Những ngày đầu xuân, cùng với bao niềm vui cũng như những lo toan bộn bề cho kế hoạch của một năm mới, toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị của chúng ta lại dốc sức cho một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn. Đó là tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Đây là hoạt động thể hiện tính dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta, nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết và tạo sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp; thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân. Để việc lấy ý kiến của nhân dân bảo đảchất lượng, hiệu quả, trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đã có kế hoạch triển khai đến các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị và đoàn thể nhân dân các cấp, hướng dẫn thực hiện cụ thể. Tỉnh yêu cầu ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc, góp phần hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Việc lấy ý kiến của nhân dân sẽ được thực hiện qua nhiều kênh thông tin khác nhau, trong đó chú trọng nâng cao trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp ý kiến; phản ánh trung thực kịp thời ý kiến tham gia của nhân dân. Nhằm tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận được với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và các thông tin liên quan, Báo Thái Nguyên in tuần trước đã đăng tải toàn văn Báo cáo Thuyết minh về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và chính thức mở chuyện mục “Góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”. Hôm nay, Tòa soạn đăng tải toàn văn Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (sửa đổi năm 2013) trên 2 trang phụ trương đặc biệt (A-B).
Về nguyên tắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, địa phương, đơn vị có thể góp ý kiến vào toàn bộ dự thảo, hoặc có thể tập trung vào một nội dung, lĩnh vực nào đó mình quan tâm, an hiểu; tùy nhận thức của từng người về từng vấn đề để tham gia đóng góp ý kiến một cách tâm huyết, chân thành. Chúng ta sẽ tổ chức lấy ý kiến thông qua nhiều hình thức phù hợp, khuyến khích việc thảo luận, tranh luận công khai về nội dung của Dự thảo. Đó cũng chính là một hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi tập thể, cá nhân đối với Hiến pháp và thi hành Hiến pháp; thiết thực góp phần xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Thiếu tranh luận, thảo luận công khai hay cản trở việc thảo luận, tranh luận, tham gia ý kiến thì đợt sinh hoạt chính trị sẽ trở nên hình thức, tốn kém và ít hiệu quả. Ngoài việc góp ý trực tiếp tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, ý kiến tham gia của các tổ chức, cá nhân có thể gửi bằng văn bản trực tiếp đến Thường trực Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp để tổng hợp báo cáo cấp trên.
Việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ được thực hiện trong thời gian từ nay đến hết tháng 3/2013, sau đó sẽ tiến hành tổng hợp ý kiến của nhân dân trình lên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Trung ương để xem xét, tiếp thu, giải trình những vấn đề liên quan và tiến hành các bước tiếp theo. Những vấn đề không tiếp thu sẽ được giải trình đầy đủ, rõ ràng và báo cáo ra Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2013).
Việc sửa đổi Hiến pháp là một việc làm bình thường, đúng pháp luật, phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới của đất nước. Thực tiễn cho thấy, nước ta đã trải qua 4 lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và cả 4 lần đều thu được kết quả tốt đẹp, góp phần đưa đất nước đi lên. Nghị quyết của Quốc hội đã khẳng định: Tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân cả ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào xây dựng Hiến pháp. Việc tổ chức lấy ý kiến phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm.
Đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân lần này đã được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng và chính thức bắt đầu. Cả bộ máy chính trị, các cơ quan đoàn thể, xã hội đã sẵn sàng cho công việc rất hệ trọng này. Vấn đề còn lại, ngoài sự chấp hành nghiêm túc Chỉ thị, Nghị quyết của các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị chính là ý thức và trách nhiệm của mỗi công dân chúng ta. Đây là lúc quyền lợi chính trị, ý thức làm chủ và xây dựng đất nước của mỗi người dân cần được phát huy ở mức cao nhất.