Hội nghị toàn quốc lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

14:53, 08/01/2013

Việc lấy ý kiến nhân dân lần này được triển khai trên phạm vi rộng, thành phần tham gia đa dạng, diễn ra trong 3 tháng.

Ngày 8/1, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (DTSĐHP) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đóng góp DTSĐHP năm 1992. Về phía đầu cầu của tỉnh có: Thường trực HĐND tỉnh; các tổ chức đoàn thể; đại diện Đoàn Luật sư của tỉnh. Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc Hội, Chủ tịch Ủy ban DTSĐHP năm 1992 chủ trì Hội nghị.

 

Qua các thời kỳ kháng chiến kiến quốc, nước ta đã có Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959,  Hiến pháp năm 1980, và Hiến pháp năm 1992. Để tiếp tục khẳng định ý chí của nhân dân và chủ quyền quốc gia; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; tôn trọng và đảm bảo quyền con người, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, thực hiện công bằng xã hội, tăng cường tình hữu nghị hợp tác Quốc tế…, Hiến pháp năm 1992 tiếp tục được sửa đổi để phù hợp với tình hình mới. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) gồm 11 chương, 124 Điều. Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 38 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về DTSĐHP năm 1992, nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân; thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp và thi hành Hiến pháp.

 

Tại Hội nghị này, các đại biểu đã nghe quán triệt Chỉ thị số 22 ngày 28/12/2012 của Bộ Chính trị về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về DTSĐHP; những nội dung cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Theo Kế hoạch của …ủy ban DTSĐHP, việc tổ chức lấy ý kiến được tiến hành trong 3 tháng (từ 2/1 đến 31/3/2013) với các công việc: Công bố Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và các tài liệu liên quan; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân; tổ chức các Hội nghị để lấy ý kiến đóng góp trực tiếp về những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung. Để nhân dân nắm được nội dung của Hiến pháp và các bước tiến hành lấy ý kiến, thì vai trò của công tác tư tưởng và tuyên truyền rất quan trọng. Vì vậy, tại Hội nghị cũng nghe quán triệt một số nội dung về công tác tư tưởng, tuyên truyền trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp. 

 

Sau khi nghe quán triệt, phổ biến nội dung, kế hoạch triển khai Nghị quyết của Quốc hội, HĐND các tỉnh, thành phố đã nêu cao quyết tâm sẽ hoàn thành đúng tiến độ lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào sửa đổi Hiến pháp.

 

Kết luận tại Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Ủy ban DTSĐHP đã yêu cầu: Sau Hội nghị này, các cấp, các ngành cần nhanh chóng triển khai thực hiện một số nhiệm vụ: Quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội; xây dựng kế hoạch; lãnh đạo tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân; tăng cường kiểm tra tháo gỡ khó khăn; chỉ đạo việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp đảm bảo dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, hiệu quả, đúng tiến độ.