Mặc dù biết điều gì phải đến sẽ đến, nhưng khi nhận được tin Nhà báo Phạm Hồng Dương về với cõi vĩnh hằng, trong lòng tôi không khỏi đau buồn, tiếc nuối. Ở Thủ đô, hay thành phố lớn đông đảo các nhà báo hoạt động không nói làm gì, đằng này ở một tỉnh lẻ những người làm báo như ông có đâu để mà đếm, để mà xếp thứ tự... Ký ức của hơn ba mươi năm về trước lại hiện về.
Tôi gặp ông lần đầu đó là vào một buổi sáng mùa hè năm 1981, khi từ Thông tấn xã Việt Nam về phép ghé vào Báo Bắc Thái chơi. Lý do phàm đã làm nghề báo xa rời tờ báo, xa rời đời sống thông tin chỉ ít ngày đã thấy nhớ, tìm đến một toà soạn báo cũng là để kiếm tìm một chút thông tin. Hồi ấy, ông Phạm Hồng Dương còn trẻ, mới ngoài bốn mươi, lại rất đẹp trai, gần gũi nên ngay từ phút đầu gặp mặt, ông đã chinh phục tôi bằng sự nể trọng và sự ngưỡng mộ… Đẩy chén trà thơm còn bốc hơi nghi ngút về phía tôi (lúc ấy còn là một chàng trai trẻ), ông bảo:
- Nhà báo về nghỉ phép? Rồi nhếch mép cười rất duyên, nửa như chia sẻ, nửa như đùa.
Rồi tiếp: - Nghề báo làm gì có ngày nghỉ, làm gì có phép mới tắc.
Bởi ở tuổi cha chú nên ông xưng hô với tôi là anh, thay con:
- Anh về quê, dạo bút đôi chút, hôm nào xuống tới tệ xá của chúng tôi xơi nước và cho bản Báo tác phẩm.
Mấy ngày sau, tôi đem xuống gửi ông 3 tác phẩm. Ông đọc và khen là viết nhanh, viết sát, cũng nói ở một vài chỗ bài của tôi còn ngoa ngôn, hoặc có chỗ thì mô li phê hơi quá.
Buổi ấy, tôi say sưa ngồi nghe ông kể chuyện làm báo, rồi vỡ ra dần dần cái chân lý rất giản đơn của công việc, đó phải là một nghề, mà người làm nghề này ít nhiều phải có chất nghệ nhân, năng khiếu… Bên ông, tôi như cậu học trò nhỏ tìm được thầy và tôi nảy ra ý định xin được về làm ở tờ báo của quê hương, phò tá một nhà báo như ông cũng thấy yên lòng.
*
**
Ông thuộc thế hệ những thanh niên đi theo cách mạng và kháng chiến từ những ngày đầu. Mười lăm tuổi từ làng Sở Đông, xã Long Hưng, huyện Văn Giang đất Hưng Yên bên tả ngạn sông Hồng, xách theo chiếc máy chữ ông vượt bến đò Yên Lệnh, qua Hoà Mạc, Đồng Văn của huyện Duy Tiên - Hà Nam rồi vào Chi Lê - Xích Thổ theo chân các anh, các chị làm văn hoá cứu quốc. Bên những cây đại thụ của văn đàn báo chí như: Nhà báo Trần Lâm, Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng, Thép Mới, có các anh, các chị cùng trang lứa như: Nhà báo Hồng Hà, Hữu Thọ, ông học được ở họ những đức tính và phẩm chất căn bản của nghề báo cách mạng.
Hoà bình lập lại, ông về làm ở Toà soạn Báo Hà Tây, làm đến Thư ký Toà soạn. Ông nổi tiếng về loạt bài Xứ Đoài - Bất Bạt học tập tấm gương Cờ Ba Nhất - Gió Đại Phong trong làm ăn hợp tác xã hội chủ nghĩa. Say nghề, nhận lời mời của Vụ trưởng Vụ Báo chí - Ban Tuyên huấn Trung ương Lưu Quý Kỳ, ông ra làm chuyên viên của Vụ, theo dõi khối Báo địa phương. Chính những ngày này, chắt lọc từ hàng ngàn bài báo của các Báo địa phương, ông thấy được sự vất vả trong tác nghiệp, sự tế nhị trong ứng xử trên báo ở một nơi luôn “ra đụng vào chạm” và một phong cách viết báo gần gũi với cuộc sống, đọc báo ai cũng hiểu, chỉ có ai cố tình không hiểu mới không hiểu.
Năm 1978, Báo Bắc Thái thiếu người làm Tổng Biên tập, về Vụ xin, ông về.
Nói đúng văn cảnh là ông khoác ba lô về điều hành tờ báo Đảng Bắc Thái. Phóng viên ít, hoặc chưa có. Những người viết báo lúc bấy giờ chủ yếu là cán bộ chính trị hay phong trào của các ngành chuyển qua, thành thử ông lại là người viết chính của tờ báo. Cũng không hẳn thế, nếu ông không phải là người say nghề; say đến mức mà từng chữ, từng câu ít khi thừa, ít khi thiếu, bản thân cuộc sống lúc bấy giờ lại thiếu thốn vô cùng.
Những năm bao cấp còn khó khăn, hàng phân phối chậm hoặc không đúng chủng loại, ông viết bài để cổ động việc khắc phục khó khăn, chia sẻ với Nhà nước. Ông cũng viết bài để cổ động cho các điển hình tiên tiến ở cơ sở một cách gần gũi và thiết thực, không lên gân, lên cốt, mà khi đọc thấy ở đó những việc cần phải học, phải làm. Những chuyên mục trên tờ Bắc Thái như: “Ngẫm mà xem” với bút danh Người Sông Công đăng trang 4 là một công cụ để chống tiêu cực nhưng hết sức nhẹ nhàng trong góp ý, nặng tình đồng chí. Hay xã luận số nào cũng có, mỗi số cổ động cho một vấn đề mà cuộc sống đang đòi hỏi sự chỉ đạo của cấp trên. Với bút danh Thu An, Phạm Hồng, nhiều bài báo ông viết ra với một ngữ điệu rất riêng, rất chuyên nghiệp. Nếu là chống tiêu cực thì thẳng thắn chỉ ra khuyết điểm, không theo kiểu bóng gió “Nói Sơn Tây chết cây Hà Nội”. Bút lực hay còn gọi là sức viết của Nhà báo Phạm Hồng Dương vang bóng một thời, hiển hiện trên các tờ báo thời sự hàng ngày rồi Thái Nguyên Thứ Bẩy, Thái Nguyên Hàng tháng. Từ năm 1978 đến tháng 6/1996, ông xây dựng tờ Bắc Thái từ chỗ còn hết sức đơn giản, trở thành một tờ báo được đánh giá cao trong làng báo Đảng địa phương. Thông tin của Bắc Thái đều đặn xuất hiện trên các báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Tạp chí Xây dựng Đảng, với chất lượng tốt, có tầm ảnh hưởng.
Cách làm báo, tư duy làm báo của ông đã giúp cho nhiều thế hệ làm báo Thái Nguyên bây giờ xoá bỏ được mặc cảm về làm báo địa phương và những tự ti nghề nghiệp không đáng có. Ông đã thổi cho họ luồng sinh khí để họ luôn ngẩng cao đầu trước đồng nghiệp xa gần, tác phẩm luôn là thước đo của giá trị và không bao giờ có vùng miền…
Thế hệ chúng tôi bước vào nghề làm báo được học tập từ Nhà báo Phạm Hồng Dương rất nhiều. Một phần những gì mà những người làm báo Thái Nguyên hôm nay có được là nhờ sự rèn luyện nghiệp và nghề của Nhà báo Hồng Dương.