Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vừa ban hành Hướng dẫn số 64-HD/BTGTU về Học tập, thấm nhuần lời căn dặn của Bác đối với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên khi Người về thăm Thái Nguyên ngày 1/1/1964, nhằm giúp cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hiểu rõ và nhận thức đầy đủ hơn về tình cảm của Bác đối với nhân dân các dân tộc tỉnh ta.
Theo đó, đối tượng học tập là toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; cán bộ, chiến sĩ trong lực lương vũ trang. Đối tượng tuyên truyền là đoàn viên, hội viên, toàn thể nhân dân.
Từng chi bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và phổ biến nội dung của Đề cương gửi kèm (có thể mở rộng đối tượng học tập tới những người không phải đảng viên); tổ chức thảo luận và yêu cầu viết thu hoạch theo câu hỏi gửi kèm; gắn việc học tập các nội dung theo Hướng dẫn với học tập và thực hiện lời Bác dạy đối với các địa phương, đơn vị, ngành, đoàn thể… trong những lần vinh dự được đón Bác về thăm. Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện để đảm bảo nghiêm túc, chất lượng, báo cáo kết qủa học tập theo quy định… Thời gian thực hiện xong trong quý I/2013.
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
Học tập lời căn dặn của Bác Hồ đối với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên khi Người đến thăm Thái Nguyên lần cuối cùng (ngày 1/1/1964)
Nội dung lời căn dặn của Bác được lựa chọn để cán bộ, đảng viên triển khai học tập và làm theo trong quý I/2013: “Tỉnh ta sẵn có truyền thống cách mạng vẻ vang, có tài nguyên phong phú, có nông nghiệp hợp tác hoá, có thủ công nghiệp, công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng. Đồng bào các dân tộc sẵn có đức tính cần cù. Nói tóm lại, tỉnh ta có nhiều điều kiện rất thuận lợi, toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”. (Trích: Bài nói với đồng bào tỉnh Thái Nguyên và công nhân Khu gang thép ngày 1/1/1964; Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 11, tr. 193-194)
***
I - THÁI NGUYÊN, QUÊ HƯƠNG CÁCH MẠNG GIÀU ĐẸP
Thái Nguyên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục của khu Việt Bắc nói riêng, của vùng trung du miền núi đông bắc nói chung, là cửa ngõ giao lưu kinh tế xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tỉnh Thái Nguyên nằm ở phía Bắc tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, phía Tây tiếp giáp với tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Tuyên Quang. Tỉnh có diện tích tự nhiên 3.541 km2, dân số hơn 1,2 triệu người, với 8 dân tộc anh em cùng chung sống đó là: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Mông, Sán Chay, Hoa và Dao. Tỉnh Thái Nguyên có 9 đơn vị hành chính gồm Thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công và 7 huyện (Phổ Yên, Phú Bình, Đồng Hỷ, Võ Nhai, Đại Từ, Định Hoá, Phú Lương). Đảng bộ tỉnh hiện có 18 đảng bộ trực thuộc với trên 7 vạn đảng viên, sinh hoạt tại 775 tổ chức cơ sở đảng.
Nhân dân các dân tộc Thái Nguyên có truyền thống yêu nước và cách mạng từ lâu đời. Trong lịch sử của dân tộc, Thái Nguyên được coi là phên dậu phía bắc của kinh thành Thăng Long; là địa đầu của phòng tuyến sông Cầu, nơi diễn ra các trận đánh ác liệt giữa quân và dân Đại Việt do Lý Thường Kiệt chỉ huy với quân xâm lược nhà Tống; là quê hương của các danh nhân lịch sử: Dương Tự Minh, Lưu Nhân Chú - những người có công lao to lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, chống quân xâm lược phương Bắc; là địa danh gắn liền với tên tuổi và chiến công của nhiều nhà yêu nước, nhà cách mạng như Trịnh Văn Cấn; Lương Ngọc Quyến và cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917...
Tỉnh Thái Nguyên là nơi sớm có tổ chức của Đảng. Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh được thành lập vào mùa thu năm 1936 tại xã La Bằng, huyện Đại Từ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã cùng với nhân dân cả nước đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, xây dựng Căn cứ địa và lực lượng vũ trang cách mạng, bảo vệ cơ quan Trung ương Đảng, chuẩn bị lực lượng tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 15/9/1941, Đội Cứu quốc quân II - một trong những tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời tại rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai. Ngày 15-5/1945, tại xã Định Biên (huyện Định Hoá), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Đội Cứu quốc quân, đại diện cho các lực lượng vũ trang cả nước được hợp nhất thành Việt Nam Giải phóng quân.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dâp Pháp xâm lược (1946-1954), Thái Nguyên được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm căn cứ địa kháng chiến, xây dựng An toàn khu. Tại ATK Định Hoá, Bác Hồ và Bộ Chính trị đã quyết định mở Chiến dịch Biên giới năm 1950, bàn kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953-1954 và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Nhiều quyết định của Trung ương liên quan đến các vấn đề quốc kế dân sinh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược cũng được quyết định tại ATK Định Hoá, Thái Nguyên.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đã động viên trên 48.000 người con của quê hương gia nhập các lực lượng vũ trang nhân dân, trong số đó có gần 7.800 người đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, quân và dân Thái Nguyên đã chiến đấu hơn 400 trận, bắn rơi 61 máy bay các loại, trong đó có 2 chiếc B52. Và tự hào hơn nữa, quân và dân Thái Nguyên đã bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 1.000 trên bầu trời miền Bắc…
Thái Nguyên là vùng đất có nguồn tài nguyên khoáng sản với trữ lượng lớn và phong phú về chủng loại như: Than, sắt, titan, thiếc, chì, kẽm, vàng, đá vôi,… Riêng nguồn than ở Thái Nguyên được đánh giá có trữ lượng lớn thứ 2 cả nước sau Quảng Ninh. Than mỡ trữ lượng trên 15 triệu tấn và than đá trữ lượng khoảng 90 triệu tấn; titan có trữ lượng thăm dò khoảng 18 triệu tấn. Đặc biệt là mỏ Vonfram tại huyện Đại Từ qua khảo sát thăm dò, đã được đánh giá là mỏ có trữ lượng lớn tầm cỡ thế giới. Hiện nay Chính phủ đã cấp phép để các công ty có đủ năng lực vào khai thác và chế biến nguồn khoáng sản quý hiếm này. Thái Nguyên cũng có nguồn khoáng sản vật liệu xây dựng là tiềm năng nguyên liệu rất lớn để sản xuất xi măng, sản xuất đá ốp lát các loại và sản xuất vật liệu xây dựng.
Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và đất đai, Thái Nguyên có nhiều khả năng phát triển nông lâm nghiệp. Hiện nay, tổng diện tích chè toàn tỉnh đạt 17.500 ha. Chè Thái Nguyên, đặc biệt là chè Tân Cương đã từ lâu là sản phẩm nổi tiếng trong nước và thế giới. Sản phẩm chè Thái Nguyên đang được nhiều dự án đầu tư để tạo vùng chè đặc sản năng suất và chất lượng cao. Thái Nguyên khuyến khích các dự án đầu tư chế biến sản phẩm chè cao cấp tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Đặc biệt, năm 2011 đã diễn ra Liên hoan Trà quốc tế Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ nhất thành công tốt đẹp, góp phần giới thiệu, quảng bá sản phẩm Chè Thái, hình ảnh đất và người Thái Nguyên với cả nước và bạn bè quốc tế. Thái Nguyên có diện tích rừng tự nhiên là 73.383 ha và rừng trồng hơn 40.000 ha. Đây là nguồn nguyên liệu có thể đáp ứng cho sản xuất ván dăm và còn là tiềm năng rất lớn cho việc chế biến lâm sản tạo hàng hoá có giá trị cao. Thái Nguyên khuyến khích các dự án đầu tư chế biến sản phẩm từ hoa quả, giải quyết tiêu thụ sản phẩm của các hộ nông dân. Diện tích đất đồi còn rất lớn, đó là tiềm năng để phát triển hàng hoá về cây công nghiệp, cây ăn quả và phát triển đàn gia súc. Thái Nguyên đã có Nhà máy chế biến sữa tại huyện Phổ Yên tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi bò sữa phát triển, nhằm cung cấp nguyên liệu cho nhà máy. Tỉnh đặc biệt khuyến khích các dự án đầu tư lớn về chăn nuôi bò, lợn hướng nạc...
Là một trong những trung tâm công nghiệp của miền Bắc, Thái Nguyên đã thu hút được lực lượng lao động và dân cư từ nhiều miền đất nước về sinh sống và làm việc. Nguồn lao động của Thái Nguyên có kinh nghiệm, năng lực và trình độ cao. Thái Nguyên là trung tâm đào tạo lớn thứ 3 trong cả nước với 8 trường đại học, trên 20 trường cao đẳng, trung học và dạy nghề, đã đào tạo được nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật và công nhân lành nghề không chỉ riêng cho tỉnh mà còn cung cấp cho cả nước. Thái Nguyên là nơi có Di tích lịch sử cách mạng An toàn khu Định Hoá - nơi Bác Hồ, Trung ương Đảng đã ở và làm việc trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp; có di tích khảo cổ học thời kỳ đồ đá cũ ở huyện Võ Nhai; có các di tích kiến trúc nghệ thuật chùa chiền, đình, đền tại nhiều địa phương trong tỉnh. Tỉnh Thái Nguyên có nhiều khu thiên nhiên phong cảnh sơn thuỷ hữu tình như khu du lịch Hồ Núi Cốc, hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà, thác Mưa Rơi… Khu du lịch Hồ Núi Cốc vừa được Chính phủ quyết định quy hoạch xây dựng thành vùng du lịch trọng điểm Quốc gia.
Các cơ sở hạ tầng của tỉnh Thái Nguyên đã được hoàn thiện dần, hệ thống đường giao thông đã được nâng cấp tốt hơn. Hiện nay dự án đường tránh qua thành phố Thái Nguyên đã đi vào sử dụng; cùng với việc cải tạo nâng cấp Quốc lộ 3, dự án đường cao tốc Thái Nguyên - Hà Nội đang trong quá trình thi công sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế và xã hội khu vực phía Bắc trong thời gian tới. Thành phố Thái Nguyên đã được Chính phủ quyết định công nhận là thành phố loại I trực thuộc tỉnh theo tiêu chuẩn của Việt Nam. Hệ thống cấp nước của trung tâm thành phố Thái Nguyên đã được đầu tư hoàn chỉnh. Nhà máy nước đang được nâng cấp tại thị xã Sông Công và các thị trấn, thị tứ. Hệ thống bưu chính viễn thông đã được phủ kín toàn tỉnh. Với những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; với tinh thần năng động, đoàn kết, quyết tâm vượt khó của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhất định Thái Nguyên sẽ xây dựng tỉnh “trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn.
II- BÁC HỒ VỚI THÁI NGUYÊN
Thái Nguyên là một tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, sớm được sự quan tâm chú ý của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Ngày 1/9/1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Sau khi chiếm được các tỉnh Nam Kỳ và các tỉnh đồng bằng ở Bắc Kỳ, từ tháng 3/1884, chúng bắt đầu cho quân đánh chiếm Thái Nguyên. Đứng đầu bộ máy cai trị nhân dân Thái Nguyên là viên Công sứ Đáclơ (Darles), một tên gian ác nổi tiếng nhất trong bọn thực dân Pháp. Bằng ngòi bút sắc sảo, Nguyễn Ái Quốc tố cáo tội ác của tên Công sứ Đáclơ ở tỉnh Thái Nguyên, vạch trần hành động ngược đãi hết sức vô nhân đạo của Đáclơ đối với những người lính bản xứ và những người yêu nước bị giam giữ tại nhà tù thị xã Thái Nguyên.
Sau một thời gian dài hoạt động ở nhiều nước, đầu năm 1940, Nguyễn Ái Quốc đến Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) và đến tháng 8 năm ấy, trở lại Quế Lâm cùng với một số cán bộ, chuẩn bị điều kiện và chờ cơ hội trở về Tổ quốc. Tại đây, với tầm nhìn chiến lược, Người đã nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta... Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối được phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”. Như vậy, ngay từ khi còn ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có sự quan tâm đặc biệt đến phong trào cách mạng ở Thái Nguyên, thấy rõ vị trí chiến lược của vùng đất Thái Nguyên. Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Thời kỳ tiền khởi nghĩa khi Bác về Pác Bó đã có ý định phát triển cơ sở xuống Thái Nguyên, vì Thái Nguyên là một địa bàn quan trọng “tiến có thể đánh, lui có thể giữ” và nhân dân ở đây có truyền thống cách mạng...”.
Sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (5/1941), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã phái hai cán bộ (Nông Văn Quang và Trương Văn Thiết) về Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) tìm bắt liên lạc nhưng vào lúc này, thực dân Pháp đang ráo riết lùng bắt cán bộ nên việc chắp nối liên lạc không thành. Sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, thực hiện sự chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc về việc khai thông liên lạc giữa Cao Bằng với vùng xuôi, các đồng chí Võ Nguyên Giáp và Lê Thiết Hùng phụ trách Ban xung phong Nam tiến có nhiệm vụ mở con đường từ Nguyên Bình qua Ngân Sơn, Chợ Rã để nối liền với Chợ Chu, Đại Từ (Thái Nguyên). Ngược lại, từ Thái Nguyên Cứu quốc quân mở các con đường “Bắc tiến” từ Võ Nhai lên Na Rì, từ Định Hóa Lên Chợ Đồn… Đến tháng 10/1943, hai đội quân “Nam tiến” và “Bắc tiến” đã gặp nhau tại xã Nghĩa Tá - nơi giáp giới ba tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Hai trung tâm căn cứ địa Cao Bằng và Bắc Sơn - Võ Nhai đã được đánh thông với nhau, tạo thành một dải liên hoàn vững chắc.
Cách mạng Tháng Tám thành công. Chiều ngày 20/8/1945, tại cuộc mít tinh lớn được tổ chức ở sân vận động thị xã Thái Nguyên, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc tuyên bố xóa bỏ chính quyền của Nhật và tay sai, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên do đồng chí Lê Trung Đình làm Chủ tịch.
Khoảng 21 giờ ngày 22/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Tân Trào về đến thị xã Thái Nguyên. Dù rất mệt vì mới trải qua trận ốm nặng, lại vượt một quãng đường dài, nhưng ngay tối hôm đó, Người vẫn gặp gỡ các đồng chí cán bộ lãnh đạo tỉnh để nắm tình hình địa phương và căn dặn những việc cần làm đối với một chính quyền cách mạng còn non trẻ.
Đúng như Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh dự đoán, sau khi ký Hiệp định sơ bộ (6/3) và Tạm ước Việt - Pháp (14/9/1946), thực dân Pháp đã ngang nhiên bội ước, liên tiếp gây ra các hoạt động khiêu khích, xâm lược ngày càng trắng trợn. Trong hoàn cảnh ấy, nhân dân ta phải cầm vũ khí tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược để bảo vệ những thành quả của cách mạng.
Điều kiện cơ bản để kháng chiến lâu dài là phải bảo tồn và phát triển lực lượng kháng chiến, đồng thời phải xây dựng được những khu căn cứ vững chắc, an toàn, không chỉ có địa hình thuận lợi, mà phải có cơ sở và phong trào quần chúng vững mạnh. Với tầm nhìn xa trông rộng, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân công đồng chí Phạm Văn Đồng cùng một số cán bộ ở lại Việt Bắc một thời gian để củng cố căn cứ địa.
Cuối tháng 10-1946, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được giao nhiệm vụ trở lại Việt Bắc để chuẩn bị địa điểm xây dựng căn cứ địa kháng chiến. Một số địa điểm thuộc huyện Định Hóa (Thái Nguyên), Nam Chợ Đồn (Bắc Kạn) được chọn làm nơi ở và làm việc của các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ trong trường hợp phải rời khỏi Thủ đô.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ... rời Thủ đô chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc. Trên đường di chuyển lên ATK, mờ sáng ngày 4-3-1947, Người rời Sơn Tây, qua bến đò Trung Hà sang đất Phú Thọ. Từ ngày 2/4/1947, Bác Hồ ở tại làng Sảo (xã Bình Phú, còn có tên gọi là xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Khoảng 22 giờ ngày 11/5/1947, Pôn Muýt - đặc phái viên của Cao ủy Bôlae được Hồ Chủ tịch tiếp tại một địa điểm trong thị xã Thái Nguyên. Đây là một cuộc gặp lịch sử, vì thực chất thông điệp mà Cao ủy Bôlae muốn chuyển tới Hồ Chủ tịch là những điều kiện đòi chúng ta phải đầu hàng. Hồ Chủ tịch đã khẳng khái trả lời: Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, muốn có quan hệ tốt với nhân dân Pháp, nhưng kiên quyết kháng chiến để bảo vệ độc lập và thống nhất của Tổ quốc mình.
Ngày 20/5/1947, Người đến ở và làm việc tại đồi Khau Tý, thôn Điềm Mặc (nay là xã Điềm Mặc, huyện Định Hoá), ghi dấu thời điểm Bác sang Thái Nguyên (thuộc An toàn khu Việt Bắc) để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tại đây, trong muôn vàn gian khó, trong bộn bề công việc, Bác vẫn gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm cách mạng chan chứa trong bài thơ Cảnh khuya nổi tiếng:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà…”
Tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm Ngày Thương binh để nhân dân ta có dịp tỏ lòng biết ơn, yêu mến thương binh. Ngày 17/7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Ban Thường trực của Ban Tổ chức “Ngày thương binh, liệt sĩ”. Thực hiện chỉ thị của Bác, một hội nghị trù bị đã được tổ chức tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ. Tại Hội nghị, đại biểu của các cơ quan, các ngành ở Trung ương, khu và tỉnh đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm “Ngày toàn dân giúp đỡ thương binh và gia đình liệt sĩ” (gọi tắt là “Ngày Thương binh, liệt sĩ”) đầu tiên trong cả nước. Ngày 27/7/1947, bên gốc đa cổ thụ xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ đã diễn ra cuộc mít tinh trọng thể gồm khoảng 2.000 người tham dự, Ban Tổ chức đã đọc lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước toàn thể nhân dân. Từ đó, ngày 27/7 hàng năm trở thành “Ngày thương binh, liệt sĩ”.
Ngày 15/10/1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra bản Chỉ thị Phải phá tan cuộc tấn công mùa Đông của giặc Pháp, nêu lên phương hướng và những biện pháp hành động cụ thể cho quân và dân Việt Bắc.
Tháng 10/1947, trong lúc địch đang ra sức lùng sục để tiêu diệt các cơ quan đầu não kháng chiến, trên đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh X.Y.Z. đã viết và sửa chữa tác phẩm Sửa đổi lối làm việc. Người đã đưa ra 12 điều thuộc về tư cách của một Đảng chân chính cách mạng, “Đảng không phải là một tổ chức làm quan phát tài, nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”; “Cán bộ của Đảng phải biết lý luận, mọi công việc của Đảng phải đứng về phía quần chúng, cán bộ đảng viên phải liên hệ chặt chẽ với dân chúng, Đảng không che giấu khuyết điểm của mình, không sợ phê bình”; “Đảng phải chọn lựa những người rất trung thành và rất hăng hái, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo”; “Đảng phải giữ kỷ luật rất nghiêm từ trên xuống dưới”... Sửa đổi lối làm việc là một tác phẩm gối đầu giường đối với mọi cán bộ, Đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân trong kháng chiến...
Ngày 20/1/1948, tại Khuôn Tát (Phú Đình, ATK Định Hóa), Chủ tịch Hồ Chí Minh ký các sắc lệnh phong cấp tướng cho một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cao cấp ở cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng, trong đó có Sắc lệnh số 110/SL phong quân hàm cấp Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp - Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân, tự vệ. Ngày 28/5/1948, trong một căn nhà cạnh con suối Nà Lọm ở ATK Định Hóa, dưới sự chủ trì của Bác, Chính phủ tổ chức lễ thụ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp.
Tháng 3/1948, từ ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư cho đồng chí Hoàng Mai (Giám đốc Sở Công an Khu XII) nói về tư cách của người công an cách mệnh. Trong thư, Bác viết: “... công an của ta là công an nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc”. Người dạy: “Tư cách người công an cách mệnh là:
Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ.
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tụy.
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.
Lời dạy của Bác Hồ về Tư cách người công an cách mệnh đã trở thành lẽ sống, thành phương châm hành động của các cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân Việt Nam.
Trước những chuyển biến của tình hình thế giới và trong nước, đồng thời nhằm khắc phục khó khăn mới do sự can thiệp của đế quốc Mỹ vào cuộc chiến tranh Đông Dương, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng (6-1950) tại ATK Định Hóa (Thái Nguyên) đã quyết định mở Chiến dịch Biên giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng trực tiếp nghiên cứu kế hoạch Chiến dịch. Mục đích của chiến dịch là tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới để mở rộng con đường liên lạc với các nước xã hội chủ nghĩa, củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc. Chiến dịch Biên giới mở màn ngày 16/9 và kết thúc thắng lợi vào ngày 14/10-1950. Trong chiến dịch, ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 8.000 tên địch, giải phóng một dải biên giới với chiều dài 750 km và một vùng đất rộng lớn với 35 vạn dân, phá vỡ hành lang Đông - Tây...
Từ ngày 30/4 đến ngày 6/5/1952, tại xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Đại hội Chiến sĩ thi đua và Cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất. Tham dự Đại hội có 154 đại biểu công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang tiêu biểu cho phong trào thi đua trong cả nước. Đại hội lựa chọn được 7 Chiến sĩ thi đua ưu tú nhất đề nghị Chính phủ tuyên dương danh hiệu Anh hùng (gồm 4 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là: Cù Chính Lan (Truy tặng), La Văn Cầu, Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Thị Chiên và 3 Anh hùng Lao động là: Trần Đại Nghĩa, Ngô Gia Khảm, Hoàng Hanh).
Để đối phó với các âm mưu và hoạt động của địch, cuối tháng 9/1953, tại bản Tỉn Keo, thôn Lục Rã, xã Phú Đình (huyện Định Hóa), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ tọa cuộc họp Bộ Chính trị bàn kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953-1954. Thực hiện chủ trương, kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953-1954, quân và dân ta đã thực hiện thắng lợi các Chiến dịch Lai Châu; Trung Lào; Bắc Tây Nguyên; Thượng Lào.
Qua nhiều lần lên thị sát Điện Biên Phủ, Nava tuyên bố chấp nhận cuộc giao chiến với bộ đội chủ lực của ta ở Điện Biên Phủ và “quyết giữ Điện Biên Phủ bằng mọi giá”. Trước tình hình đó, ngày 6/12/1953, tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị nghe Tổng Quân ủy báo cáo Phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954. Bộ Chính trị nhất trí thông qua Phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954 của Tổng Quân ủy và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ (với bí danh là Chiến dịch Trần Đình). Ngày 7/5/1954, quân ta tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trải qua “56 ngày, đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, Chiến dịch Điện Biên Phủ hoàn toàn thắng lợi. Quân ta đã tiêu diệt và bắt hơn 16.000 tên địch, bắt sống toàn bộ Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm do tướng Đờ Cátxtơri chỉ huy; bắn rơi và phá hủy 62 máy bay, bắn hỏng 4 xe tăng; thu 30 trọng pháo, 6 xe tăng, hơn 30.000 chiếc dù, toàn bộ vũ khí, đạn, quân trang, quân dụng. Như vậy, ATK Định Hoá là nơi phát tích của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
Ngày 1/9/1954, tại đồi Giang, xã Độc Lập (nay là xã Tiên Hội) một địa điểm giáp ranh với nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Hùng Cường huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận Quốc thư của Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba. Đây là Lễ nhận Quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngoài những sự kiện trên đây, tại ATK Định Hoá còn diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng khác. Tại đây, Bác và Trung ương đã ra nhiều chỉ thị, quyết định, sắc lệnh… điều hành đất nước và đưa cuộc kháng chiến kiến quốc của chúng ta đến thắng lợi hoàn toàn. Trong những ngày ở ATK Định Hoá, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã được đồng bào các dân tộc địa phương hết lòng che chở, đùm bọc, giúp đỡ. Ngày 12/10/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời căn nhà sàn bé nhỏ, đơn sơ trên đồi Thành Trúc (xóm Đầm Mua, xã Hùng Cường, huyện Đại Từ) trở về Thủ đô Hà Nội sau gần 8 năm xa cách. Những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại Thái Nguyên (từ tháng 5-1947 đến tháng 10-1954) đã để lại biết bao kỷ niệm. Mỗi khi có dịp Bác lại nhắc nhở, thăm hỏi đến Võ Nhai, Định Hóa, Đại Từ, đến đồng bào, đồng chí no đói có nhau, sướng khổ cùng nhau, thương yêu nhau như ruột thịt, đồng lòng kháng chiến.
Kể từ sau khi chia tay với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên và đồng bào vùng Việt Bắc để trở về Hà Nội cho đến khi cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 07 lần trở lại thăm hỏi, động viên nhân dân, chỉ đạo Đảng bộ Thái Nguyên lãnh đạo nhân dân xây dựng cuộc sống mới.
- Tháng 12/1954, Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với hơn 2.000 cán bộ tại Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt 2 của đoàn Thái Nguyên, Bắc Giang (tại Thái Nguyên). Sau khi biểu dương những thành tích của hai đoàn cải cách ruộng đất và sự tiến bộ của mỗi cán bộ trong đoàn, Bác đã “nói kỹ về những khuyết điểm”, để giúp cán bộ cải cách sửa chữa...
- Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi (25/1/1955), Bác Hồ đến thăm Công trường đập Thác Huống - đập này bị máy bay Pháp ném bom phá hỏng ngày 12/6/1952, nay đang được sửa chữa lại. Người chúc Tết và động viên anh em bộ đội, công nhân, cán bộ, dân công ở lại ăn Tết tại công trường thật vui vẻ. Người căn dặn anh chị em khi tiếp tục công việc sẽ thi đua làm nhanh, làm tốt và tiết kiệm để bà con nông dân chóng có đủ nước cấy, mức sản xuất được cao hơn thì đời sống mọi người sẽ no ấm hơn. Người tặng công trường một số huy hiệu để thưởng cho những người thi đua khá nhất.
- Ngày 2/3/1958, Bác Hồ về thăm tỉnh Thái Nguyên lần thứ ba. Cùng đi với Hồ Chủ tịch có Bộ trưởng Bộ Thủy lợi và Kiến trúc Trần Đăng Khoa, Phó trưởng Ban liên lạc nông dân toàn quốc Nguyễn Mạnh Hồng. Hồ Chủ tịch đến kè Lũ Yên, xã Yên Thịnh (nay thuộc xã Đào Xá, huyện Phú Bình) xem chiếc máy bơm tự động chạy bằng sức nước do Trung Quốc giúp ta mà Bộ Thủy lợi và Kiến trúc xây lắp và đang cho chạy thử ở đây. Sau khi xem máy bơm, Bác Hồ đã nói chuyện với đồng bào: Cải cách ruộng đất rồi đồng bào có ruộng, có tổ đổi công, bây giờ lại có nước thì phải tích cực tăng gia sản xuất và để dành tiền mua máy bơm. Giá mua lúc đầu thì đắt đấy, nhưng dùng được hàng chục năm. Có ruộng, có nước lại có tổ đổi công thì làm ăn sẽ khá, đời sống sẽ được nâng cao.
Sau đó, Bác Hồ đi thăm các hợp tác xã nông nghiệp ở huyện Đại Từ. Bà con xã viên của 4 hợp tác xã nông nghiệp và nhiều đồng bào ở 2 xã Hùng Sơn, Độc Lập cùng một số cán bộ lãnh đạo của khu, của tỉnh và huyện Đại Từ đã tập trung ở Hợp tác xã nông nghiệp Cầu Thành để chào đón Hồ Chủ tịch....
- Ngày 4/6/1959, Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập Công trường Khu Gang thép Thái Nguyên. Quan tâm đến Thái Nguyên, đến Khu Gang thép, chỉ 4 ngày sau (ngày 8/6/1959), Bác Hồ đã đến thăm công trường lần thứ nhất. Nói chuyện với cán bộ, công nhân, Bác động viên anh chị em là những người đi trước. Bác khen kết quả xây dựng bước đầu của công trường và ân cần nhắc nhở anh, chị em đoàn kết thi đua hoàn thành kế hoạch xây dựng Khu Gang thép. Bác phân tích và giáo dục mọi người nhận rõ tiền đồ của mình, nhận rõ trách nhiệm làm chủ nước nhà, làm chủ nhà máy, giữ gìn của công, thi đua tiết kiệm, chống lãng phí, phát huy tinh thần dám nghĩ dám làm, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động. Cán bộ lãnh đạo phải tránh quan liêu, mệnh lệnh, luôn luôn bàn bạc dân chủ với công nhân, lắng nghe ý kiến và săn sóc đời sống anh chị em. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên và công nhân hãy giúp nhau tiến bộ, cần cố gắng mọi mặt, học tập tinh thần làm việc và những kinh nghiệm quý báu của chuyên gia các nước anh em....
- Ngày 13/3/1960, một ngày hội lớn của tỉnh. Hơn 4 vạn đại biểu nhân dân các dân tộc trong tỉnh họp mít tinh đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chính phủ tặng cho tỉnh Thái Nguyên và Huân chương Lao động hạng Hai tặng cho huyện Định Hóa. Niềm vui được nhân lên gấp bội khi được Bác Hồ về thăm và nói chuyện với cán bộ, đồng bào giữa ngày hội lần đó.
- Ngày 31/12/1962, Bác Hồ về thăm Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa huyện Phú Lương và đồng bào xã Phủ Lý. Sau khi hỏi thăm tình hình học tập, tinh thần khắc phục khó khăn để học tập, lao động của thầy và trò, Người biểu dương thành tích và căn dặn: Ngoài việc học văn hóa, các cháu cần học thêm quản lý kinh tế, học kỹ thuật nông nghiệp, các cô giáo, thầy giáo phải chú ý đến đặc điểm của học sinh các dân tộc để giảng dạy cho tốt... Người nói chuyện với nhân dân xã Phủ Lý về tình hình sản xuất, đời sống và căn dặn: Cán bộ, xã viên phải nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, đoàn kết giúp nhau như anh em một nhà, mọi người cần khắc phục khó khăn xây dựng, củng cố hợp tác xã, đẩy mạnh sản xuất, làm cho đời sống ngày một no ấm. Sau buổi nói chuyện, Bác Hồ thăm một số nơi trong khu vực nhà trường, thăm một gia đình đồng bào Dao vừa mới định cư, định canh, trực tiếp hỏi chuyện một số cán bộ và nhân dân....
- Ngày 31/12/1963, lần cuối cùng Bác Hồ về thăm đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Buổi tối, Người đến thăm và nói chuyện với cán bộ, giáo viên, học viên Trường Đảng tỉnh (nay là Trường Chính trị tỉnh). Bác nhắc nhở giáo viên, học viên phải dạy tốt, học tốt, tăng cường rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi Đảng cần, khi tổ chức giao cho. Sau buổi nói chuyện, Bác xem Đoàn ca múa dân gian Việt Bắc biểu diễn và chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, diễn viên của Đoàn.
Ngày 1/1/1964, Bác đến thăm cán bộ, công nhân Khu Gang thép, Nhà máy điện Cao Ngạn... Bốn mươi lăm nghìn đại biểu cán bộ, công nhân và nhân dân trong tỉnh vô cùng phấn khởi được Bác Hồ chúc mừng năm mới và nói chuyện tại sân vận động thành phố Thái Nguyên trong ngày đầu năm. Người nói: “Để làm ra gang thép tốt thì người công nhân và cán bộ phải tôi luyện tinh thần cách mạng, lập trường giai cấp và ý thức làm chủ cho cứng rắn như thép, như gang. Nhất là cán bộ, đảng viên và đoàn viên phải làm như vậy.
Tỉnh ta sẵn có truyền thống cách mạng vẻ vang, có tài nguyên phong phú, có nông nghiệp hợp tác hoá, có thủ công nghiệp, công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng. Đồng bào các dân tộc sẵn có đức tính cần cù. Nói tóm lại, tỉnh ta có nhiều điều kiện rất thuận lợi, toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”.
III- THÁI NGUYÊN LÀM THEO LỜI BÁC
Tỉnh Thái Nguyên có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế và xã hội. Tỉnh chủ trương phát triển mạnh công nghiệp, thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh và xây dựng hạ tầng vào các khu công nghiệp. Tỉnh Thái Nguyên đã ban hành cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư trong nước và khuyến khích ưu đãi đầu tư ngoài nước vào tỉnh Thái Nguyên. Thực hiện tốt đề án “cải thiện môi trường đầu tư”, trong đó quan tâm đến việc cải cách thủ tục hành chính trong cấp phép đầu tư và thực hiện tốt tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án. Với tiềm năng và cơ hội đầu tư còn rất lớn, điều kiện đầu tư ngày càng thuận lợi, tỉnh Thái Nguyên sẽ có nhiều cơ hội được hợp tác với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần phát triển Thái Nguyên thành một tỉnh giàu đẹp, tương xứng với vị trí là tỉnh cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội.
Nhìn lại giai đoạn 2005-2010, Thái Nguyên có quyền tự hào về một chặng đường phát triển mang tính căn cơ, vừa có những bước đi bền vững chuẩn bị cho tương lai, vừa có những bước tiến nhanh, bảo đảm tăng trưởng và an sinh xã hội. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những thành tựu rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân hàng năm đạt 11,11%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 ước đạt 17,5 triệu đồng, tăng hơn 3 lần so với đầu nhiệm kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2010 đạt trên 12.000 tỷ đồng, nằm trong TOP 10 địa phương có giá trị sản xuất công nghiệp lớn nhất toàn quốc… Năm 2010 cũng đã ghi nhận bước ngoặt phát triển của T.P Thái Nguyên khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận đô thị loại I, T.X Sông Công là đô thị loại III trực thuộc tỉnh. Thái Nguyên là một trong những địa phương đạt kết quả cao nhất toàn quốc trong chương trình xây dựng nhà ở cho người nghèo theo Quyết định số 167 của Chính phủ; là địa phương về đích đầu tiên trong chương trình xây dựng nhà ở cho sinh viên, với 52 công trình cao tầng đã hoàn thành; tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh năm 2010 là 10,8%, giảm 3,19% so với năm 2009, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao…
Với những nền tảng kinh tế - xã hội đã đạt được, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVIII tiếp tục xác định đẩy mạnh phát triển toàn diện để tiến nhanh hơn, mạnh hơn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 đặt quyết tâm phấn đấu đưa Thái Nguyên phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020, trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá, y tế, giáo dục - đào tạo của đất nước, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Thủ đô Hà Nội, là động lực để phát triển vùng Trung du miền núi Bắc Bộ. Đây cũng là trọng trách lớn mà Trung ương Đảng, Chính phủ giao phó và đặt niềm tin vào Thái Nguyên như trong Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu. Nhưng chỉ tiêu chủ yếu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra là:
1- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân hàng năm từ 12 - 13%. Trong đó, Công nghiệp - Xây dựng tăng 16,5%; Dịch vụ tăng 13,5%; Nông, lâm nghiệp tăng 4,5%.
2- Cơ cấu kinh tế đến năm 2015 đạt: Công nghiệp - xây dựng 46,5%; Dịch vụ 38,5%; Nông, lâm nghiệp 15%.
3- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hàng năm 20% trở lên.
4- Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân hàng năm 6% trở lên.
5- Giá trị xuất khẩu tăng bình quân hàng năm 20%.
6- Thu ngân sách nhà nước bình quân hàng năm tăng 20% trở lên (không bao gồm thu cấp quyền sử dụng đất).
7- GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 45 triệu đồng (tương đương 2.100 USD).
8- Giải quyết việc làm mới bình quân hàng năm cho 15.000 lao động. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 55% vào năm 2015.
9- Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm 2% trở lên (theo chuẩn mới).
10- Đến năm 2015 có 20% xã đạt tiêu chí "nông thôn mới".
11- Phấn đấu đến năm 2015 có 70% số trường đạt chuẩn quốc gia (trong đó: mầm non 65%, tiểu học 100%, trung học cơ sở 50%, trung học phổ thông 20%).
12- Phấn đấu đến năm 2015 có 100% xã chuẩn quốc gia về y tế; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống còn dưới 14%; giảm tỷ suất sinh thô hàng năm 0,1‰.
13- Ổn định độ che phủ rừng trên 50%; tỷ lệ hộ nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95%.
14- Kết nạp đảng viên hàng năm tăng trên 4% so với tổng số đảng viên.
15- Số tổ chức cơ sở đảng đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh hàng năm đạt trên 80%.
16- Tỷ lệ đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hàng năm đạt trên 80%.
Năm 2012, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, do các chính sách thắt chặt chi tiêu công nhằm giảm lạm phát ở trong nước... song các chỉ tiêu chủ yếu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đạt được khá cao:
+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) trên địa bàn năm 2012 ước đạt 7,2% (mức bình quân chung của cả nước là 5,03%).
+ Tổng thu trong cân đối ngân sách nhà nước toàn tỉnh ước đạt 3.420 tỷ đồng, tăng 5,1% so với năm 2011 và đạt 100% dự toán.
+ Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2012 (theo giá so sánh 1994) ước đạt 2.775 tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm 2011 (vượt chỉ tiêu kế hoạch là tăng 6,0%).
+ Diện tích trồng rừng tập trung toàn tỉnh đạt 4.890 ha, bằng 113,7% kế hoạch. Diện tích chè trồng mới và trồng lại được 1.271 ha, tăng 130 ha so với năm 2011, bằng 127% kế hoạch. Tỷ lệ che phủ rừng tính đến hết năm 2012 là 50%, hoàn thành kế hoạch.
+ Số lao động được tạo việc làm mới ước đạt 18.000 lao động, bằng 112,5% kế hoạch cả năm.
+ Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2012 là 14,6%, giảm 2,1% so với năm 2011, bằng chỉ tiêu kế hoạch.
+ Giảm tỷ lệ trẻ em (dưới 5 tuổi) suy dinh dưỡng xuống còn dưới 16%, đạt kế hoạch.
Bước sang năm 2013, mặc dù những khó khăn trước mắt còn nhiều, song tỉnh ta vẫn quyết tâm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội ở mức cao:
1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP): 9%
2. Giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN tăng 16%, tương ứng với giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (giá so sánh năm 2010) là 34.500 tỷ đồng;
3. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 20%, tương ứng kim ngạch xuất khẩu 159 triệu USD;
4. GDP bình quân đầu người: 30 triệu đồng;
5. Thu ngân sách phấn đấu tăng 20% so với thực hiện năm 2012 tương ứng với 3.700 tỷ;
6. Giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp thủy sản tăng 6%;
7. Sản lượng lương thực có hạt, đạt 420 ngàn tấn;
8. Giá trị sản xuất/ha đất trồng trọt đạt: 77 triệu đồng/ha;
9. Diện tích trồng rừng mới trên địa bàn: 5.000 ha;
10. Diện tích trồng chè mới, cải tạo và phục hồi: 1.000 ha;
11. Mức giảm tỷ suất sinh thô trong năm: 0,1‰;
12. Tạo việc làm mới cho 16.000 lao động;
13. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 12,5% (giảm 2,1% so với năm 2012)
14. Giảm trẻ em suy dinh dưỡng xuống dưới: 15%;
15. Ổn định tỷ lệ độ che phủ rừng: 50%;
16. Tỷ lệ số hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ở khu vực nông thôn: 80%
Để đạt được những chỉ tiêu trên, Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khoá XII (diễn ra từ ngày 12/12/2012 đến ngày 15/12/2012) đã bàn và thông qua Nghị quyết về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và nhiệm vụ kế hoạch năm 2013 của tỉnh Thái Nguyên; trong đó nêu rõ các giải pháp thực hiện như:
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp của Chính phủ, chủ trương, chính sách của tỉnh, phát huy tối đa những thuận lợi, tranh thủ các nguồn lực, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các thành phần kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong tỉnh liên kết với nhau trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
- Tập trung triển khai thực hiện chương trình hành động xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020, tập trung ưu tiên cho lĩnh vực hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp... Rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục và đẩy nhanh tiên độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm; tăng cường công tác quản lý xây dựng cơ bản...
- Thực hiện lồng ghép các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, gắn với huy động tốt các nguồn nội lực trong nhân dân, tập trung cho Chương trình xây dựng nông thôn mới; khuyến khích chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển các mô hình kinh tế trang trại, làng nghề.
- Thực hiện tốt chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI); tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác hỗ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án quan trọng có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tạo môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số hiệu quả và quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI).
- Quan tâm triển khai thực hiện tốt các chính sách xã hội, thực hiện đồng bộ các chương trình về phát triển giáo dục - đào tạo, chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, chương trình giảm nghèo bền vững - nước sạch và vệ sinh môi trường, chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, nhất là với lao động nông thôn, lao động vùng vùng thực hiện dự án, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
- Tăng cường công tác phòng chống tội phạm, đảm bảo an toàn trật tự xã hội; Đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; Ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng an ninh.
- Tập trung huy động các nguồn lực xã hội, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ 2.
Với truyền thống lịch sử là quê hương cách mạng, là nơi có tài nguyên thiên nhiên phong phú; lại sẵn có truyền thống đoàn kết, vượt qua khó khăn, đạt nhiều thành tích trong thời kỳ xây dựng đất nước, chúng ta tin tưởng rằng: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh nhất định sẽ “làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta” như Bác Hồ từng căn dặn.