Loay hoay xóa xóm “trắng” đảng viên

09:46, 09/01/2013

Tính đến nay, toàn tỉnh còn 4 xóm, tổ dân phố chưa có đảng viên, trong đó có 3 xóm thuộc các huyện: Định Hóa, Đại Từ và Võ Nhai. Tại những nơi không có đảng viên, việc tuyên truyền, triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước không được thường xuyên, kịp thời, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân.  

Tháng 6/2012, xóm Hồng Tiến, xã Trung Lương (Định Hóa) đã “trắng” đảng viên (ĐV) khi ông Nguyễn Đình Thạch là ĐV cuối cùng chuyển sinh hoạt sang Chi bộ xóm Quang Trung. Được thành lập năm 2007, Chi bộ Hồng Tiến ban đầu có 5 đảng viên. Sau khi có 2 đảng viên qua đời do tuổi cao, 3 đảng viên còn lại cũng đã chuyển sinh hoạt sang chi bộ khác do đặc thù công việc là chuyển nơi ở, Đảng ủy xã Trung Lương đã phải báo cáo Huyện ủy Định Hóa để xóa tên Chi bộ Hồng Tiến. Để duy trì sự lãnh đạo thường xuyên, Đảng ủy xã giao một trong hai Chi bộ là Hồng Hoàng hoặc Tân Tiến lãnh đạo xóm Hồng Tiến nhưng không chi bộ nào nhận. Bà Trần Thị Hằng, Bí thư Chi bộ Hồng Hoàng cho rằng: Chi bộ Hồng Hoàng chỉ có 5 ĐV, địa bàn lại rộng nên không thể kham nổi. Như vậy, từ tháng 6/2012 tới này, xóm Hồng Tiến không có sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ Đảng. Tương tự, xóm Yên Ngựa, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) cũng “trắng” ĐV từ tháng 5/2012 khi ĐV Âu Văn Tào qua đời. Thực tế, Chi bộ xóm đã không còn người sinh hoạt từ 4 năm trước do ông Tào tuổi cao nên được nghỉ sinh hoạt theo quy định, một đảng viên của xóm xin ra khỏi Đảng và một người lấy chồng xin chuyển sinh hoạt Đảng. Công tác lãnh đạo Đảng ở xóm Yên Ngựa được giao cho Chi bộ xóm La Hóa.

 

Trong khi đó, xóm Đá Mài, xã Hùng Sơn (Đại Từ) từ trước đến nay chưa hề có ĐV. Đây là địa bàn đặc thù với 100% người dân theo Đạo Thiên chúa, cũng là xóm có trình độ dân trí thuộc nhóm thấp nhất của xã Hùng Sơn. Đồng chí Nguyễn Phúc Tuấn, Thường trực Đảng ủy xã Hùng Sơn cho biết: Khoảng 5 năm trước, cả xóm không có học sinh nào học hết THPT. Thiếu cán bộ làm công tác đoàn thể, Trưởng xóm Đá Mài khi ấy phải kiêm luôn nhiệm vụ là Chủ tịch Hội Phụ nữ để làm thủ tục vay vốn cho các hội viên.

 

Hạn chế lớn nhất ở các xóm “trắng” ĐV là việc tuyên truyền, triển khai những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến người dân không được thường xuyên, kịp thời. Việc giao các chi bộ xóm khác lãnh đạo xóm “trắng” ĐV cũng chỉ là giải pháp tình thế. Ông Lê Văn Hào, Trưởng xóm Yên Ngựa cho biết: Vì không là ĐV, chúng tôi không được tham gia đóng góp, xây dựng Nghị quyết của Chi bộ nên Nghị quyết (của Chi bộ La Hóa) thường không đề cập đến xóm Yên Ngựa hoặc có đề cập nhưng không sát với thực tế. Hằng năm, chúng tôi đều mời Bí thư Chi bộ Là Hóa đến dự tổng kết của xóm và các đoàn thể nhưng Bí thư không chỉ đạo, đánh giá cụ thể được công việc của xóm vì không phải người của xóm. Đồng chí Triệu Văn Vấn, Thường trực Đảng xã Lâu Thượng cũng thừa nhận: Lãnh đạo một xóm đã vất vả, giao cho lãnh đạo thêm xóm khác, nhất là xóm không có đảng viên là “quá sức” cho Chi bộ La Hóa. Do vậy, trong quá trình triển khai nhiệm vụ, Chi bộ không tránh khỏi tình trạng còn buông lỏng hoặc lãnh đạo mang tính cục bộ. “Trắng” ĐV, việc tổ chức thực hiện các phong trào và định hướng tư tưởng cho người dân cũng gặp không ít khó khăn. Xóm Đá Mài chính là nơi xảy ra tình trạng người dân khiếu kiện kéo dài liên quan đến việc giải phóng hành lang đường điện 220KV Tuyên Quang – Thái Nguyên.

 

Tìm hiểu ở các xóm “trắng” ĐV, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân chủ yếu là do quần chúng chưa nhận thức được ý nghĩa khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, việc chỉ đạo của cấp ủy các cấp để phát triển ĐV chưa thực sự quyết liệt. Thực tế, cả 3 xóm kể trên đều không phải những xóm vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn. Thậm chí, xóm Yên Ngựa còn là một trong những xóm có mức sống cao nhất của xã Lâu Thượng. Đồng chí Triệu Văn Vấn thừa nhận: “Dù Đảng ủy xã đã nhiều lần về xóm họp, bàn vận động quần chúng có trình độ tham gia các hoạt động đoàn thể, từ đó tạo nguồn phát triển Đảng nhưng không ai muốn tham gia”. Có thể kể đến trường hợp chị Đoàn Thị Thu, Chi hội trưởng Phụ nữ xóm. Chị Thu chưa đến 40 tuổi, là người nhiệt tình nhưng không muốn vào Đảng vì không muốn bị ràng buộc để tập trung phát triển kinh tế gia đình. Trưởng xóm Lê Văn Hào cũng là một quần chúng ưu tú nhưng không muốn vào Đảng vì cho rằng tuổi đã cao hơn (50 tuổi)… Xóm Hồng Tiến, xã Trung Lương trong 5 năm qua cũng lựa chọn được 4 quần chúng ưu tú để bồi dưỡng kiến thức Đảng nhưng đều chỉ đăng ký học rồi bỏ hoặc đã được bồi dưỡng nhưng không tiếp tục phấn đấu. Đồng chí Nguyễn Đình Cúc, Bí Thư Đảng ủy xã Trung Lương nói: Chúng tôi đã làm nhiều cách, Ban Tổ chức Huyện ủy cũng trực tiếp làm việc với Đảng bộ xã tìm phương án xóa “trắng” ĐV ở Hồng Tiến nhưng chưa có kết quả.

 

Trong 3 xóm, chỉ có Đá Mài, xã Hùng Sơn hiện có 2 quần chúng ưu tú đã hoàn thành lớp bồi dưỡng kiến thức về Đảng. Cách làm của Hùng Sơn là bên cạnh công tác tư tưởng, tạo điều kiện cho những cá nhân ưu tú tham gia các hoạt động đoàn thể, Đảng ủy xã Hùng Sơn đã trực tiếp cử một cán bộ giúp đỡ quần chúng trong quá trình phấn đấu vào Đảng. Dự kiến, trong năm 2013, Đảng ủy xã Hùng Sơn sẽ kết nạp cho 2 quần chúng này và phấn đấu đến năm 2015 sẽ thành lập chi bộ tại xóm Đá Mài.