Các nhà khoa học góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp

14:07, 22/02/2013

Sáng 22/2, tại Hà Nội, Tạp chí nghiên cứu lập pháp thuộc Văn phòng Quốc hội và Tạp chí Pháp luật và phát triển của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Góp ý hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”. Tham dự hội thảo có đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học của Văn phòng Quốc hội, Hội Luật gia Việt Nam, các trường đại học, học viện, Viện nguyên cứu.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá tổng quan Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sửa đổi và việc hoàn thiện thể chế chính trị; hoàn thiện chế định quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp và hoàn thiện chế định quyền tư pháp.

 

 

Nhiều ý kiến nhận định: Bản Dự thảo Hiến pháp đã có nhiều nội dung đổi mới quan trọng, thể chế Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên CNXH (sửa đổi, bổ sung năm 2011) và các Nghị quyết của Đảng từ sau Đại hội XI. Dự thảo Hiến pháp đã tiếp cận nhiều giá trị của Chủ nghĩa hợp hiến hiện đại, phản ánh sự phát triển tư duy Hiến pháp ở Việt Nam về chủ quyền lập hiến, phân công và kiểm soát quyền lực, chế độ bảo hiến, quyền con người, quyền công dân.

 

GS.TS Trần Ngọc Đường, chuyên gia cao cấp của Quốc hội phân tích: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân thể hiện trong bản dự thảo Hiến pháp có bước phát triển mới về nhận thức cũng như cách thức thể hiện. Điểm mới thứ nhất là chúng ta đưa lên chương 2, đây không đơn thuần là sự thay đổi vị trí mà đây là bước có sự nhận thức mới xác định nhân dân là chủ thể của quyền lập hiến. Nội dung về quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định phù hợp hơn với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Một số quyền mới được bổ sung và thể hiện bước tiến mới trong việc mở rộng phát triển quyền, phản ánh kết quả của quá trình đổi mới vừa qua.

 

Tuy nhiên, các ý kiến tại hội thảo cũng chỉ rõ những hạn chế của dự thảo cần phải tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu của nhân dân và xu thế của thời đại. Nhiều đại biểu đề nghị bản dự thảo cần hoàn thiện các quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng mang tính cam kết pháp lý rõ ràng để Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự xứng đáng với vai trò hiến định về sự lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội; hoàn thiện các quy định về Quốc hội. Theo đó, cần kiên quyết hơn trong việc phân định thẩm quyền giữa Quốc hội và nhân dân, Quốc hội với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước và chính quyền địa phương.