Coi trọng lãnh đạo công tác GPMB

09:22, 01/02/2013

Năm 2012 - một năm đầy khó khăn, thách thức - nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của T.P Thái Nguyên vẫn đạt 12%. GDP bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/năm (tăng 5 triệu đồng so với năm 2011); thu ngân sách đạt trên 1.100 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp; giải quyết việc làm cho gần 7.000 lao động; thu hút các nhà đầu tư vào thành phố được 40 dự án với tổng số vốn đăng ký 14.424 tỷ đồng...

Theo đồng chí Bùi Xuân Hòa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Thái Nguyên: Có nhiều nguyên nhân để đạt được kết quả trên, trong đó nguyên nhân quan trọng là Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện các dự án trên địa bàn. Theo đó, nâng cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân và các cơ quan có liên quan để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định. Cấp ủy, chính quyền các phường, xã nơi có dự án trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm về tiến độ GPMB. Đảng bộ Thành phố quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, trình độ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, đồng thời quan tâm đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

 

 

Tại phường Hoàng Văn Thụ, Bí thư Đảng ủy Trần Thị Hương Nga và Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thế Hoàn cũng cho biết địa phương đặc biệt coi trọng công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB, coi đó là “chìa khóa” để thay đổi bộ mặt đô thị và tăng trưởng kinh tế của địa phương. Cho đến nay, Dự án đường Bắc Sơn, đường Minh Cầu (đoạn nối đường Bắc Sơn) và Khu dân cư số 1 phường Hoàng Văn Thụ - là dự án trọng điểm của tỉnh, công trình chào mừng T.P Thái Nguyên tròn 50 tuổi - sau 5 năm thực hiện đã có 328/375 hộ dân đồng thuận về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (đạt 87,5%). Hiện còn 47 hộ (12,5%) chưa hợp tác, chưa đồng thuận với chính quyền và nhà đầu tư để GPMB thực hiện dự án.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đức Lợi, Phó Giám đốc Công ty Xây dựng và San nền Thái Nguyên, có nhiều nỗi niềm bức xúc. Ông cho rằng công tác GPMB thực hiện dự án trong 5 năm qua rất chậm, đã phát sinh nhiều cuộc họp kiểm điểm, báo cáo liên quan đến các cấp, ngành hữu quan, nhưng các vướng mắc vẫn kéo dài. Một số hộ có người nhà là cán bộ, đảng viên đương chức, nằm trong vùng thực hiện dự án nhưng thiếu gương mẫu hợp tác với chính quyền địa phương để giao đất cho nhà đầu tư…

 

Nói về những khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên Lê Quang Tiến cho rằng: Chính sách bồi thường theo Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ và Quyết định số 01/2010/QĐ-UBND ngày 5-1-2010 của UBND tỉnh hiện nay đang tạo chênh lệch khá lớn về mức bồi thường đất nông nghiệp giữa giá đất tại xã và phường, gây nhiều thắc mắc cho người dân sử dụng đất nông nghiệp tại các xã. Công tác quản lý đất đai giữa thực tế với bản đồ địa chính và hồ sơ đất thường có biến động và phải đo đạc, chỉnh lý thường xuyên, gây khó khăn trong việc thu hồi đất. Chính sách bồi thường giữa các dự án được sử dụng nguồn vốn khác nhau trên cùng một địa bàn: Vốn từ ngân sách Nhà nước thì bồi thường theo giá quy định của Nhà nước; một số dự án kinh tế thì thực hiện thỏa thuận, chuyển nhượng… Bên cạnh đó, việc hỗ trợ đất nông nghiệp trong địa giới hành chính phường, trong khu dân cư thuộc thị trấn, khu dân cư nông thôn theo hạn mức quy định tại Điều 20, Quyết định số 01/2010/QĐ-UBND ngày 5/1/2010 của UBND tỉnh hiện nay đang nảy sinh nhiều vướng mắc do sự chênh lệch quá lớn về giá trị hỗ trợ giữa diện tích theo hạn mức và diện tích lớn hơn hạn mức quy định. Trước đây khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), Nhà nước giao khoán đất nông nghiệp đã tính theo nhân khẩu của hộ gia đình và cấp chung một GCNQSDĐ. Thực tế các hộ đã chia cho các con sử dụng. Khi Nhà nước thu hồi đất lại chỉ được tính diện tích hỗ trợ cho một hộ, vì vậy gây nhiều thắc mắc đối với người đang sử dụng đất thực tế. Mức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm tại điểm a, khoản 2, Điều 21 của Quyết định số 01/2010/QĐ-UBND đối với diện tích còn lại sau khi tính hỗ trợ theo Điều 20 không được nhân dân ủng hộ, vì cùng trên một thửa đất mà mức hỗ trợ chênh nhau quá lớn. Cùng với đó, giá bồi thường đất theo quy định của Luật Đất đai được ban hành trong một năm thường không theo sát với biến động của thị trường. Trong khi một số dự án kéo dài nhiều năm trên một khu vực, giá bồi thường các năm khác nhau gây ra khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Đơn giá bồi thường nhà cửa, vật kiến trúc trên thực tế tồn tại theo kết cấu, kiến trúc có nhiều dạng khác nhau. Tuy nhiên, Quyết định về đơn giá bồi thường chỉ đáp ứng được một số dạng cơ bản, nhiều trường hợp phải vận dụng nên gặp khó khăn khi lập phương án bồi thường và gây nhiều thắc mắc cho người dân khi thực hiện công tác bồi thường GPMB….

 

Vượt qua những khó khăn trên, để GPMB thuận lợi, thành phố đã công khai rõ ràng các dự án, phổ biến cơ chế, chính sách về GPMB đối với tất cả các trường hợp liên quan. Từ đó tiếp thu ý kiến phản hồi của người dân, nhất là về các vướng mắc và kiến nghị. Trên cơ sở này, huy động cả hệ thống chính trị xử lý thông tin, đưa ra các giải pháp giải quyết cụ thể từng vấn đề. Trong quá trình đó, lãnh đạo Thành phố trực tiếp tiếp công dân cũng như trực tiếp chỉ đạo công tác GPMB, không phó mặc cho chủ đầu tư. Từ các thông tin phản hồi, phân tích rõ những vấn đề liên quan đến lợi ích chính đáng của người dân để giải quyết. Nếu vượt thẩm quyền, thành phố kiến nghị với tỉnh cho cơ chế giải quyết. Trong công tác GPMB, có nhiều trường hợp được giải quyết thấu tình, đạt lý đã dẫn đến thành công. Cũng có trường hợp khi GPMB, cán bộ thi hành làm sai khiến người dân bức xúc, nảy sinh khiếu kiện, thì thành phố phải xử lý nghiêm cán bộ và công khai cho người dân biết. Một trong những cái khó nhất khi GPMB là làm sao cân bằng được lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Trong đó lợi ích của người dân là quan trọng. Công việc này trước hết phải dựa trên cơ sở pháp luật Nhà nước quy định. Nếu quyền lợi chính đáng của người dân không được bảo đảm do sự bất cập của cơ chế thì chính quyền địa phương phải đứng ra kiến nghị để bảo vệ lợi ích chính đáng cho người dân.

 

Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên Lê Quang Tiến cho biết: Vừa qua, sở dĩ công tác GPMB của một số dự án trên địa bàn thành phố thuận lợi là do chính quyền địa phương và nhà đầu tư luôn đặt mình ở vị trí của người dân, coi trọng lợi ích của bà con và thực hiện nhiều biện pháp nhằm đáp ứng lợi ích chính đáng của người dân trong khuôn khổ pháp luật. Trong ứng xử với người dân phải tăng cường sự công khai, minh bạch, tích cực đối thoại. Đối với mỗi vấn đề nảy sinh phải tìm hiểu kỹ để giải quyết tận gốc. Nhờ vậy, năm 2012, thành phố đã thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được 91 dự án, với tổng diện tích GPMB là 61,2ha, trị giá 547,8 tỷ đồng, trong đó đất ở là 7,1ha, đất sản xuất nông nghiệp 52,9ha, đất phi nông nghiệp khác 1,2ha. Qua đó tạo ra cơ hội lớn trong năm 2013 cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào làm ăn ở Thái Nguyên.