Noel màu lửa (Kỳ I)

17:03, 03/12/2012

LTS: Cuối tháng 12 năm nay, chúng ta sẽ trang trọng Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và ngày mất của 60 cán bộ, đội viên thuộc Đại đội 915, Đội Thanh niên xung phong (TNXP) 91 Bắc Thái (24/12/1972 - 24/12/2012) vì bom đạn của kẻ thù. Nhân dịp này, Báo Thái Nguyên xin gửi đến độc giả tùy bút “Noel màu lửa” của Nhà báo Hữu Minh. Bài viết góp phần nhắc nhớ về một sự kiện bi tráng diễn ra trên vùng đất Thép quê hương - một ký ức chưa xa nhưng cần được nói đến để không bao giờ chúng ta được phép quên…

I

Cuối năm 2010, tôi có dịp sang Mỹ. Ngoài việc tìm hiểu để làm phóng sự về đời sống của người dân Mỹ, tôi cũng có ý định phỏng vấn một người Mỹ về Noel và cuộc chiến tranh Việt Nam hơn 30 năm trước.

 

Tại thành phố San Francisco, trong một quán cà phê, tôi gặp được một phụ nữ Mỹ chính gốc (gặp thì nhiều nhưng chính gốc thì không nhiều). Bà ấy nói tên là Rônan. Ở Mỹ, hay còn gọi là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (xin nhấn mạnh là Hợp chúng quốc chứ không phải Hợp chủng quốc), ai sinh ra trên đất ấy từ 3 đời có thể gọi là chính gốc được… Ông Đức - thông dịch viên cho đoàn chúng tôi - nói với bà Rônan là tôi có ý định phỏng vấn ghi hình. Thoạt đầu bà lưỡng lự, sau đó chúng tôi phải nói rằng chúng tôi muốn biết tâm tư tình cảm của bà ấy (lúc này gần kề Noel), bà đồng ý ngay.

 

- Ở Mỹ, những người công dân bình thường như bà thì một năm có mấy ngày quan trọng? Tôi hỏi.

 

- 2 ngày, bà Rônan nói, là ngày 1 tháng 1 (đầu năm mới) và ngày Thiên chúa giáng sinh (24/12, tức ngày Noel). Ngày Noel thiêng liêng hơn. Ngày ấy, người dân Mỹ phải nghỉ việc để đi lễ Chúa.

 

- Vì sao vậy?

 

- Bởi đây là Ngày sinh của Đức chúa Giê-su - Chúa linh thiêng của muôn người. Ngày ấy chúng tôi nghỉ ngơi, cầu nguyện cho Chúa, sám hối trước Chúa và cầu nguyện cho mình, cho mọi chúng sinh thái bình, thịnh vượng. Tâm trạng con người nhẹ nhàng, thân thiện. Một ngày không ai có thể làm được gì ngoài điều thiện. Người Mỹ kính chúa và yêu nước Mỹ của mình bằng việc làm từ thiện. Ngày ấy ai làm việc sai trái thì có lỗi với Chúa, phải bị Chúa trị tội.

 

- Vậy à? Thế bà có biết ngày ấy (ngày Giáng sinh) năm 1972, cách đây 38 năm, chính người Mỹ đã cho ném bom hòng xóa sổ Việt Nam, xóa sổ một dân tộc, đã có hàng nghìn người hy sinh vì bom đạn Mỹ?

 

- Có! Hồi còn trẻ tôi cũng đã biết việc ấy, đã xuống đường tại thành phố San Francisco này để biểu tình chống nhà cầm quyền làm điều tàn ác. Thật đáng tiếc! Thật đáng tiếc!

 

Tự dưng tôi thấy nóng bừng ở mặt. Bà Rônan thì nói đáng tiếc, còn tôi thấy như có lửa cháy, bom rơi, như có tiếng gầm xé của máy bay và những tiếng kêu thất thanh, ai oán. Bầu trời San Francisco trong xanh, Noel xứ này thường có màu xanh da trời. Còn quê tôi, năm ấy có một Noel màu lửa.

 

II

Bản hùng văn dưới đây tôi ghi lại được của Giáo sư Vũ Khiêu vào mùa Xuân năm Kỷ Sửu 2009:

 

Chuông rung lên, lộng gió bình minh

Chuông dội khắp, gọi hồn quá khứ

Dưới bầu trời Việt Bắc uy linh

Đây mảnh đất Thái Nguyên lịch sử

Giữa Gang Thép ngàn lần thử lửa

Với quân thù trăm trận thi gan

 

Đây Đại đội 915 Bắc Thái

Họp con em hai tỉnh xung phong

Chỉ sông núi: Một thề cứu quốc

Sao bảo toàn võ khí quân lương

Kịp tiếp ứng nhu cầu chiến lược?

Dù kẻ địch ngày đêm bạo ngược!

Vì tiền phương chẳng kể gian nan

 

Ngày 24 ngàn thu nhớ mãi

Gia Sàng nhộn nhịp, kẻ vác người khiêng

Lưu Xá tơi bời, bom rơi đạn nổ

Cả một đoàn cùng nguyện hy sinh

Sáu chục bạn hiên ngang thọ tử

Máu trung liệt phơi đầy đất đỏ

Khí anh hùng cao vút mây xanh

 

Một sự kiện lịch sử bi tráng xảy ra tại T.P Thái Nguyên đúng vào đêm Noel năm 1972. Khi cả thế giới rạo rực chào đón lễ Giáng sinh, 60 cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong (TNXP) thuộc Đại đội 915 (Đội TNXP 91 Bắc Thái) đã hiên ngang thọ tử tại hậu phương lớn miền Bắc XHCN khi đang làm nhiệm vụ giải tỏa hàng quân sự, phục vụ tiền tuyến lớn miền Nam đánh Mỹ.

 

Cuối năm 2009, Chủ tịch nước đã trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân cho Đại đội 915 vì có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Dịp đó, lần đầu tiên sự kiện 60 TNXP hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại hậu phương được giới thiệu với đồng bào cả nước, đúng với tầm vóc lịch sử của nó.

 

Trở lại những ngày cuối năm 1972. Đó là một mùa Giáng sinh rực sắc đỏ bom đạn trong lịch sử dân tộc Việt Nam và lịch sử Hoa Kỳ. Sự kiện này nhắc nhở người Việt Nam niềm tự hào về trận “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời miền Bắc XHCN. Còn đối với đế quốc Mỹ, chiến dịch oanh tạc của không quân Hoa Kỳ với tên gọi Linebacker II (Lai-bắc-kơ) kéo dài từ ngày 19 đến 29/12/1972 là một thất bại đau đớn. Trên 20 nghìn tấn bom đạn không thể khuất phục được lòng yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam.

 

Ngày nay, có người Mỹ gọi vui sự kiện này là "Christmas bombing" (Chrít-mát bom-binh), có nghĩa là bom Giáng sinh. Nó sẽ dần chìm lấp trong lịch sử nước Mỹ. Nhưng với người dân Việt Nam, đêm Noel 1972 mãi mãi là một khúc tráng ca trong lịch sử dân tộc, các thế hệ người dân Việt Nam vẫn tiếp tục nghiên cứu và tự hào về nó. Trong đó, có thể coi sự kiện 60 TNXP Bắc Thái tuổi mười tám, đôi mươi hy sinh ngay tại hậu phương như một lát cắt lịch sử giàu sức truyền cảm cho thế hệ trẻ.

 

Tháng 12/2009, khi Đội 915 TNXP Bắc Thái được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, nhiều người dân Việt Nam lần đầu tiên biết đến sự hy sinh lớn lao này và coi đó như một sự phát lộ của lịch sử. Tuy nhiên, trong thực tế gần 4 thập kỷ qua (tính đến tháng 12/2009), sự kiện này đã trở thành một phần của lịch sử T.P Thái Nguyên - vốn được mệnh danh là Thành phố Thép. Và, lịch sử của một dân tộc liên tục phải trải qua các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, lịch sử của một đất nước ra đường là gặp Anh hùng, là vậy.

 

Khúc tráng ca về Đại đội TNXP 915 Anh hùng được bắt đầu từ tháng 6/1972, khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Nằm ở vị trí chiến lược, cửa ngõ nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh biên giới phía Bắc, Thái Nguyên đã trở thành một trọng điểm bắn phá của các “pháo đài bay” B52 trong chiến dịch dội bom mang tính huỷ diệt vì 2 lý do. Thứ nhất, Thái Nguyên có trung tâm công nghiệp đầu tiên của miền Bắc XHCN. Thứ hai, những tháng cuối năm 1972, khi cảng Hải Phòng bị máy bay Mỹ phong tỏa và các kho trung chuyển hàng hóa trên tuyến giao thông từ Lạng Sơn về Hà Nội bị máy bay Mỹ đánh phá hết sức ác liệt, thì tuyến Lạng Sơn - Thái Nguyên - Hà Nội đã trở thành tuyến giao thông huyết mạch trung chuyển hàng hóa viện trợ của các nước bạn tiếp tế cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Ga Lưu Xá (T.P Thái Nguyên) và ga Tu Đồn (Lạng Sơn) đã trở thành hai cảng nổi của miền Bắc, hàng ngày tiếp nhận hàng nghìn tấn lương thực, hàng quân sự gửi vào tiền tuyến.

 

Từ ngày 19 đến 29/12/1972, đế quốc Mỹ mở một cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 (cùng nhiều loại máy bay chiến thuật hiện đại khác lúc đó) bắn phá Thủ đô Hà Nội, T.P Hải Phòng, T.P Thái Nguyên và một số tỉnh, thành phố khác tại miền Bắc. Thời điểm này, phần lớn người dân T.P Thái Nguyên phải đi sơ tán. Bám trụ ở lại với Thành phố có 3 lực lượng chính: Bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương làm nhiệm vụ chiến đấu; lực lượng TNXP làm nhiệm vụ bốc dỡ hàng hóa, sửa chữa cầu đường.

 

Chiến dịch dội bom đánh phá miền Bắc Việt Nam của Tổng thống Mỹ lúc đó (Nixon) nhằm 4 mục tiêu lớn:

 

Một là, ngăn chặn tối đa việc vận chuyển người, vũ khí, khí tài, trang bị, lương thực và các loại hàng hóa vật chất từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam.

 

Thứ hai, phong tỏa, cô lập miền Bắc, ngăn cản và cắt đứt viện trợ từ các nước XHCN (chủ yếu là Liên Xô và Trung Quốc) vào miền Bắc Việt Nam. Phá hủy tiềm lực kinh tế, quốc phòng ở miền Bắc.

 

Thứ ba, gây tác động tâm lý đến người dân Việt Nam, qua đó tác động đến tâm lý của các nhà lãnh đạo Việt Nam, tạo điều kiện cho phái đoàn của Hoa Kỳ gây sức ép với Đoàn đàm phán của Việt Nam tại Hội nghị Paris (Pháp) nhằm tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh có lợi cho Mỹ.

 

Và thứ tư, khẳng định lòng tin rằng Hoa Kỳ không "bỏ rơi" chính quyền Sài Gòn.

 

Để đạt được 4 mục tiêu này, Hoa Kỳ đã huy động một lực lượng không quân hùng hậu, bao gồm 4 liên đoàn không quân chiến lược B52, 1 liên đội máy bay F111, 5 liên đoàn không quân chiến thuật F-4 và A-7, 2 liên đội trinh sát và tác chiến điện tử SR-71, EB-66, EC-121, F-105, 2 liên đoàn tiếp dầu KC-135, 6 tàu sân bay, 135 tàu tuần dương, khu trục và tàu nổi khác. Tổng cộng có 741 phi xuất B52 để oanh tạc Hà Nội và 729 phi vụ đã thực hiện xong. Có 15.237 tấn bom đạn ném xuống miền Bắc Việt Nam, bên cạnh đó, các máy bay chiến thuật cũng đã ném xuống 5.000 tấn bom đạn. Con số thống kê sau chiến dịch cho thấy, nếu tính số lượng bom trong một ngày ném xuống các tỉnh, thành phố ở miền Bắc nước ta lúc đó có thể bằng các cuộc ném bom xuống nước Đức vào cuối Chiến tranh thế giới thứ II. Đồng thời, nếu xét khu vực hạn chế đường kính 100km quanh Hà Nội thì chưa bao giờ có nhiều bom ném xuống một khu vực trong thời gian hạn chế như vậy. Điều đó cho thấy Hoa Kỳ đã huy động sức mạnh quân sự khủng khiếp, tận dụng từng giờ, từng phút để ném bom trải thảm bằng máy bay B52 xuống miền Bắc, hòng đè bẹp ý chí của người dân Việt Nam…

(Còn nữa)