Noel màu lửa (Kỳ II)

08:32, 05/12/2012

Nhìn từ hành động của các cán bộ, đội viên Đại đội 915, Đội 91 Thanh niên xung phong (TNXP) Bắc Thái - những người tuổi đời còn rất trẻ - có thể thấy rằng, chiến lược quân sự của người Mỹ vào cuối năm 1972 đã thất bại ngay từ lúc bắt đầu dội bom xuống miền Bắc.

Chưa lúc nào và chưa bao giờ người dân Việt Nam chịu khuất phục trước bom đạn của kẻ thù. Dù dưới mưa bom bão đạn, hậu phương lớn miền Bắc XHCN vẫn đảm bảo nhiệm vụ tiếp viện cho chiến trường lớn miền Nam đánh Mỹ. Đội 91 TNXP Bắc Thái gồm các đại đội: 911, 912, 913, 914 và 915, biên chế 3.000 đội viên, được thành lập tháng 1/1966 với nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải, phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Trong đó, Đại đội 915 là đơn vị trẻ nhất, được thành lập tháng 6/1972, với 102 cán bộ, đội viên, do Đại đội trưởng Triệu Đức Việt chỉ huy. Chỉ trong vòng gần 6 tháng sau khi được thành lập, Đại đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm giao thông ở các trọng điểm giao thông thường xuyên bị máy bay Mỹ ném bom bắn phá (như tuyến Quốc lộ lB Lạng Sơn - Thái Nguyên, đường 16A trên tuyến Lạng Sơn - Bắc Giang, cầu Đa Phúc, cầu Gia Bảy, cầu Trà Vườn, ngầm Sơn Cẩm, phà Bến Oánh...). Các đội viên Đại đội 915 đã có những ngày vui sống và sống có ý nghĩa nhất trong cuộc đời mình. Tham gia lực lượng TNXP vừa là môi trường học tập, rèn luyện, vừa là môi trường lý tưởng của những người trẻ tuổi không đủ điều kiện nhập ngũ vào chiến trường trực tiếp đánh Mỹ. Rất nhiều người được học chữ, học làm người trong môi trường TNXP. Làm việc dưới mưa bom bão đạn, nhưng các đội viên không mảy may nghĩ đến cái chết, không sợ hy sinh - dù điều đó luôn cận kề.

 

Cuộc thử lửa đầu tiên của Đại đội TNXP 915 xảy ra vào mùa hè năm 1972, trận ném bom B52 của giặc Mỹ đã làm chị Hoàng Thị Cát ngã xuống khi vừa tròn 20 tuổi, 8 đội viên khác bị thương nặng, gồm các anh, chị: Cà Thị Phương, Lê Thị Đoàn, Lê Thị Thảo, Nguyễn Thị La, Nguyễn Thị Ly, Lương Thị Hội, Trần Văn Vọng, Lương Thị Phương. Bấp chấp hiểm nguy, máy bay Mỹ vừa rút, các đội viên TNXP lại tiếp tục bám đường, bám cầu sửa chữa, san lấp để những chuyến xe hàng sớm về điểm tập kết. Trong 3 ngày giữa tháng 9-1972, máy bay Mỹ liên tục rải thảm 444 quả bom làm 47 người hy sinh và 51 người bị thương. Ngày 25/9/1972, giặc Mỹ ném 50 quả bom phá và bom phát quang xuống khu vực kho xăng dầu Hóa Trung (Đồng Hỷ), làm 3 cụm bể chứa 68 tấn xăng, dầu bốc cháy dữ dội. Trong hiểm nguy, lực lượng TNXP thuộc Đại đội 915 và nhân dân địa phương đã dũng cảm, kiên trì dập tắt đám cháy, cứu được số xăng, dầu còn lại (350 tấn) để chuyển đến địa điểm an toàn. Trong tháng 10, tháng 11/1972, giặc Mỹ tiếp tục ném hàng trăm quả bom đánh phá dọc tuyến Quốc lộ 1B và các kho xăng, dầu, khu vực bến bãi, nhà máy của ta, nhưng các đội viên TNXP vẫn kiên cường bám trụ chiến đấu.

 

Thời điểm cuối tháng 12/1972, tại ga Lưu Xá (T.P Thái Nguyên) còn tồn đọng tới gần 20.000 tấn lương thực và hàng hóa các loại. Nhiệm vụ cấp bách của quân và dân tỉnh ta là nhanh chóng giải tỏa hàng quân sự, chi viện cho chiến trường. Chiều 23/12/1972, Ủy ban Hành chính tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Đội 91 TNXP cử cán bộ, đội viên tham gia giải tỏa hàng quân sự tại ga Lưu Xá. Biết rõ đây là địa bàn trọng điểm đánh phá của máy bay địch, rất có thể sẽ bị hy sinh, nhưng 66 đội viên TNXP của Đại đội 915 vẫn hăng hái xung phong nhận nhiệm vụ, vượt quân số được giao. Thật đáng khâm phục khi nhiều TNXP từng bị thương trong trận máy bay Mỹ ném bom ngày 13-9-1972 như các chị Lương Thị Phương, Lê Thị Thảo, Nguyễn Thị La, Nguyễn Thị Ly... khi vết thương vừa lành đã xung phong lên đường làm nhiệm vụ.

 

Ngày 24-12-1972, Đại đội 915 với quá 3/4 số đội viên là nữ đã có một ngày lao động cật lực, vật lộn với những thùng hàng nặng 50-100kg. Đến 19 giờ, thời điểm theo kế hoạch phải rút quân về địa điểm tập kết tại Trường Đại học Cơ điện đã không thực hiện được. Mệnh lệnh chiến trường đã không cho phép họ dừng lại vì hàng hóa phải bốc dỡ còn quá nhiều. Đội phó Nguyễn Thế Cường đã quyết định chỉ huy đơn vị di chuyển đến hầm trú ẩn của khu nhà trẻ ga Lưu Xá gần đó, chuẩn bị ăn tối rồi tiếp tục làm việc. Nhưng khi cô cấp dưỡng Phùng Thị Tấm vừa đặt gánh cơm đầu tiên xuống cửa hầm thì cũng là lúc loạt bom B52 rải thảm đánh trúng vị trí này. Đó cũng là thời điểm cách lễ Noel chừng 4 giờ đồng hồ. 60 cán bộ, đội viên TNXP của Đại đội 915 đã anh dũng hy sinh ngay trước giờ Thiên chúa Giáng sinh. Đội phó Nguyễn Thế Cường, người trực tiếp chỉ huy công việc tại đây, chỉ còn được nhận dạng qua một chiếc chân đi giày da do Liên Xô sản xuất. Có 7 đội viên trú tại một ngách giao thông hào đã may mắn sống sót. Và, họ chính là những nhân chứng quý giá của một khúc tráng ca Anh hùng…

 

Đối lập với những hình ảnh hiên ngang, hào hùng đó, dù sở hữu lực lượng quân sự hùng hậu, nhưng chính người Mỹ mới phải nao núng tinh thần. Trước tình trạng các “pháo đài bay” B52 bị bắn rơi liên tục, tại căn cứ An-đéc-xơn trên đảo Guam - nơi xuất kích của B52 - nhiều toán phi công đã cáo ốm và không dám bay. Họ nói: “Không thể đi tự sát bằng B52”. Thiếu tá hoa tiêu Giêm Con-đan, 38 tuổi, bị bắn rơi ngày 27/12/1972, nói: “Chuyến nào cũng có máy bay không trở về. Không khí ủ dột bao trùm An-đéc-xơn. Không ai cười, không đùa, không nói to, không chạm cốc. Không khí căng thẳng, không ai nói gì về Noel, năm mới…”.

 

Dư luận tại nước Mỹ cho rằng, cuộc ném bom khủng bố vô nhân đạo này đã làm hoen ố uy danh của nước Mỹ. Chính giới Mỹ thì coi đây là kiểu chiến tranh nổi khùng nhân danh hòa bình. Nhà báo Jerry Gordon (Je-ry Gô-đừn), điều phối viên của Liên minh toàn nước Mỹ vì hòa bình, tuyên bố: “Một lần nữa, người ta lại lừa dối nhân dân Mỹ. Thay vì một nền hòa bình trong tầm tay là một cuộc chiến tranh tăng cường. Thay vì chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam là sự leo thang".

 

Đa số nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ, trong đó có cả các đảng viên Đảng cộng hòa, cũng lên tiếng đòi chấm dứt ném bom. Những người đã từng ủng hộ chính sách ném bom thì nay lại đặt câu hỏi về sự cần thiết và mức độ tàn bạo của các trận ném bom tháng 12/1972. Tạp chí “Không lực Hoa Kỳ” cũng đã phải cay đắng thừa nhận: “B52 đã được tung ra với số lượng lớn chưa từng có, để cuối cùng Tổng thống phải chấp nhận một kết cục bi thảm chưa từng thấy!”…

 

III

 

Cuộc chiến đã lùi xa 4 thập kỷ, Việt Nam và Hoa Kỳ đang dần khép lại quá khứ, hướng tới tương lai với vai trò đối tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả các cuộc trao đổi song phương trong lĩnh vực quân sự. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người chưa hiểu, chưa chịu hiểu hoặc vẫn tiếp tục đi tìm lời lý giải rằng: Tại sao, và bằng cách nào dân tộc Việt Nam hiên ngang chiến thắng? Tại sao Hoa Kỳ với sức mạnh của một cường quốc vẫn phải nhận thất bại tại chiến trường Việt Nam?...

 

Nhưng, chân lý thì không khó nhận ra nếu thực sự người ta đi tìm kiếm nó. Thử nhìn vào cách người dân Mỹ và người dân Việt Nam nhớ về ký ức chiến tranh. Ở Mỹ, trên bức tường chiến thắng có ghi tên những người lính của họ đã hy sinh tại chiến trường Việt Nam, trong đó có các phi công bị trúng tên lửa khi bay trên bầu trời miền Bắc. Còn tại Việt Nam, trên vùng đất Thép Thái Nguyên Anh hùng, Nhà tưởng niệm các liệt sĩ TNXP Đại đội 915 đang được xây dựng tại chính địa điểm các anh, các chị đã ngã xuống năm nào, bằng tiền đóng góp của các tầng lớp xã hội. 40 năm là một độ lùi cần thiết để có cái nhìn chính xác hơn về lịch sử, và chân lý thì luôn giản dị hơn mọi sự sắp đặt.

 

Cũng trong năm 2009, tôi đã gặp ông Hoàng Văn Thắng, đội viên nam duy nhất của Đại đội 915 còn sống sót sau trận bom, nghe ông kể lại: Sức ép của bom Mỹ rất khủng khiếp. Phải chứng kiến sự hy sinh của đồng đội càng đau đớn hơn. Một kẽ nứt nhỏ trên nóc hầm trú ẩn đã cứu ông... Nhưng, sau một đêm bị mắc kẹt trong hầm, chịu sự tra tấn của bom đạn, ông Thắng phải chịu rất nhiều thương tật. Xuất ngũ về quê hương tại xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), ông lại trở về làm người nông dân, làm bạn với rừng núi, và những ký ức về đồng đội thì không bao giờ phai mờ trong tâm khảm. Qua gần 40 năm, đã 3 lần ông về thắp hương viếng các đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Lim (T.P Thái Nguyên).

 

 

 

 

 

Công trình Nhà tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ TNXP Đại đội 915 (ở phường Gia Sàng, T.P Thái Nguyên đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành vào đúng dịp 24/12/2012 này. Ảnh: Mạnh Hùng

 

 

Đã có rất nhiều tấm lòng và sự nỗ lực để làm sống dậy một khúc tráng ca của lịch sử. Cuối năm 2009, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân cho Đội 915. Nhà bia di tích TNXP Thái Nguyên đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, và sẽ được xây dựng thành công viên lịch sử, văn hóa để ghi ơn công lao của các Anh hùng liệt sĩ và giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.

 

Đã có rất nhiều cảm xúc tại Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân Đại đội 915 được phong tặng, tổ chức đúng ngày Noel năm 2009, tại đúng địa điểm các anh, các chị TNXP đã ngã xuống. Sau 37 năm, trang sử đầy máu lửa này đã được đặt vào đúng vị trí và tầm vóc của nó. Đây là sự tôn vinh xứng đáng đối với 60 cán bộ, đội viên của Đại đội 915 đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, là một bài học lịch sử quý báu dành cho thế hệ trẻ hôm nay và mãi mãi về sau. Đó cũng là hành động tri ân lịch sử, trân trọng sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh đi trước vì sự phồn vinh của đất nước, vì hạnh phúc trường tồn của dân tộc Việt Nam.

 

Chuông vang điệp khúc khải hoàn

Chuông vọng hồn thiêng liệt sĩ

Ba hồi tưởng niệm rung tâm trí

Một ánh uy linh rực đất trời

Ngàn thu thức tỉnh đạo làm người

Muôn dặm trải dài gương tuổi trẻ…

              (Giáo sư Vũ Khiêu)

 

Noel màu lửa - một ký ức chưa xa nhưng phải được nói đến để không bao giờ chúng ta được phép lãng quên…