Mốc son chói lọi của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam

09:02, 18/01/2013

40 năm trước thế giới chứng kiến một sự kiện gây chấn động: Mỹ, một đế quốc hùng mạnh, ngày 27/1/1973 đã phải chính thức đặt bút ký vào "Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam", gọi tắt là Hiệp định Paris, thừa nhận chủ quyền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Sự kiện này tạo một tiếng vang lớn trên mặt trận ngoại giao; là tiền đề quan trọng để nhân dân ta đi tới thắng lợi cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Mốc son chói lọi ấy là tổng hợp thắng lợi của cuộc đấu tranh bền bỉ trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao của một dân tộc có truyền thống yêu hòa bình.

 

Có thể khẳng định, với Hiệp định Paris, nhân dân Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu "đánh cho Mỹ cút", mở ra một giai đoạn mới, thuận lợi cho hoàn thành mục tiêu "đánh cho ngụy nhào". Văn kiện pháp lý quốc tế này là kết quả của cuộc đấu tranh ngoại giao cam go nhất, lâu dài nhất, trong lịch sử hơn 50 năm của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.

 

Cuộc đàm phán Paris kéo dài 5 năm, từ ngày 15/3/1968 đến ngày 27/1/1973, với 202 phiên họp công khai và 24 đợt gặp riêng. Ngày 18/1/1969, hội nghị 4 bên họp phiên đầu tiên dưới hình thức bàn tròn, đoàn đại biểu của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã xếp ngang hàng với các đoàn đại biểu khác. Trên bàn đàm phán, cuộc đấu trí diễn ra quyết liệt giữa các bên, đặc biệt là giữa cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và trợ lý Tổng thống Mỹ H.Kissinger. Ngày 8/10/1972, phái đoàn Việt Nam đưa cho phái đoàn Hoa Kỳ bản dự thảo Hiệp định với những điều khoản yêu cầu Mỹ rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam. Ban đầu, bản dự thảo được các bên nhất trí, nhưng sau đó phía Mỹ đã lật lọng, khiến cuộc đàm phán phải tạm dừng vào ngày 12/12/1972. Đêm 18/12/1972, tổng thống Mỹ R.Nixon ra lệnh ném bom hủy diệt Hà Nội và Hải Phòng bằng siêu pháo đài bay B-52. Cuộc đụng đầu lịch sử trong 12 ngày, đêm ấy đã làm lên chiến thắng lẫy lừng của quân và dân ta, lập nên một "Điện Biên Phủ trên không" kết thúc bằng việc 38 "pháo đài bay B-52" và 43 máy bay tiêm kích của Mỹ bị tiêu diệt trên bầu trời Hà Nội. Đây là đòn quyết định nhất buộc Tổng thống Mỹ R.Nixon phải tuyên bố ngừng ném bom từ bắc vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị cho phái đoàn Hoa Kỳ gặp đoàn đại biểu Việt Nam tại Paris để ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh. Ngày 23/1/1973, cố vấn Lê Đức Thọ cùng trợ lý Tổng thống Mỹ H.Kissinger đã ký tắt văn bản Hiệp định. Ngày 27/1/1973 đã diễn ra lễ ký chính thức Hiệp định tại Paris, buộc Mỹ phải cuốn cờ, rút quân khỏi miền Nam; đồng thời làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

 

Nhìn lại vị thế của Việt Nam kể từ khi bắt đầu bước vào bàn đàm phán đến khi Mỹ đặt bút ký vào Hiệp định Paris, chính thức thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đã có nhiều khác biệt. Từ một nước bị tàn phá trong bom đạn, điều mà Việt Nam đem đến bàn đàm phán là tinh thần quyết chiến quyết thắng, ý chí quật cường đấu tranh bền bỉ bảo vệ chân lý giành độc lập tự do của cả một dân tộc. Có thể nói, trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam, đây không phải lần đầu tiên, đàm phán ngoại giao Việt Nam đi đến thắng lợi.

 

So với Hiệp ước 6/3/1946 hay Hiệp định Geneva thì Hiệp định Paris là một phản ánh hùng hồn và chân thực thắng lợi cũng như xu thế cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trong bối cảnh quốc tế lúc bấy giờ. Thắng lợi của cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán là khẳng định tài lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản lĩnh và trí tuệ của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.

 

40 năm sau ngày ký kết Hiệp định Paris, đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, là đối tác bình đẳng với nhiều nước lớn, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của nhiều tổ chức hợp tác đa phương. Việt Nam và Mỹ đang bình thường hóa quan hệ và tiến dài trên con đường hợp tác. Thế nhưng, các thế hệ người Việt Nam hôm nay luôn nhớ đến bài học từ Hội nghị Paris. Đó là ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc và tinh thần đoàn kết quốc tế như một truyền thống tốt đẹp còn chảy mãi trong tiến trình lịch sử đất nước hình chữ S bên bờ Thái Bình Dương.

 

Hiệp định Paris 1973: 40 năm nhìn lại

Ngày 17/1, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, phối hợp với Viện Lịch sử Quân sự Bộ Quốc phòng (Pháp) và Đại học Hawaii Pacific (Hoa Kỳ) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế "Hiệp định Paris 1973: 40 năm nhìn lại". Hội thảo đã tập trung làm rõ tầm quan trọng của Hiệp định Paris năm 1973 trong tiến trình của cuộc kháng chiến chống Mỹ từ góc độ lịch sử và quan hệ quốc tế, rút ra những bài học về cách thức giải quyết các vấn đề xung đột quốc tế từ kinh nghiệm ngoại giao và đàm phán. Trong khuôn khổ hội thảo, thảo luận bàn tròn nhân chứng đã diễn ra với sự tham dự của bà Tôn Nữ Thị Ninh và ông Nguyễn Khắc Huỳnh - hai thành viên đoàn đàm phán tại Hiệp định Paris năm 1973, PGS Nguyễn Quốc Hùng - người chứng kiến máy bay B-52 Mỹ ném bom rải thảm tàn phá phố Khâm Thiên tháng 12/1972.