Hướng dẫn lấy phiếu tín nhiệm: Tiêu chí phải cụ thể, tránh hình thức

11:04, 14/01/2013

Cuối tuần qua, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn thi hành một số nội dung của Nghị quyết số 35/2012/QH 13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, để bảo đảm Nghị quyết 35 sớm triển khai thực hiện, việc hướng dẫn cần đưa ra các quy định, tiêu chí cụ thể nhằm tránh hình thức, bảo đảm tính khách quan, nhất là trong công tác đánh giá mức độ tín nhiệm của cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

 

PGS.TS, Trung tướng Trần Văn Đỗ, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự TW, đề nghị bổ sung vào Dự thảo quy định "Trách nhiệm của đại biểu là nắm tâm tư nguyện vọng của cử tri và người được bỏ phiếu tín nhiệm nên phải có cơ chế cụ thể trong việc tổng hợp ý kiến, tâm tư nguyện vọng của cử tri". Theo Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, thành viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội Tô Văn Tám, hiện nay cử tri rất mong muốn việc bỏ phiếu tín nhiệm phải được tiến hành ngay để có cơ sở đề tín nhiệm hoặc bãi nhiệm người được lấy phiếu, do vậy cần quy định lại việc bỏ phiếu tại Điểm 3, Điều 8 của Dự thảo.

 

Các đại biểu cũng đề nghị, tên phiếu nên bỏ chữ "thăm dò" mà ghi rõ "phiếu lấy tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm". Đối với 2 phương án lấy phiếu tín nhiệm, đa số ý kiến đồng ý với việc chọn phương án 1 quy định một mẫu sử dụng chung, trên đó ghi đầy đủ danh sách tất cả những đối tượng sẽ được lấy phiếu. Tuy nhiên, Dự thảo nên bổ sung theo hướng chia theo nhóm như Quốc hội, Chính phủ hay UBND, HĐND...

 

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Quốc hội thông qua một Nghị quyết rất mới và quan trọng. Việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm được dư luận, cử tri, nhân dân, đại biểu Quốc hội, HĐND rất hoan nghênh. Thực chất, đây là thăm dò dư luận, thăm dò ý kiến của đại biểu, bằng niềm tin nội tâm của các đại biểu, bằng trách nhiệm của các đại biểu với tư cách đại diện cho nguyện vọng của cử tri, chứ không phải đi bỏ phiếu hay thi hành, cách chức, bãi nhiệm một chức danh nào đó. Vì vậy, phải bám sát Nghị quyết 35 của Quốc hội, những gì Nghị quyết không quy định thì cần có hướng dẫn cụ thể, những gì đã quy định nhưng trong quá trình thực hiện còn vướng mắc thì phải có hướng dẫn điều chỉnh rõ ràng, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao để triển khai thực hiện Nghị quyết 35 trong toàn quốc.