Cần quan tâm hơn vấn đề tài nguyên và môi trường.

09:11, 19/02/2013

Hiến pháp năm 1992 về mặt nào đó có thể nói là Hiến pháp của sự bứt phá, đưa nước ta từ chỗ là một nước nghèo, lên vị trí có thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình của thế giới; đưa kinh tế nước nhà bước đầu tiếp cận với toàn cầu hóa. Trong những vấn đề chiến lược phát triển của một quốc gia thời kỳ toàn cầu hóa, các nhà nghiên cứu, các học giả trong và ngoài nước, với những đề tài nghiên cứu và các góc nhìn khác nhau, đều có sự thống nhất về một số vấn đề như: khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sống và một số vấn đề khác…. Xung quanh hai nội dung này xin được tham góp như sau:

Một là, về quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên: Nước ta giàu tài nguyên nhưng không phải là vô tận. Hiện nay do lo xa mà một số nước giàu tài nguyên hơn ta, họ vẫn đi mua quặng thô về dự trữ; còn ở ta, hơn hai mươi năm qua, cùng với sự phát triển chung của nhiều thành phần kinh tế, việc khai thác tài nguyên của đất nước đang diễn ra ồ ạt hơn bất cứ thời gian nào trước đó. Trên cả nước có hàng ngàn điểm đào bới khai thác quặng, vàng bạc, đá quý với nhiều quy mô lớn nhỏ, hầu hết bằng phương tiện thủ công, không có quy hoạch. Trong khi đó, công tác quản lý của Nhà nước thì lỏng lẻo. Hậu quả là, nguồn thu về cho ngân sách Nhà nước chỉ chiếm phần không đáng kể so với nguồn thu lợi cho cá nhân; kéo theo những hệ lụy: Môi trường bị phá hoại nghiêm trọng, hàng ngàn ha đất canh tác bị đào bới xô bồ không thể sử dụng được, tai tệ nạn xã hội gia tăng, nạn đút lót, hối lộ trở thành điểm nóng tại các vùng có tài nguyên bị khai thác. Và, Nhà nước phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

 

 

Hai là vấn đề bảo vệ môi trường: Cùng với việc khai thác tài nguyên không được quản lý chặt chẽ nói trên, quá trình hình thành các khu công nghiệp, hình thành các đô thị… đang làm cho môi trường sống của chúng ta chưa bao giờ bị phá hoại nặng nề như hiện nay. Hàng trăm con sông bị ô nhiễm, hàng vạn bãi rác thải bốc mùi. Rừng đầu nguồn, rừng chắn gió bị đốn chặt thảm hại, hệ sinh thái rừng, sinh thái biển bị đảo lộn. Hàng ngày có hàng vạn khối khí độc hại thải vào không trung…Tất cả hậu quả khôn lường con người sẽ phải hứng chịu, và nhà nước cũng phải chi hàng nghìn tỷ đồng nữa để khắc phục.

 

Tuy nhiên, trong Hiến pháp năm 1992, hai nội dung này được nêu trong Điều 29 như sau: “Cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, mọi cá nhân phải thực hiện các quy định của Nhà nước về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Nghiêm cấm mọi hành động làm suy kiệt tài nguyên và hủy hoại môi trường” - như thế là chưa thỏa đáng với những vấn để có ý nghĩa chiến lược này.

 

Đề nghị Ủy Ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cân nhắc, có nên dành hẳn một điều cho vấn đề khai thác, sử dụng tài nguyên và một điều cho vấn đề bảo vệ môi trường?

 

Ngoài ra, ở điều 38 Hiến pháp năm 1992 có ghi: “Tạo điều kiện để các nhà khoa học sáng tạo và cống hiến”… xin đề nghị sửa lại câu này như sau: “Tạo điều kiện về cơ sở vật chất và đãi ngộ để các nhà khoa học sáng tạo và cống hiến…”. Vì thực tế những năm qua chúng ta đang phải đối mặt với sự chảy máu chất xám, đối mặt với tình trạng “bỏ phí” nhiều công trình sáng tạo có ý nghĩa thực tiễn rất cao của nhiều tập thể và cá nhân, do họ không đủ điều kiện triển khai. Sự khẳng định của Hiến pháp sẽ là cơ sở cho việc hoạch định các chính sách, thu hút và sử dụng hiệu quả nhân tài của đất nước.