Ở nước ta, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến, người dân hầu như không có quyền, kể cả quyền sống. Chỉ sau khi Nhà nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, quyền con người mới chính thức được xác lập.
Kế thừa và phát triển những yếu tố tiến bộ về quyền con người của thế giới, Đảng Cộng sản Việt nam, dưới sự dẫn dắt của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngay trong bản Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa - đã xác định chủ thể quyền lực của nước Việt Nam mới là “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt giống nòi (ý nói các dân tộc khác nhau - tác giả), trai gái, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” (điều thứ 1, Hiến pháp năm 1946). Mặc dù Nhà nước công nông lúc đó còn rất non trẻ nhưng Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp cận vấn đề quyền con người một cách rất toàn diện, được các nhà sử học đánh giá là mẫu mực.
Còn nhớ, sau khi giành chính quyền, trong phiên họp đầu tiên của “Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc”, Hồ Chủ tịch đã nói “Chúng ta tranh được tự do độc lập rồi mà dân vẫn chết đói thì tự do độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết giá trị của tự do độc lập khi người dân được ăn no, mặc đủ. Vì thế chúng ta phải thực hiện ngay: Làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân được học hành” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội năm 2000 t.4, trang 152).
Thể hiện tư tưởng cốt lõi này, trong bản Hiến pháp năm 1946 có 70 điều thì có tới 11 điều nói về quyền công dân, quyền con người (từ điều 6 đến điều 16). Trong tình hình lúc đó, với chính sách cai trị ngu dân hàng trăm năm của chế độ thực dân, phong kiến, trên 90% dân ta không biết chư, thì việc chẻ nhỏ quyền công dân, quyền con người bằng cách diễn đạt ngắn nhất cũng là điều dễ hiểu (như điều 9 chỉ có 11 chữ: Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện). Khi tìm hiểu bản Hiến pháp năm 1946, các nhà nghiên cứu đều thống nhất cho rằng, những nội dung của Hiến pháp năm 1946 trải qua hơn 60 năm vẫn tỏ ra trường tồn, là mẫu mực cho nền lập hiến nước nhà, trong đó có sự mẫu mực về xác định quyền con người.
Tiếp theo Hiến pháp năm 1946 đã có Hiến pháp năm 1959, 1980, năm 1992 và Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001. Các bản Hiến pháp này đã kế thừa và phát triển liên tục những nội dung cơ bản về quyền công dân, quyền con người trong Hiến pháp năm 1946. Đặc biệt là Hiến pháp năm 1992. Đây là bản Hiến pháp ra đời trong bối cảnh công cuộc đổi mới đất nước mới thực thi được 6 năm, nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991. Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; tạo ra những tiền đề về cơ sở hạ tầng, nâng cao dân trí để thực hiện ngày càng tốt hơn quyền con người. Sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã và đang mở ra những cơ hội mới để bảo đảm phát triển quyền con người theo cả chiều sâu và bề rộng, trên các lĩnh vực cả về vật chất và tinh thần. Tuy nhiên nền kinh tế thị trường cũng phát sinh không ít những yếu tố xâm hại đến quyền công dân, quyền con người, như tình trạng gia tăng các tai, tệ nạn xã hội, gia tăng tội phạm, ô nhiễm môi trường…
Trong tình hình ấy, Dự thảo sửa đối Hiến pháp năm 1992 (sau đây gọi tắt là Dự thảo) tiếp tục làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992. Dự thảo cũng làm rõ hơn nội dung quyền công dân, quyền con người, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền công dân, quyền con người, quy định quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; đồng thời Dự thảo cũng bổ sung một số quyền mới, là kết quả quá trình phát triển và đổi mới đất nước, phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta là một thành viên. Đó là quyền sống (điều 21), quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác (điều 22), quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư (điều 23), quyền sở hữu tư nhân (điều 33), quyền được bảo đảm an sinh xã hội (điều 35), quyền kết hôn và ly hôn (điều 39), quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa (điều 44)… Tuy nhiên, khi đọc lại Hiến pháp năm 1946, ở chương hai “Nghĩa vụ và quyền lợi công dân”, mục B, tôi rất trân trọng khi Hiến pháp đã dành riêng điều 14 viết rằng: “Những công dân già cả hoặc tàn tật không làm được việc thì được giúp đỡ. Trẻ con được chăm sóc về mặt giáo dưỡng”. Đến nay, với sự phát triển ngày càng cao của nền kinh tế thị trường, người già, người tàn tật, trẻ em ngày càng có nhiều nguy cơ trở thành những đối tượng yếm thế; vậy nên chăng trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, việc này cũng cần có sự quan tâm đúng mức, để thể hiện mạnh mẽ hơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với các đối tượng yếm thế này.
Bên cạnh đó, Dự thảo đã bổ sung một nguyên tắc hiến định, đó là quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe cộng đồng (điều 15), nguyên tắc này chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận rất cao của xã hội. Vấn đề cần trao đổi thêm ở đây là, với lý do “đạo đức” nên chăng cần bổ sung thêm 4 từ là “thẩm mỹ truyền thống” (thành “đạo đức thẩm mỹ truyền thống”), như vậy nội dung của “đạo đức thẩm mỹ” sẽ bảo đảm được bản sắc dân tộc hơn.
Quyền công dân, quyền con người, trong nội hàm của nó có những yếu tố chỉ mang tính lịch sử. Tìm hiểu nội dung của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về quyền công dân, quyền con người cho thấy đây là mục tiêu nhất quán của Đảng và Nhà nước ta kể từ khi lập nước. Sửa đổi, bổ sung nội dung về quyền công dân, quyền con người là việc làm cần thiết khi đất nước bước vào thời kỳ toàn cầu hóa.
Thực hiện quyền công dân, quyền con người là một quá trình không thể duy ý chí bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Các thế lực thù địch đang lợi dụng vấn đề này để xuyên tạc vấn đề quyền con người ở Việt Nam. Nếu chúng ta nhận thức được rằng, nền dân chủ hoàn thiện đến đâu thì quyền công dân, quyền con người sẽ được thực hiện đến đó thì nhận thức này sẽ là vũ khí sắc bén để chống lại âm mưu của các thế lực thù địch, khi chúng đã và đang dùng chiêu bài “nhân quyền” để chống phá cách mạng nước ta...