Sưu tầm những hiện vật quý về Người

09:07, 09/12/2012

Những tháng ngày gắn bó với Thái Nguyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang được tái hiện lại qua những tài liệu, hiện vật và hình ảnh của Bảo tàng tỉnh. Ông Nguyễn Văn Thức, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh đã sưu tập được.

Được biết sau khi xác định tên gọi, sơ chọn và lập danh mục hiện vật, hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thái Nguyên, Bảo tàng tỉnh đã thiết lập danh mục 264 hiện vật sơ lược thuộc nhiều chất liệu khác nhau; 110 danh mục ảnh tư liệu và pháp lý hóa được 260 hiện vật cùng 100 bức ảnh. Ngoài những danh mục hiện vật, ảnh, đơn vị cũng đã lập được những thông tin bổ sung như: 49 đầu sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện đang lưu giữ tại Phòng Thông tin - Tư liệu của Bảo tàng; 4 hiện vật in, sao, phục chế phục vụ công tác trưng bày; 368 hiện vật, hình ảnh thuộc chủ đề của Sưu tập, hiện đang lưu giữ tại các bảo tàng khác (Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Nhà trưng bày ATK Định Hóa).

 

Khi tìm hiểu về sưu tập này, chúng tôi thấy có một số hiện vật gốc rất có giá trị. Cụ thể là bộ ấm chén Bác Hồ dùng uống nước; chiếc nồi đồng Bác thường dùng nấu cơm; tấm ván làm sàn lán nơi Bác ở; chiếc siêu đồng đun nước Người tặng gia đình cụ Ma Định Tình năm 1947, khi Bác ở xã Điềm Mặc. Hay như túi sung đan của gia đình bà Dương Thị Chuyển, xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình, thường dùng đựng hoa quả, thực phẩm mang biếu Bác; chiếc bàn góc Bác dùng khi ở lán Tỉn Keo, Người đã để lại khi cơ quan chuyển đi và hiện vật này đã được gia đình bà Ma Thị Hồi, xóm Tỉn Keo, xã Phú Đình lưu giữ. Ngoài ra, còn có chiếc chăn sui Bác gửi đồng chí Đặng Đăng Ninh tặng cho ông Ma Đình Tương, xóm Thẩm Tý, xã Bảo Cường cuối năm 1950; bộ bàn ghế Bác ngồi làm việc khi Người ở đồi Thanh Trúc, xã Bản Ngoại (Đại Từ)…

 

Không chỉ có những hiện vật do Bác sử dụng hoặc Người tặng bà con Thái Nguyên, mà còn có một số hiện vật thể hiện tình cảm của người dân Thái Nguyên với Bác Hồ kính yêu như: Tác phẩm điêu khắc tượng gỗ Bác Hồ về bản của tác giả Hứa Tử Hoài; máy ảnh của ông Dương Nghĩa Phùng, phóng viên Báo Việt Nam Độc lập chụp ảnh Bác Hồ về thăm Thái Nguyên năm 1964… Những hiện vật này đều đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

 

Ông Nguyễn Văn Thức Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Sưu tập tài liệu, hiện vật và hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thái Nguyên được thực hiện từ năm 2011. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung các tài liệu, hiện vật và các thông tin về các sự kiện, tư liệu, hiện vật để Sưu tập này ngày càng hoàn chỉnh hơn. Đây cũng là điều kiện cung cấp thêm các thông tin, hiện vật, hình ảnh giúp cho việc lập hồ sơ khoa học các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thái Nguyên.

 

Với ý nghĩa lớn lao như vậy, tháng 5 vừa qua, khi tổ chức trao giải Cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí với chủ đề: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức hồ Chí Minh năm 2012, chuyên đề nghiên cứu, xây dựng “Sưu tập tài liệu, hiện vật và hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chú Minh với Thái Nguyên” đã được Tỉnh ủy trao tặng giải B. Đây là nguồn động viên lớn đối với đội ngũ cán bộ trong cơ quan.

 

Được biết, chuyên đề này chỉ là một trong rất nhiều việc làm thiết thực mà Bảo tàng tỉnh đã, đang thực hiện để hưởng ứng việc học và làm theo Bác Hồ. Ngoài chuyên đề này, Bảo tàng tỉnh xây dựng bộ ảnh triển lãm với chủ đề  Bác Hồ với Thái Nguyên; nghiên cứu và biên soạn tập sách ảnh “Bác Hồ với Thái Nguyên - Những sự kiện bằng hình ảnh”…

 

Những tài liệu, hiện vật và hình ảnh về Bác Hồ gắn liền với Thái Nguyên mà Bảo tàng tỉnh sưu tập, trưng bày, biên soạn là tài sản vô giá, có ý nghĩa lớn trong việc nghiên cứu, tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa yêu nước, học tập tư tưởng đạo đức trong sáng của Người. Bà Triệu Kim Tặng, cán bộ hưu trí ở tổ dân phố 13, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên), người vinh dự được gặp Bác hơn 50 năm về trước tâm sự: Tôi thấy rất vui vì những năm tháng Bác Hồ gắn bó với “Thủ đô Kháng chiến” - ATK Định Hóa - Thái Nguyên vẫn đang được lưu giữ. Điều này sẽ giúp lớp lớp thế hệ mai sau hiểu hơn về vị cha già của dân tộc, một con người giản dị, thanh cao, để qua đó các cháu tự soi vào bản thân và luôn nỗ lực vươn lên, hoàn thiện chính mình theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Người.