọi người cùng chung tâm trạng thấp thỏm, lo lắng về một dự cảm chẳng lành. Một số người trong Đội xin đi xem sự thể thế nào nhưng không được cấp trên cho phép. Tối đó, chúng tôi hầu như không ngủ, ai cũng hồi hộp chờ tin tức của đồng đội. Đến gần 2 giờ đêm, thì nhận được tin dữ: bom Mỹ đánh trúng hầm trú ẩn. Chưa biết tình hình cụ thể ra sao nhưng tất cả đều bật khóc. Rồi chúng tôi được lệnh di chuyển xuống Ga Lưu Xá để ứng cứu.

 

Đến đây, ông Ma Đình Đào, từng là thành viên Đại đội 915, từ đầu vẫn chăm chú nghe người chỉ huy cũ kể cũng không khỏi xúc động: Mọi người bước bộ trong im lặng. Không ai nói được với ai câu nào như để hy vọng, cầu mong cho đồng đội được lành nhiều dữ ít. Nỗi hoang mang, lo sợ chúng sẽ đánh bom tiếp vào Ga Lưu Xá đè nặng nhưng ai cố bước thật mau, mong sao đến được nơi mà đồng đội đang cần người ứng cứu.

 

Ông Minh kể tiếp: Xuống đến nơi thì trời đã gần sáng. Trước mắt chúng tôi là cảnh tưởng hoang tàn, đổ nát: hàng hóa, đất cát, xương máu đồng đội như trộn lẫn vào nhau. Nhiều người hình hài không còn nguyên vẹn khiến mọi người bàng hoàng. Ông Minh rơm rớm: “Đau xót nhất là chúng tôi vẫn còn nghe tiếng đồng đội kêu cứu ở trong hầm, biết có người còn sống nhưng không sao cứu ngay được bởi bức tường bê tông sập ngang cửa hầm quá dày. Sau hơn một giờ cố gắng cùng sự nỗ lực của các đơn vị khác, chúng tôi đã cậy được nắp hầm để vào bên trong. Nhưng… rất nhiều đồng đội đã hy sinh do bị ngạt, họ ôm lấy nhau trong giây phút cuối cùng. Trước cảnh tang thương đó, không ai cầm nổi nước mắt”.

 

Trong số những người bị thương do sức ép của bom, chúng tôi may mắn đưa được 5 người đi bệnh viện cấp cứu. Trong đó có đồng chí Hoàng Văn Thắng, quê ở Bằng Lũng, Chợ Đồn (Bắc Kạn) bị kẹt cứng giữa 2 tảng bê tông lớn, không thể cử động. Kỳ diệu nhất là trường hợp đồng chí Bùi Thị Loan, cùng ở Chợ Đồn (Bắc Kạn). Khi được phát hiện và đưa ra khỏi đống đổ nát, đồng chí Loan đã không còn hơi thở. Đến khi chuyển tới nghĩa trang, mọi người phát hiện cơ thể đồng chí ấy vẫn còn ấm, mạch còn đập nên đã nhanh chóng đưa đi bệnh viện và được cứu sống.

 

Trong cuộc đời ông Hoàng Văn Minh và đồng đội chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng đau thương và bi tráng đến thế. Toàn bộ 60 đội viên đã hi sinh được chuyển lên 3 ô tô đưa về Tổng đội (ở khu vực phường Tân Thịnh, T.P Thái Nguyên). Do không có điều kiện khâm niệm ngay nên những đội viên hi sinh phải để tạm trên xe. Sau ngày 26/12, họ mới được chuyển vào Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Lim để an táng. Sau mất mát vô cùng to lớn ấy, những đội viên còn lại của Đại đội 915 đã biến đau thương thành hành động, cùng các đơn vị khác trong Đội 91 kiên trì bám trụ, kịp thời giải tỏa hoàng hóa còn đọng tại ga Lưu Xá và Quan Triều đến nơi an toàn. Đại đội 915 sau đó được bổ sung quân số, tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

 

“Những ngày này, tất cả thành viên của đơn vị đều đã trở về Di tích ga Lưu Xá để được thắp nén hương tưởng nhớ và cầu mong cho đồng đội mình an giấc ngàn thu. Giờ đây, được sự quan tâm của tỉnh, Nhà tưởng niệm và Khu di tích đã và đang được xây dựng. Đây là sự tri ân vô cùng ý nghĩa đối với những người đã khuất cũng như thân nhân các Anh hùng liệt sĩ. Tuy nhiên, hiện tên và quê quán ghi trên bia mộ của một số liệt sĩ Đại đội 915 trong Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Lim chưa thật chính xác, đề nghị các cơ quan chức năng tìm hiểu và sửa chữa lại. Với những đội viên còn sống, chúng tôi cũng mong sao chính quyền các cấp sớm công nhận thương binh và giải quyết chế độ cho những người đã được giám định thương tật, bởi hiện nay, nhiều cựu TNXP có cuộc sống rất khó khăn”: Ông Minh chia sẻ.

 

Ông Tống Văn Minh kể lại sự kiện trong đêm 24/12/1972