Cần có sự đồng thuận cao của xã hội

09:02, 26/02/2013

Thực hiện Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội, ngày 2/1/2013, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã chính thức công bố Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (sửa đổi năm 2013) để nhân dân đóng góp ý kiến.

Đây là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng và thiết thực liên quan đến việc xây dựng luật gốc, luật cơ bản của một quốc gia, một khế ước xã hội, đồng thời còn là dịp để mọi công dân trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam thực hiện quyền dân chủ của mình là tham gia xây dựng việc nước: Đóng góp trực tiếp các ý kiến của mình vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

 

 

Là một công dân, tôi coi đây là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm nêu lên một số nhận thức và quan điểm cá nhân tham gia xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp:

 

Trước hết là việc cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Chúng ta đã có các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992, việc sửa đổi Hiến pháp qua các thời kỳ đã mang lại nhiều thành tựu cho đất nước. Hiến pháp năm 1992 đã thể hiện được sự đổi mới. Trong hơn 20 năm qua, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu, nhiều kết quả to lớn trong công cuộc đổi mới, nhưng để xây dựng đất nước trong giai đoạn tới cần nhiều mục tiêu cao hơn, toàn diện hơn và dĩ nhiên Hiến pháp (là luật gốc, luật cơ bản của một quốc gia) cũng phải được sửa đổi cho phù hợp với mọi biến chuyển khách quan của thực tiễn, phù hợp với tư duy và nhận thức của công dân để có được sự đồng thuận xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới. Mặt khác, trên phạm vi toàn cầu, thế giới cũng đang có nhiều chuyển biến mau lẹ và phức tạp, xu thế hội nhập phải đảm bảo được lợi ích dân tộc, lợi ích khu vực. Hiến pháp cần được sửa đổi cho phù hợp với xu thế chung nhưng vẫn phải bảo vệ đất nước. Có  Hiến pháp, Nhà nước sẽ có các chủ trương và quyết sách đúng đắn, phù hợp để điều hành đất nước cả về đối nội và đối ngoại; với nhân dân sẽ hiểu rõ hơn quyền và nghĩa vụ của công dân trong tương lai xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

Thứ hai là về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi hoàn toàn nhất trí vẫn để Điều 4 trong Hiến pháp sửa đổi, vì:

 

+ Đảng Cộng sản Việt Nam thực chất là đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam (đại diện cho quyền lợi thiết thực của đa số trong cộng đồng).

 

+ Bất cứ một Đảng cầm quyền nào cũng mong muốn và chiến đấu cho lợi ích dân tộc, xây dựng đất nước phát triển. Trong suốt chặng đường lịch sử vừa qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã, đang và sẽ lãnh đạo xây dựng đất nước ngày càng tốt đẹp hơn (tôi rất tin như vậy - dù Đảng cũng có một phần trách nhiệm về các sai lầm vừa qua).

 

+ Trong Điều 4 cũng đã ghi rõ trách nhiệm của Đảng và đảng viên trước các quyết sách và hành động của mình, đặc biệt là vấn đề chịu sự giám sát của nhân dân, chứ không thể hành động ngoài khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

 

+ Hiến pháp là luật cơ bản, luật gốc của một nhà nước, nên mọi công dân, trong đó có các đảng viên và tổ chức Đảng, phải chấp hành nghiêm chỉnh.

 

Vừa qua, có một số đảng viên và tổ chức Đảng vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật (như Nghị quyết Hội nghị TW4, khóa XI đã nêu) đã và đang được xử lý, là bài học đau xót mà chắc chắn Đảng cầm quyền không thể tái phạm. Nếu tái phạm, Đảng không những không thể lãnh đạo đất nước mà còn ảnh hưởng đến sự tồn tại của Đảng.

 

+ Cương lĩnh xây dựng đất nước của Đảng đã được bổ sung, phát triển tại Đại hội lần thứ XI năm 2011, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là để cụ thể hóa mục tiêu xây dựng đất nước mà Cương lĩnh đã nêu ra.

 

Thứ ba là vấn đề nội dung và kết cấu của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Dự thảo có giảm 1 chương, 23 điều; 14 điều được giữ nguyên, có 11 điều mới và sửa đổi, bổ sung 99 điều, nhưng nội dung cơ bản không bị cắt xén mà còn được bổ sung, sửa đổi, cụ thể: Về kết cấu có tính khoa học, lôgic và hợp lý hơn vì đã sắp xếp lại những vấn đề liên quan với nhau vào một chương, một điều để công dân dễ hiểu hơn, dễ nắm được các nội dung cơ bản, như chế độ chính trị của quốc gia gồm những vấn đề gì cụ thể; chương riêng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã khẳng định giá trị, vai trò quan trọng của quyền con người, quyền công dân đi đôi với nghĩa vụ công dân…Tương tự là các chương, các đề mục khác liên quan đến các vấn đề kinh tế, khoa học, công nghệ, môi trường, các chương về chính quyền, về các cơ quan dân cử, dân bầu…

 

Cuối cùng là nguyện vọng của tôi - một công dân, một cử tri: Tôi không cho là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã hoàn toàn tuyệt mỹ, nhưng tôi thấy Dự thảo thực sự đã khẳng định được Hiến pháp là luật cơ bản, luật gốc của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, và đã là luật tối cao của đất nước thì mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp, mọi công dân (không phân biệt có chức vụ hay không) đều phải nghiêm chỉnh thực hiện theo đúng khẩu hiệu: “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Không ai được đứng trên, đứng ngoài vòng quy định.

 

Sau khi được Quốc hội thông qua nên có trưng cầu dân ý trước khi Hiến pháp có hiệu lực nhằm xác lập chủ quyền của nhân dân và cần xử lý thích đáng, dứt điểm những vụ việc, những sai lầm mà một số đảng viên, tổ chức Đảng và chính quyền các địa phương đã vi phạm (Nghị quyết Hội nghị TW4, khóa XI đã chỉ ra) để có được khối đoàn kết, thống nhất của cộng đồng, để thể hiện sự công bằng và bình đẳng trước pháp luật đối với mọi công dân, khắc phục bệnh chỉ nói, chỉ có khẩu hiệu mà không làm hoặc làm sai!

 

Hiến pháp là khế ước xã hội cao nhất, cần có sự đồng thuận cao của xã hội.